Theo Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thi tốt nghiệp THPT do Bộ GD&ĐT vừa công bố, có một số quy định mới liên quan đến trách nhiệm thí sinh. Đây là những điều chỉnh mới, khác so với các kỳ thi năm trước. Vì vậy thí sinh cần ghi nhớ thực hiện đúng, tránh vi phạm để ảnh hưởng đến kết quả bài thi.
Điều chỉnh quan trọng đầu tiên là danh sách vật dụng được mang vào phòng thi. Nếu như quy định hiện hành cho phép thí sinh mang “các loại máy ghi âm, ghi hình chỉ có chức năng ghi thông tin, nhưng không thể nghe, xem và không thể truyền, nhận được thông tin, tín hiệu âm thanh, hình ảnh trực tiếp, nếu không có thiết bị hỗ trợ khác”, thì ở kỳ thi năm nay, Bộ GD&ĐT dự kiến không cho phép thí sinh mang theo các vật dụng này. Thí sinh chỉ được mang vào phòng thi các vật dụng, gồm: Bút viết, bút chì, compa, tẩy, thước kẻ, thước tính; máy tính bỏ túi không có chức năng soạn thảo văn bản, không có thẻ nhớ; Atlat Địa lí Việt Nam đối với môn thi Địa lí.
Một điểm mới nữa dự kiến áp dụng từ kỳ thi năm nay, đối với buổi thi môn tự luận, thí sinh chỉ được ra khỏi phòng thi sau khi hết 2/3 thời gian làm bài của buổi thi; phải nộp lại bài thi kèm đề thi, giấy nháp. Khi rời phòng thi, thí sinh phải di chuyển đến phòng chờ và phải ở tại phòng chờ trong suốt thời gian còn lại của buổi thi, không được ra khỏi khu vực thi sau khi hết 2/3 thời gian làm bài của buổi thi như những năm trước.
Về cách thức đăng ký dự thi, toàn bộ thí sinh đang học lớp 12 năm học 2022 - 2023 sẽ đăng ký theo hình thức trực tuyến. Riêng thí sinh học xong THPT, nhưng chưa thi tốt nghiệp THPT hoặc đã thi, nhưng chưa tốt nghiệp những năm trước, những người đã có bằng tốt nghiệp THPT, người đã có bằng tốt nghiệp trung cấp dự thi để lấy kết quả đăng ký xét tuyển (thí sinh tự do) đăng ký dự thi và đăng ký xét công nhận tốt nghiệp THPT (nếu có) trực tiếp tại đơn vị đăng ký dự thi do Sở GD&ĐT quy định.
Theo Bộ GD&ĐT, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 dự kiến diễn ra cùng thời điểm như năm trước, vào khoảng đầu tháng 7; bảo đảm ổn định về phương thức tổ chức và cấu trúc, phạm vi đề thi. Đề thi nằm trong chương trình THPT, chủ yếu ở lớp 12 và sẽ tăng cường nội dung liên quan đến vận dụng thực tiễn ở một số môn thi. Việc tăng cường vận dụng thực tiễn ở một số môn thi nhằm từng bước tiệm cận với định hướng đánh giá năng lực phù hợp với yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Để chuẩn bị tốt cho kỳ thi, Bộ GD&ĐT đã yêu cầu các Sở GD&ĐT tăng cường chỉ đạo đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới cách thức kiểm tra, đánh giá theo định hướng đánh giá năng lực học sinh; chuẩn bị thật tốt việc lựa chọn nhân sự để tham gia các khâu của kỳ thi. Bộ GD&ĐT cũng lưu ý các địa phương quan tâm đến việc hướng dẫn, hỗ trợ học sinh trong quá trình đăng ký dự thi.
Bộ GD&ĐT sẽ phối hợp với Bộ Công an và Thanh tra Chính phủ tập huấn nghiệp vụ về thực hiện các biện pháp phòng chống, ngăn chặn hành vi gian lận, nhất là gian lận bằng thiết bị công nghệ cao, quyết tâm tổ chức kỳ thi an toàn, nghiêm túc, công bằng cho mọi thí sinh.