Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Nhiều bất cập, khó khăn trong công tác điều trị, cai nghiện ma túy

(Dân sinh) - Mặc dù đã được nhà nước đầu tư cơ sở vật chất phục vụ điều trị, cai nghiện ma túy, thế nhưng trong công tác điều trị, cai nghiện ma túy ở Thanh Hóa vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn, bất cập cần phải giải quyết.

Còn nhiều rào cản

Theo số liệu thống kê tại Cơ sở cai nghiện ma túy số 1 Thanh Hóa, tính đến 31/5 số học viên đang cai nghiện, quản lý tại Cơ sở là 445 học viên.

Các học viên sau khi tiếp nhận vào Cơ sở cai nghiện đã được các y, bác sỹ tiến hành khám sức khỏe ban đầu và thực hiện các xét nghiệm sinh hóa để xác định mức độ nghiện, đánh giá tình trạng sử dụng ma túy, phát hiện các bệnh nội khoa, bệnh truyền nhiễm đẻ làm căn cứ lập hồ sơ bệnh án, theo dõi, quản lý, điều trị.

Nhiều bất cập, khó khăn trong công tác điều trị, cai nghiện ma túy - Ảnh 1.

Học viên tham gia sinh hoạt tập trung tại Cơ sở cai nghiện ma túy số 1 Thanh Hóa

Xây dựng, thực hiện các kế hoạch cai nghiện phù hợp kết hợp với điều trị rối loạn tâm thần và điều trị các bệnh nhiễm trùng cơ hội khác. Ngoài ra, các học viên còn được thực hiện nghiêm túc 5 quy trình cai nghiện đã được liên Bộ ban hành; được tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao; được tư vấn, tham gia sinh hoạt nhóm nhằm giúp các học viên thay đổi hành vi, nâng cao kỹ năng sống, kỹ năng giải quyết tình huống gặp phải trong quá trình cai nghiện, quá trình tái hòa nhập cồng đồng và kỹ năng phòng chống tái nghiện…

Ông Lê Chí Cường, Giám đốc Cơ sở cai nghiện ma túy số 1 Thanh Hóa cho biết: "Mặc dù đã được nhà nước đầu tư cơ sở vật chất phục vụ công tác điều trị, cai nghiện ma túy, thế nhưng trong công tác điều trị, cai nghiện ma túy vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn, bất cập cần phải giải quyết.

Ngay từ khi Nghị định 221/2013/NĐ-CP ngày 30/12/2013 của Chính phủ có hiệu lực về Quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc (sau này được sửa đổi, bổ xung một số điều tại Nghị định số 136/2016/NĐ-CP ngày 9/9/2016) quá trình triển khai, áp dụng các quy phạm pháp luật gặp nhiều khó khăn, rào cản cho tất cả các đối tượng thi hành pháp luật trong lĩnh vực cai nghiện ma túy.

Sau hơn 4 năm thực hiện Nghị định, nhìn chung người nghiện đưa vào Cơ sở điều trị thấp, thậm chí có Cơ sở không có người bệnh. Có địa phương vận dụng, lách luật, ban hành cơ chế riêng biệt để đưa các đối tượng vào các Cơ sở nhưng cũng để lại rất nhiều hệ lụy, dễ vi phạm pháp luật và mất tính an toàn trong thi hành công vụ, tạo dư luận xã hội không tốt, không đúng với hoạt động cai nghiện.

Nghị định số 136/2016/NĐ-CP ngày 9/9/2016 sửa đổi chỉ mới thay đổi được chế độ ăn, chế độ sinh hoạt phí và vật dụng sinh hoạt trong đó quy định hệ số là một phương pháp hết sức khoa học, nhưng các chế độ còn lại tại Thông tư liên tịch số 148/2014/TTLT-BTC-BLĐTBXH ngày 8/10/2014 Quy định về chế độ quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; chế độ đối với người chưa thành niên, người tự nguyện chữa trị, cai nghiện tại Trung tâm, gia đình và cộng đồng chưa được sửa đổi, bổ sung, còn quá thấp so với thực tế chi phí tại Cơ sở cai nghiện…" – ông Cường nói.

Ông Cường cũng cho biết thêm: Về cơ cấu, tổ chức bộ máy, chỉ tiêu định biên và chế độ chính sách cho cán bộ - đây là cơ sở công lập, quy định số người làm việc tại các vị trí việc làm theo phân loại quy mô tiếp nhận đối tượng là quá thấp, không đảm bảo nhân lực làm việc theo chế độ đặc thù 24/24 giờ...

Được biết, Cơ sở cai nghiện ma túy số 1 Thanh Hóa là một Cơ sở trong hệ thống, chịu ảnh hưởng không nhỏ khi triển khai tổ chức thực hiện Nghị định số 221/2013/NĐ-CP. Từ một Cơ sở được đầu tư xây dựng, mua sắm trang thiết bị hàng trăm tỷ đồng, đội ngũ cán bộ có hơn nhiều năm kinh nghiệm; hàng năm tiếp nhận trên 1.000 lượt người vào cai nghiện ma túy, điều trị, cắt cơn, giải độc phục hồi. Tuy nhiên số lượng người nghiện tham gia điều trị tại Cơ sở chỉ chiếm 20% số lượng người nghiện trên địa bàn…

Cần sớm thay đổi

Một thực tế cho thấy, trong đời sống xã hội những năm gần đây, tốc độ gia tăng các loại ma túy mới, độ gây nghiện, gây hại cho người sử dụng đã phát triển đến hàng nghìn loại chất một cách nhanh chóng. Các thảm họa của người sử dụng ma túy, hành vi gây tội ác của người nghiện trong xã hội ngày càng gia tăng, nguy hiểm hơn.

Nói thêm về vấn đề này, ông Lê Chí Cường kiến nghị: "Về việc ban hành văn bản, pháp luật đề nghị các cơ quan Nhà nước, cấp có thẩm quyền nghiên cứu, xây dựng, tham mưu trình Quốc hội ban hành "luật điều trị, cai nghiện phục hồi cho người nghiện ma túy".

Nhiều bất cập, khó khăn trong công tác điều trị, cai nghiện ma túy - Ảnh 2.

Học viên tham gia sản xuất, lao động.

Xây dựng các nghị định, quy định chức năng nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức, chế độ chính sách cho cán bộ công tác và làm việc tại các Cơ sở cai nghiện ma túy. Trong đó, cần xác định rõ địa vị pháp lý của Cơ sở cai nghiện ma túy trong hệ thống đơn vị sự nghiệp công lập, chuẩn xác của loại hình cơ sở là gì?, Nó có thực sự là đơn vị sự nghiệp công lập có cơ chế tự chủ về kinh phí đảm bảo duy trì hoạt động không?.

Để tạo nguồn tự chủ, làm gì để có nguồn thu? Nếu có, thu bao nhiêu, sử dụng như thế nào. Cơ quan Nhà nước cấp nào chịu trách nhiệm hướng dẫn.

Về phần ngân sách nhà nước, trong quy định cần tính đúng, tính đủ các chi phí điều trị chữa bệnh, nuôi dưỡng, học văn hóa, học nghề, tư vấn, hỗ trợ sinh kế… Bên cạnh đó, cần định danh rõ ràng bởi trên cả nước có trên 100 Cơ sở cai nghiện ma túy công lập, mỗi cơ sở lại có những khác biệt từ tên gọi, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức…bởi tên gọi xác định nhiệm vụ chính trị của Cơ sở.

Nếu nó là Cơ chữa bệnh, đối tượng được xem như là bệnh nhân thì các thiết chế quy định của pháp luật hiện nay dùng để điều chỉnh các hoạt động của Cơ sở là không phù hợp. Nếu gọi là Cơ sở chữa bệnh, giáo dục, phục hồi hành vi nhân cách cho người bệnh thì phải bổ sung các quy định hướng dẫn thực hiện, tránh sự đùn đẩy trách nhiệm của các cơ quan chức năng, đơn vị nghiệp vụ trong công tác phối hợp giải quyết các vấn đề xã hội.

Ngoài ra cần đơn giản hóa các thủ tục, trình tự, hướng dẫn thực hiện, giải quyết vấn đề đưa người nghiện đi cai; cơ cấu, tổ chức bộ máy, vị trí việc làm phù hợp…nhằm đảm bảo công tác cai nghiện cho người nghiện ma túy đạt hiệu quả một cách cao nhất"- ông Cường thông tin.