Tại Ninh Bình, Sở GD&ĐT Ninh Bình yêu cầu tạm dừng đến trường với học sinh tiểu học cho đến khi có thông báo mới. Trong thời gian học sinh tạm dừng đến trường, các cơ sở giáo dục tổ chức dạy học trực tuyến hoặc lựa chọn hình thức dạy học phù hợp với đặc điểm lứa tuổi, tâm sinh lý học sinh.
Cùng với đó, phân công giáo viên thường xuyên liên hệ, phối hợp với gia đình trong việc nắm bắt tình hình sức khỏe và tư vấn chăm sóc học sinh; chỉ đạo giáo viên lựa chọn nội dung, bài học phù hợp.
Tại Quảng Ninh, Sở GD&ĐT vừa có văn bản chỉ đạo các cơ sở giáo dục về việc tổ chức dạy học nhằm đảm bảo an toàn và sức khỏe cho học sinh trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19.
Cụ thể, đối với cấp mầm non tiếp tục cho trẻ em nghỉ học từ ngày 28/2/2022 đến khi có thông báo mới. Đối với cấp tiểu học: tiếp tục cho học sinh học trực tuyến từ ngày 28/2/2022 đến khi có thông báo mới.
Tại Lâm Đồng, học sinh từ lớp 6 trở xuống ở 15/16 phường, xã thuộc thành phố Đà Lạt bắt đầu học trực tuyến từ ngày 23/2, trẻ mầm non tạm dừng đến trường do dịch COVID-19.
Với bậc THCS (từ lớp 7 đến lớp 9), Phòng GD&ĐT Đà Lạt giao hiệu trưởng các trường căn cứ đánh giá cấp độ dịch bệnh trên địa bàn, phối hợp với ngành y tế, UBND các phường xã để linh hoạt chuyển đổi hình thức dạy học trực tuyến hay trực tiếp cho phù hợp.
Tại Hà Nam, trẻ mầm non tạm nghỉ học, học sinh tiểu học và lớp 6 chuyển sang học trực tuyến hai tuần, bắt đầu từ ngày 23/2 cho đến khi có thông báo mới.
Tại Sơn La, do ảnh hưởng của dịch bệnh và thời tiết, hơn 300 cơ sở giáo dục ở tỉnh Sơn La đã quyết định cho học sinh nghỉ học. Theo tính toán, các đơn vị có thể tạm dừng đến trường trong 2 tháng nếu cần thiết.
Tại Vĩnh Phúc cũng thông báo cho học sinh tiểu học, THCS dừng đến trường, chuyển sang học trực tuyến. Chỉ có các trường mầm non tiếp tục mở cửa theo tinh thần tự nguyện đáp ứng nhu cầu gửi con của phụ huynh.
Tại Bà Rịa - Vũng Tàu cũng cho toàn bộ học sinh ở huyện Côn Đảo dừng học trực tiếp đối với trẻ mầm non, học sinh tiểu học, THCS, THPT để phòng, chống dịch. Trong đó, trẻ mầm non ở nhà, các bậc học khác chuyển sang học trực tuyến để hoàn thành kế hoạch năm học.
Tại Hà Nội, từ khi mở cửa trường học sau Tết Nguyên đán đến nay, dù Sở GD&ĐT không công bố số học sinh mắc COVID-19 nhưng tỉ lệ học sinh phải nghỉ học, chuyển sang học trực tuyến khá lớn. Hà Nội hiện cho trẻ mầm non, học sinh lớp 1-6 các quận nội thành nghỉ học, số còn lại học trực tiếp.
Theo hiệu trưởng một số trường, có thời điểm, có lớp học chỉ có 1, 2 học sinh đến học trực tiếp. Ví dụ tại Trường THCS- THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội), đến nay đã có gần 1.000 học sinh là F0, F1 và một số giáo viên thuộc diện phải cách li. Đại diện trường này cho rằng, những lớp học sinh đến trường quá ít mà vẫn duy trì dạy học trực tiếp là cứng nhắc và không hiệu quả. Do đó, khi xây dựng kịch bản dạy học trực tiếp, nhà trường phải tính đến phương án lớp còn bao nhiêu học sinh đi học sẽ phải chuyển sang học trực tuyến.