Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Nhiều bệnh nhân Trung Quốc “xù” viện phí tại Việt Nam

Công ty lữ hành không mua bảo hiểm du lịch cho du khách Trung Quốc nên khi họ nhập viện và “xù” viện phí thì bệnh viện không biết đòi ai

 

Bác sĩ Nguyễn Văn Xáng, Giám đốc Bệnh viện (BV) Đa khoa tỉnh Khánh Hòa, cho biết thời gian qua, một số bệnh nhân người Trung Quốc (TQ) cố tình chây ì, trốn tránh trả viện phí. Mặc dù chưa có con số thống kê cụ thể nhưng trung bình một tuần, BV gặp khoảng 1-2 trường hợp.

Phải lập tổ phiên dịch

Bà Kiều Thị Thư, Điều dưỡng trưởng của Khoa Cấp cứu BV Đa khoa tỉnh Khánh Hòa, cho biết thời gian gần đây, lượng bệnh nhân TQ cấp cứu tại khoa rất nhiều. Khoa này phải lập hẳn một tổ phiên dịch tiếng Trung vì các bệnh nhân hầu như không biết tiếng Anh. “Trách nhiệm của chúng tôi là cứu người trước tiên, những trường hợp không trả viện phí sẽ được nhân viên hành chính giữ lại giấy tờ, số điện thoại của công ty lữ hành đưa bệnh nhân đến để truy thu” - bà Thư nói.

Bệnh viện sao chụp giấy tờ của du khách Trung Quốc để tiện việc đòi viện phí


Mệt mỏi nhất là Trung tâm Dịch vụ y tế của BV. Nhiều người TQ đến đây điều trị theo dịch vụ nhưng khi thanh toán viện phí thì cố tình dây dưa, khất nợ, cán bộ y tế phải đòi khản cả giọng mới được. Bà Lương Thị Bích Ngọc, Trưởng Bộ phận Chăm sóc khách hàng của trung tâm này, chỉ ra trường hợp cụ thể: Bệnh nhân Zhou Yuanfeng (44 tuổi) vào viện điều trị vì bị viêm tế bào mô nhưng chỉ đóng 3 triệu đồng. Mặc dù bệnh nặng, thuốc men tốn kém, BV yêu cầu đóng thêm tiền nhưng ông Zhou Yuanfeng hết lần này đến lần khác nói với cán bộ y tế là “cứ chờ vợ tôi lên”. “Ông Zhou Yuanfeng không đóng thêm khoản tiền nào nữa trong khi sắp về nước. Bác sĩ nói tình trạng bệnh nhân này cũng đã ổn định nên chúng tôi phải dừng điều trị và hoàn tất thủ tục cho xuất viện sớm” - bà Ngọc kể.

Còn bệnh nhân Li Yuemin (55 tuổi), nhập viện cấp cứu vì bị tai nạn giao thông, gãy mâm chày chân trái, gãy mỏm vẹt phải, xương trụ phải, gãy nền xương bàn tay phải... Sau 3 ngày điều trị, cố định xương chân tay, BV yêu cầu đóng viện phí thì ông Li Yuemin chỉ nói đợi người nhà thu xếp và sau đó mới tạm ứng 10 triệu đồng rồi... đòi về nước. Theo bà Ngọc, hãng máy bay cho biết nếu bố trí nằm trên băng ca thì tốn hơn 200 triệu đồng.

Không có bảo hiểm du lịch

Về việc truy thu viện phí, bà Ngọc cho biết BV thường giữ, chụp lại giấy tờ, hộ chiếu để liên hệ. Khác với khách châu Âu, châu Mỹ hoặc châu Úc đều có bảo hiểm du lịch nên dễ dàng tìm đầu mối thanh toán viện phí khi khó khăn; còn khách Trung Quốc hầu như không ai có bảo hiểm du lịch, lại không rõ đơn vị lữ hành nào đưa họ đến nên BV rất khổ sở khi đòi viện phí.

Ông Nguyễn Văn Xáng cho rằng để phục vụ khách tốt hơn, các công ty du lịch không nên “thả” hết trách nhiệm cho BV mà cần phối hợp để chăm sóc bệnh nhân. Khi đưa bệnh nhân đến thì phải có người hướng dẫn, thuyết minh để tránh tình trạng bất đồng ngôn ngữ, gây khó khăn trong quá trình giao tiếp giữa bác sĩ và người bệnh. “Dù sao thì trách nhiệm của BV là lo cấp cứu, điều trị, làm được chừng nào hay chừng đó, họ trả tiền hay không thì tính sau, còn họ bỏ đi thì... đành chịu” - ông Xáng nói.

 

Những công ty không đàng hoàng

Ông Nguyễn Quang Thắng, Giám đốc Công ty TNHH Lữ hành quốc tế Tictour, cho biết pháp luật quy định rất cụ thể việc các hãng lữ hành phải mua bảo hiểm du lịch cho du khách khi tổ chức tour. Các công ty lữ hành TQ phải mua bảo hiểm, còn công ty lữ hành trong nước chỉ có trách nhiệm đón tiếp, hướng dẫn du khách. Nếu có tổ chức tour thì hãng lữ hành trong nước mới mua bảo hiểm. “Những công ty của TQ không mua bảo hiểm cho du khách khi đưa qua Việt Nam là những công ty không đàng hoàng hoặc rơi vào trường hợp khách đi tự túc” - ông Thắng nhận định.