Những vụ phát hiện xăng kém chất lượng phải kể đến hồi tháng 10/2017, phát hiện vụ pha chế, tiêu thụ 2 triệu lít tại Nghệ An; năm 2019 triệt phá đường dây pha chế xăng giả tạo A95 và E5 trên thị trường của Trịnh Sướng… Từ đầu năm 2018 trở lại đây, lĩnh vực quản lý thị trường nói chung đã xử lý rất nhiều vụ việc liên quan đến xăng dầu với khoảng 5.000 vụ việc và xử lý vi phạm hơn 1.000 vụ việc, tước quyền sử dụng 37 giấy phép kinh doanh, tịch thu 6 cột bơm và 1 cây xăng.
Địa bàn gian lận thương mại xăng dầu hiện nay tương đối phổ biến, đó là một số địa phương ở khu vực miền Tây Nam Bộ, khu vực Trung Bộ và lác đác một số tỉnh khu vục phía Bắc.
"Qua công tác kiểm tra trong 2 năm qua, chúng tôi phát hiện các hành vi vi phạm điển hình là bán xăng dầu ngoài hệ thống và kinh doanh xăng dầu khi giấy chứng nhận bán lẻ xăng dầu đã hết hiệu lực. Thời gian gần đây nổi lên tình trạng giả chất lượng, bán xăng lậu, tác động đến kỹ thuật đo để làm sai lệch kết quả đo, lợi dụng giờ cao điểm tăng giảm xăng để bơm chồng số, tự ý điều chỉnh giá… để thu lợi bất chính. Đặc biệt, qua công tác kiểm tra ở một số tỉnh, có những tỉnh có 50% mẫu xăng A95 và 100% mẫu xăng E5 tại một vài cửa hàng đều không đạt tiêu chuẩn kỹ thuật", ông Linh cho hay.
Trước tình hình gian lận thương mại xăng dầu đang diễn ra khá phổ biến, trong tháng 10 vừa qua, Tổng cục Quản lý thị trường đã trình Bộ Công Thương và Bộ đã trình Chính phủ Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 67/2017/NĐ-CP. Theo đó, Tổng cục Quản lý thị trường đề xuất các mức xử phạt vi phạm mạnh tay hơn trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, qua đó góp phần hạn chế tình trạng buôn lậu và gian lận thương mại trong lĩnh vực này.