Nâng cấp Quốc lộ ven phá Tam Giang
Có mặt tại công trường dự án nâng cấp, cải tạo mặt đường tuyến Quốc lộ 49B đoạn từ Km 1 - Km 3 (xã Phong Hoà, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế), phóng viên ghi nhận, lực lượng công nhân đang gấp rút hoàn thành nhiều hạng mục. Kĩ sư Trần Công Tuấn, chỉ huy trưởng công trường cho biết, ngay từ khi khởi công, đơn vị thi công đã tập trung nhân lực, máy móc, phương tiện để đẩy nhanh tiến độ. Đến nay, các công đoạn thi công đã cơ bản đạt trên 60% khối lượng công việc theo kế hoạch đề ra.
Được biết, tuyến đường Quốc lộ 49B bắt đầu từ thôn Mỹ Chánh (xã Hải Chánh, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị) và kết thúc tại cửa phía Bắc hầm đường bộ Phước Tượng (xã Lộc Trì, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế) với chiều dài hơn 104 km, đi qua địa phương của các huyện Phong Điền, Quảng Điền, thành phố Huế, Phú Vang và Phú Lộc (Thừa Thiên Huế). Đây là tuyến đường chạy song song với Quốc lộ 1A, kết nối các địa phương ven biển và phá Tam Giang của tỉnh Thừa Thiên Huế, giúp phát triển kinh tế - xã hội và cứu hộ cứu nạn trong mùa mưa bão.
Do lịch sử để lại, nên trục đường 49B có diện tích mặt đường hẹp, đi qua nhiều khu vực dân cư đông đúc, nhiều đoạn gần bờ sông, ven phá trũng thấp nên hay bị ngập sâu trong các cơn lũ lớn. Với vai trò quan trọng và thực trạng của tuyến đường, trong những năm qua, được sự quan tâm của Trung ương, Bộ GTVT, tỉnh Thừa Thiên Huế đã đầu tư nâng cấp, mở rộng mặt đường, nâng cao trình đường nhằm đảm bảo giao thông thông suốt trong những điều kiện khác nhau. Trên tuyến đường cũng có nhiều cây cầu lớn, vượt phá Tam Giang, như cầu Tư Hiền, Tam Giang được xây dựng.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều đoạn của tuyến Quốc lộ 49B chưa được nâng cấp, gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc đi lại của người dân, nhất là vào mùa mưa lũ. Đơn cử như trong trận mưa lũ lớn xảy ra vào đầu tháng 4/2022, khi có mặt tại xã Phong Hoà và Phong Bình (huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế), phóng viên ghi nhận nhiều đoạn đường ngập sâu trong nước, người dân nơi đây chỉ có thể di chuyển bằng ghe, thuyền. Do đó, dự án nâng cấp tuyến đường từ Km1 - Km3 đã được đầu tư, với tổng số vốn hơn 15 tỷ đồng và đã khởi công đầu năm 2023. Theo đó, đoạn đường sẽ được nâng cao trình từ 0,4m đến 1m, mở rộng mặt đường từ 5 - 7m, xây dựng bờ kè 2 bên đường. Sau khi dự án hoàn thành, đoạn đường này sẽ trở nên khang trang, rộng rãi hơn, đảm bảo giao thông trong mùa mưa bão; đồng thời giúp thu hút du khách đến với khu làng cổ Phước Tích (xã Phong Hoà).
Theo Kỹ sư Trần Công Tuấn, một vấn đề khiến dự án chưa thể đẩy nhanh tiến độ được là do vướng giải phóng mặt bằng. Việc giải phóng mặt bằng là trách nhiệm của địa phương, do đó việc thi công phụ thuộc vào từng địa phương, nếu giải phóng mặt bằng được thì sẽ thuận lợi thi công, đầu tư hạ tầng.
Ông Đoàn Vận (86 tuổi, trú thôn Đông Thượng, xã Phong Hòa, huyện Phong Điền) cho biết, gia đình sẵn sàng hiến đất làm đường. Tuy nhiên, ông yêu cầu phải có sự cam kết rõ ràng từ chính quyền địa phương, đồng thời dự án phải được thi công thông suốt, không để xảy ra tình trạng “treo” rồi làm khổ dân thêm.
Giải cứu đoạn Quốc lộ 1A cứ mưa là ngập
Trong suốt nhiều năm qua, đoạn Quốc lộ 1A từ Km866+700 - Km867+200, đi qua địa bàn xã Lộc Trì (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế) được xem là “điểm đen” về ngập lụt cục bộ mỗi khi xảy ra mưa lớn, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.
Theo Sở GTVT tỉnh Thừa Thiên Huế, vị trí này đã có nhiều đoàn kiểm tra, đề xuất các giải pháp xử lý. Đã xây dựng tại hiện trường cống hộp 2x3m đủ để thoát nước băng đường với lượng mưa nhỏ, mưa vừa. Tuy nhiên, qua khảo sát hiện trường và điều tra thực địa cho thấy hạ lưu phía phá Tam Giang có cao độ mực nước thường xuyên cao; ruộng lúa hoa màu của người dân bị bồi lấp. Khi xảy ra mưa lớn kèm triều dâng thì hầu như cả khu vực này đều ngập lụt.
Mặt khác, cống ngang đường bộ và đường sắt lệch vị trí cũng làm giảm hiệu quả thoát nước. Vào mùa mưa lũ, khu vực thị trấn Phú Lộc và xã Lộc Trì thường có lưu lượng mưa lớn, phổ biến từ 150mm đến 300mm. Cá biệt như trận mưa cực lớn (trong 12 giờ từ 6h-18h ngày 2/12/2022), với lượng mưa đo được tại trạm đo Bạch Mã lên đến 597mm, khiến lượng nước từ phía thượng nguồn chảy về rất lớn. Trong khi đó, sông Hói Rui nhỏ hẹp nên, hệ thống mương thoát nước ngang Quốc lộ 1A đoạn Km866+700 - Km867+200 còn hạn chế; mặt đường thấp nên nước lũ thường tràn lên đường, gây ngập úng cục bộ, làm ách tắc giao thông.
Để xử lý tình trạng trên, tháng 10/2022, dự án xây dựng mương thoát nước nối từ sông cầu Hai về cầu Hói Rui phía sau khu tái định cư xã Lộc Trì đã được khởi công xây dựng. Dự án do Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực huyện Phú Lộc làm chủ đầu tư, với tổng số vốn đầu tư 25 tỷ đồng.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Hiệp - Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực huyện Phú Lộc cho biết, theo tiến độ đề ra, toàn bộ dự án sẽ hoàn thành trong năm 2024. Đến nay, các đơn vị thi công đã thi công hoàn thành ước tính 60 - 70% khối lượng công việc, trong đó hệ thống mương thoát nước đang được đốc thúc tiến độ để hoàn thành trước mùa mưa lũ năm 2023. Theo ông Hiệp, dự án hiện cũng đang vướng mắc vấn đề giải phóng mặt bằng, với 2 gia đình có diện tích đất liên quan.
Mới đây, Sở GTVT tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp với Văn phòng Quản lý Đường bộ II.5 cùng các cơ quan liên quan tổ chức kiểm tra hiện trường. Qua kiểm tra, đoàn yêu cầu huyện Phú Lộc đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, nhằm tăng khả năng thoát nước, chia sẻ lưu lượng nước từ sông Cầu Hai qua khu vực cầu Hói Rui. Sau khi hoàn thành dự án tiếp tục theo dõi khả năng thoát và hiện trạng ngập của khu vực.
Nếu tình hình ngập lụt vẫn diễn ra, cần có tư vấn đánh giá toàn bộ cao độ khu vực thượng lưu và hạ lưu đường sắt, đường Quốc lộ 1 đoạn từ Km866+700 - Km867+200, diện tích lưu vực, tần suất mưa lũ trên lưu vực, chế độ triều tại đầm Cầu Hai, khả năng thoát nước của khu vực xã Lộc Trì để có đề xuất nhằm đưa ra các giải pháp giảm ngập cho khu vực một cách bền vững.
Không chỉ 2 dự án nêu trên, trong thời gian vừa qua, tỉnh Thừa Thiên Huế đã đầu tư nhiều công trình trọng điểm nhằm thích ứng biến đổi khí hậu, giải thoát nước lũ cho các khu đô thị, khu dân cư, bảo đảm tính mạng nhân dân cũng như công trình, nhà cửa, lao động sản xuất, an toàn giao thông.