Theo báo cáo của Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam, Việt Nam hiện có hơn 7 triệu người khuyết tật, chiếm 7,06% dân số từ 2 tuổi trở lên. Trong đó, có 87,27% người khuyết tật sống ở nông thôn, tỉ lệ người khuyết tật sống ở khu vực này thuộc diện nghèo và cận nghèo thường cao gấp 3 tỉ lệ nghèo trung bình của toàn quốc. Số người khuyết tật còn trong độ tuổi lao động là 61%, trong đó 40% còn khả năng lao động. Trình độ học vấn của người khuyết tật thấp: 41,01% người khuyết tật từ 6 tuổi trở lên không biết chữ; số có trình độ từ tốt nghiệp trung học cơ sở trở lên chỉ chiếm 19,5%. Về trình độ chuyên môn kỹ thuật: 93,4% người khuyết tật từ 16 tuổi trở lên không có chuyên môn; số có bằng cấp là chứng chỉ nghề trở lên chỉ chiếm 6,5%.
Thời gian qua, việc tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về người khuyết tật đã tạo ra những chuyển biến tích cực đối với cuộc sống của người khuyết tật.
Hằng năm, có khoảng 19.000 người khuyết tật được dạy nghề, tạo việc làm, giới thiệu việc làm cho khoảng 20.000 lượt người khuyết tật với tỷ lệ thành công đạt trên 50%. Gần 40.000 người khuyết tật được vay vốn Quỹ quốc gia về việc làm với lãi suất ưu đãi… Tuy nhiên, tỷ lệ lao động là người khuyết tật có việc làm mới đạt khoảng 31,7%.
Theo Chánh Văn phòng Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam, Cục trưởng Cục Bảo trợ Xã hội Tô Đức, số lượng người khuyết tật được học nghề và có việc làm vẫn còn hạn chế, thiếu chương trình, đội ngũ giáo viên dạy nghề. Cùng với đó, trình độ học vấn của nhiều người khuyết tật còn thấp, cộng với tâm lý tự ti, mặc cảm của bản thân người khuyết tật và gia đình khiến cơ hội tiếp cận thông tin việc làm, nghề nghiệp của người khuyết tật còn hạn chế. Nhiều doanh nghiệp không muốn tuyển dụng người khuyết tật…
Tuy nhiên, Đảng và Chính phủ Việt Nam luôn quan tâm, chỉ đạo tổ chức thực hiện việc dạy nghề, tạo việc làm cho người khuyết tật từ nhiều năm qua, ông Tô Đức chia sẻ: Tại Quyết định 1190/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2021-2030, Chính phủ đặt chỉ tiêu đến năm 2030 có 300.000 người khuyết tật được hỗ trợ đào tạo nghề, tạo việc làm. Cùng với đó là hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất thiết bị cho 6 cơ sở giáo dục nghề nghiệp chuyên biệt để đào tạo nghề nghiệp cho người khuyết tật tại 6 vùng trong cả nước và cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo nghề cho người khuyết tật. Thực tế cho thấy, từ năm 2012 đến nay, Chính phủ đã bố trí ngân sách gần 10 tỷ đồng/năm để dạy nghề, tạo việc làm cho khoảng 19.000 người khuyết tật. Nhiều người khuyết tật được vay vốn ưu đãi giải quyết việc làm, xóa nghèo, học nghề, được tập huấn nâng cao năng lực sản xuất - kinh doanh.
Tại Hội thảo “Thực trạng và giải pháp tạo việc làm đối với người khuyết tật ở Việt Nam”, nhiều ý kiến cho rằng, cần lồng ghép nội dung này trong triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia để có thêm nguồn lực thực hiện. Đó là các chương trình về xây dựng nông thôn mới; chương trình giảm nghèo bền vững; chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Cùng với đó, phải tiếp tục phát huy sự phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước về người khuyết tật trong tham gia giải quyết việc làm cho người khuyết tật.
Để thúc đẩy tạo việc làm cho người khuyết tật, ông Tô Đức nhấn mạnh thêm một số giải pháp trọng điểm như: Phải tăng cường hướng dẫn để bản thân người khuyết tật, gia đình người khuyết tật chủ động tìm hiểu, nắm rõ các quyền của mình; chú trọng công tác cấp Giấy chứng nhận cho người khuyết tật, làm cơ sở giải quyết chính sách hỗ trợ, đáp ứng nhu cầu học nghề, việc làm của người khuyết tật...
Chia sẻ với báo chí dịp kỷ niệm Ngày Quốc tế người khuyết tật 3/12, Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp Hội về người khuyết tật Việt Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật Việt Nam Đặng Văn Thanh cho biết, để dạy nghề, hỗ trợ người khuyết tật tìm kiếm việc làm có thể ổn định thu nhập, bên cạnh việc đẩy mạnh xã hội hóa công tác trợ giúp người khuyết tật, huy động các tổ chức, cá nhân và cộng đồng tham gia trợ giúp người khuyết tật, thì cần có cơ chế khuyến khích các trường học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp xây dựng chương trình đào tạo chuyên biệt, tiên tiến, sẵn sàng nhận người khuyết tật vào học nghề, đào tạo để họ có thể tự tạo việc làm ở nhà, gia đình, hoặc có thể tham gia vào thị trường lao động.