Tạo điều kiện tối đa cho học sinh
Ngay khi nhận được công văn của Bộ GD&ĐT đề nghị tiếp nhận, tạo điều kiện cho học sinh học tập tại nơi cư trú do dịch COVID-19, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình đã chỉ đạo Sở GD&ĐT triển khai thực hiện nội dung này.
Theo ông Nguyễn Viết Hiển, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Thái Bình, Sở đã chỉ đạo để các trường tạo điều kiện tối đa cho học sinh được vào học dù các thông tin, thủ tục, giấy tờ của học sinh chưa thể hoàn tất. Đại diện gia đình chỉ cần có đơn là các trường sẽ tiếp nhận học sinh vào học.
Cơ sở giáo dục cũng được hướng dẫn khi học sinh có thể trở về trường cũ sẽ xác nhận thời gian và kết quả học tập ở Thái Bình của các em; cùng phối hợp với trường mà học sinh theo học chính thức để việc học của học sinh được tiếp nối thuận lợi.
Tại tỉnh Ninh Bình, theo thống kê của Sở GD&ĐT, tính đến ngày 6/9, toàn tỉnh có 698 học sinh các cấp học (trừ mầm non) từ các địa phương khác đến nhưng chưa thể quay về do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Bên cạnh đó, 310 học sinh của Ninh Bình cũng đang "mắc kẹt" tại nhiều tỉnh, thành phố chưa trở về địa phương học tập. Sở GD&ĐT Ninh Bình đã hướng dẫn các đơn vị thực hiện một số nội dung liên quan.
Trước hết, tiếp nhận, tạo điều kiện cho các học sinh có nguyện vọng vào học tập tại trường học nơi học sinh cư trú trong thời gian phòng, chống dịch COVID-19, phù hợp với điều kiện thực tế của nhà trường và bảo đảm an toàn.
Phối hợp với các địa phương, nhà trường nơi học sinh có nguyện vọng chuyển đi và chuyển đến (bằng văn bản gửi qua email hoặc hệ thống quản lý văn bản điện tử e-office) để tiếp nhận và bố trí, xếp lớp cho học sinh học tập theo đúng đối tượng.
Yêu cầu các nhà trường quan tâm, hỗ trợ học sinh về các điều kiện học tập cần thiết như sách giáo khoa, tài liệu học tập; tạo điều kiện thuận lợi nhất cho học sinh học tập theo kế hoạch giáo dục của nhà trường.
Mặt khác, các trường tiểu học, THCS, THPT sẽ xác nhận kết quả rèn luyện và học tập của học sinh được tiếp nhận để học sinh quay trở lại trường cũ học tập sau thời gian phòng, chống dịch COVID-19 bảo đảm chính xác, công bằng, minh bạch, đúng quy định.
Cùng với đó, chuyển giao, tiếp nhận lại học sinh kèm theo kết quả rèn luyện và học tập của học sinh (đã học tập tại trường học nơi cư trú) khi học sinh quay trở lại trường cũ học tập; quan tâm, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho học sinh khi quay trở lại trường cũ học tập theo kế hoạch giáo dục của nhà trường.
Tỉnh Nghệ An có khoảng 10 trường hợp học sinh ở các bậc học phổ thông ở tỉnh ngoài chưa thể quay về do dịch bệnh, ngoài ra, còn có một số lượng lớn các em ở bậc mầm non.
Sở đã có văn bản hướng dẫn các cơ sở giáo dục trên địa bàn, theo đó, có 2 tình huống. Nếu học sinh chỉ học tạm thời tại trường thì nhà trường phải có danh sách riêng để có thể chuyển điểm số của các em trong thời gian học tại trường cho trường cũ khi các em kết thúc thời gian học tạm.
Trong trường hợp học sinh học luôn tại trường cả năm học thì nhà trường phải liên hệ với trường cũ để thực hiện việc chuyển, nhận hồ sơ học bạ của các em qua đường bưu điện.
Tại Thanh Hóa, chủ trương tiếp nhận học sinh về cư trú tránh dịch cũng đã được phổ biến đến các nhà trường. Theo ông Tạ Hồng Lựu, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tạo tỉnh, Sở đã yêu cầu các trường phải chủ động liên hệ với cơ sở nơi học sinh theo học để thống nhất việc các em sẽ học tại trường mình cho đến khi nào tình hình dịch ổn định thì trở về trường cũ. Phụ huynh chỉ cần đến trường đăng ký và yên tâm là dù chỉ học tạm thì các em cũng vẫn được tạo điều kiện tối đa và bảo đảm chất lượng giáo dục.
Mỗi thầy cô là một đầu mối hỗ trợ các phương án học tập trên địa bàn sinh sống
Sở GD&ĐT TPHCM cũng đã có văn bản về hướng dẫn tiếp nhận, tạo điều kiện cho học sinh phổ thông được học tập tại nơi cư trú do tình hình dịch COVID-19. Theo đó, Sở chỉ đạo các trường, tạo điều kiện cho các học sinh có nguyện vọng vào học tập tại trường học nơi học sinh cư trú trong thời gian phòng, chống dịch COVID-19, phù hợp với thực tế của địa phương, nhà trường.
Nhà trường cung cấp công khai địa chỉ email trường, kênh thông tin liên lạc của các thành viên phụ trách để tiếp nhận nhu cầu học tạm tại trường. Nhà trường tiếp nhận đơn (chuyển đi, chuyển đến bằng văn bản gửi qua email hoặc hệ thống quản lý văn bản điện tử) của phụ huynh và bố trí, xếp lớp cho học sinh theo điều kiện thực tế của trường, đúng đối tượng.
Sở GD&ĐT đề nghị mỗi cơ sở giáo dục, mỗi thầy, cô giáo, nhân viên trên địa bàn TPHCM trở thành thành viên đầu mối hỗ trợ các phương án học tập trên địa bàn sinh sống (từng tổ dân phố, từng khu phố, từng phường, từng quận huyện) trong điều kiện của mình.
Tính đến đầu tháng 9, Thành phố Hải Phòng có 54 giáo viên và 1.120 học sinh đang bị mắc kẹt tại các địa phương có dịch, chưa thể quay trở về thành phố. Số lượng học sinh đến và "kẹt" tại Hải Phòng không về được địa phương là 217 học sinh, Sở đã có văn bản yêu cầu các đơn vị giáo dục tạo điều kiện, tiếp nhận học sinh để duy trì việc học tập cho các em.
Sở GD&ĐT Thành phố đã chỉ đạo các trường cùng với phụ huynh học sinh bị mắc kẹt làm thủ tục theo quy định của địa phương, gửi văn bản cho Sở GD&ĐT các địa phương để tạo điều kiện cho các học sinh chưa về được Hải Phòng được học trực tiếp hoặc trực tuyến.
Tương tự như vậy, tỉnh Quảng Ninh cũng đang tiếp nhận hơn 100 học sinh tỉnh ngoài bị "mắc kẹt" trên địa bàn và bố trí cho các em học tạm tại các trường trên địa bàn trong lúc dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp.
Tại Đà Nẵng, đối với những trường hợp học sinh bị "mắc kẹt", Sở GD&ĐT đã có chỉ đạo các trường phối hợp tiếp nhận, tạo điều kiện cho học sinh tham gia học tập tại nơi cư trú.
Đối với học sinh của các địa phương khác đang ở Đà Nẵng có nguyện vọng học tập, các trường căn cứ danh sách, thông tin cho học sinh biết để đăng ký tham gia học tập. Danh sách học sinh được tiếp nhận sẽ được chuyển đến các trường sau khi Sở GD&ĐT nhận đầy đủ thông tin từ các địa phương khác.
Còn Sở GD&ĐT Kon Tum cho biết, trường hợp học sinh ngoại tỉnh đang tạm trú tại Kon Tum có nguyện vọng được học tại trường, Sở đã thực hiện chỉ đạo của Bộ về việc tiếp nhận, tạo điều kiện cho học sinh học tập tại nơi cư trú. Trong đó, Sở tập trung phối hợp với UBND các huyện, thành phố và các đơn vị liên quan rà soát đối tượng nhằm có phương án tiếp nhận, tạo điều kiện cho học sinh học tập tại nơi cư trú bảo đảm an toàn; hỗ trợ sách giáo khoa, tài liệu học tập…