Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Nhiều con công nhân không được ở cùng bố mẹ

Hơn 2,4 triệu công nhân hiện đang làm việc tại các khu công nghiệp, trong đó gần 70% là lao động nữ. Do đặc thù công việc phải làm tăng ca, thu nhập thấp và hầu hết phải thuê nhà trọ, nên lao động nữ luôn đối mặt với nhiều vấn đề liên quan tới đời sống gia đình. Thậm chí, nhiều người phải chấp nhận gửi con về quê hoặc xin nghỉ việc để ở nhà trông con.

 

Đời sống công nhân còn nhiều khó khăn

Theo kết quả nghiên cứu Đề tài “Các giải pháp nâng cao chất lượng đời sống hôn nhân, gia đình của công nhân tại các khu công nghiệp” của Ban Nữ công (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) được nghiệm thu, có tới 21,8% lao động nữ được hỏi cho biết, họ phải gửi con về quê với ông bà. Bên cạnh mặt tích cực là công ăn, việc làm, công nhân lao động phải đối mặt với các vấn đề về đời sống gia đình (hôn nhân, nhà ở,  nhà trẻ, mẫu giáo, dịch vụ y tế...) không dễ giải quyết.

Kết quả nghiên cứu đã phản ánh đúng bức tranh đời sống công nhân tại các khu công nghiệp hiện nay. Đa phần công nhân tuổi đời còn trẻ, là lao động nhập cư, mới tốt nghiệp phổ thông, thoát li từ nông thôn ra thành thị làm việc. Hầu hết các khu công nghiệp hiện nay chưa có quy hoạch về xây dựng nhà ở, nhà trẻ, mẫu giáo, cơ sở hạ tầng và các thiết chế văn hóa, xã hội phục vụ người lao động. Đời sống vật chất, tinh thần của công nhân còn nhiều khó khăn, trong khi đó tiền lương chưa đáp ứng được mức chi tiêu cơ bản hằng ngày... dẫn tới áp lực về đời sống khiến đại bộ phận công nhân lúng túng khi lựa chọn bạn đời và lo lắng các điều kiện cần và đủ để xây dựng hạnh phúc gia đình.

Ảnh minh họa.

Phó Chủ tịch công đoàn các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội Trần Thu Phương cho biết: Tại các khu công nghiệp - khu chế xuất Hà Nội, tỷ lệ công nhân lao động lập gia đình chiếm khoảng 50% tổng số công nhân lao động. Đối với công nhân lập gia đình tại địa phương, điều kiện kinh tế cũng như việc tổ chức, sắp xếp công việc gia đình tương đối ổn định, thuận lợi hơn so với các công nhân ngoại tỉnh lập gia đình và càng khó khăn hơn khi Vợ chồng mỗi người một tỉnh, do phải thuê nhà và đi lại, gửi tiền về hai bên gia đình nội, ngoại. Đối với những công nhân lao động chưa lập gia đình, ngoài thuận lợi là họ có sức khỏe và thời gian đầu tư cho công việc nhiều hơn, vẫn tồn tại một số khó khăn, bất cập như khó có thời gian tìm hiểu, tìm kiếm bạn đời do thời gian tăng ca, kíp tăng thu nhập. Việc sống thử trước hôn nhân dẫn đến tình trạng nạo phá thai ngoài ý muốn.

Nảy sinh nhiều tiêu cực

Chị Nguyễn Thị Nga hiện đang làm công nhân tại công ty Hanel Hà Nội phải gửi 2 con về bà ngoại ở Nghệ An vì không có đủ điều kiện chăm sóc con. Chị Nga cho biết, hai vợ chồng làm công nhân thu nhập mỗi tháng được 8 triệu đồng, trừ tiền thuê nhà và điện nước 3 triệu đồng, mỗi tháng chỉ còn 5 triệu đồng để trang trải tất cả các chi phí từ ăn uống, xăng xe, điện thoại, đối ngoại cho đến tiền học cho con là rất khó. Khi con cai sữa, bà ngoại về quê, chị bàn tính với chồng gửi con về quê theo ông bà. Mỗi tháng sau khi nhận lương, trừ các chi phí sinh hoạt cho 2 vợ chồng, tằn tiện lắm chị chỉ có thể gửi về 2 triệu đồng để ông bà đóng tiền học cho cháu. “Xa con ai chả buồn, nhất là con mình còn quá nhỏ, nhưng không còn cách nào khác đành phải chấp nhận. Với 2 triệu đồng mỗi tháng ông bà sống ở quê có thể lo cho cháu ăn học nhưng sống cùng bố mẹ ở thành phố đắt đỏ thì số tiền đó chỉ đủ đóng tiền học cho một con thôi. Đi lại tốn kém, mỗi năm vợ chồng cũng chỉ về thăm con được một  lần vào dịp Tết”, chị Nga ngậm ngùi chia sẻ.

Thực tế, cuộc sống khó khăn, công nhân tại các khu công nghiệp không chỉ chấp nhận xa con mà nhiều người yêu nhau, nhưng không dám cưới hoặc cưới rồi lại không dám sinh con. Từ đó nảy sinh những hiện tượng tiêu cực như: Sống thử, quan hệ tình dục trước hôn nhân; nạo phá thai trước hôn nhân; cưới rồi không dám sinh con; tình trạng sống độc thân ngày càng nhiều. Đặc biệt tình trạng lao động nữ đẻ con, nuôi con một mình hoặc có con nhưng không đăng ký kết hôn...

ThS Bùi Phương Chi, chủ nhiệm đề tài “Các giải pháp nâng cao chất lượng đời sống hôn nhân, gia đình của công nhân tại các khu công nghiệp” cho rằng, từ chất lượng cuộc sống thấp dẫn đến việc công nhân phải thường xuyên làm tăng ca, tăng giờ, ảnh hưởng đến thời gian dành cho gia đình và sự gắn kết giữa các thành viên trong gia đình cũng bị ảnh hưởng. Chính vì thế, nhóm nghiên cứu đã đưa ra các nhóm giải pháp khác nhau nhằm nâng cao chất lượng đời sống hôn nhân, gia đình của công nhân tại các khu công nghiệp. Trong đó đặc biệt chú trọng đến việc giải quyết những yếu tố tác động tới vấn đề hôn nhân, gia đình như thu nhập (thông qua các phong trào lao động giỏi, lao động sáng tạo, đầu tư và nâng cao hiệu quả cho sản xuất, tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra giám sát thực hiện chính sách pháp luật đối với người lao động). Xây dựng các mô hình thiết chế phục vụ nhu cầu của công nhân như nhà trẻ, mẫu giáo, nhà ở, siêu thị... Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu cũng đưa ra nhóm giải pháp hỗ trợ công nhân tiếp cận thông tin, kiến thức, kỹ năng sống và xây dựng gia đình hạnh phúc...