Chiều 11/9, (giờ Việt Nam), trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Cộng hòa Phần Lan, tại Thủ đô Helsinki, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các thành viên Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam đã dự tọa đàm Doanh nghiệp Việt Nam – Phần Lan.
Hợp tác với Việt Nam có ý nghĩa rất quan trọng đối với Phần Lan
Tham dự buổi toạ đàm còn có Bộ trưởng phụ trách Ngoại thương và Hợp tác phát triển Phần Lan Ville Skinnari, một số quan chức Chính phủ Phần Lan và đông đảo doanh nghiệp Phần Lan hoạt động trong các lĩnh vực:
Thiết bị phần cứng và công nghệ dự báo thời tiết, giám sát thời tiết và theo dõi ô nhiễm không khí; công nghiệp và năng lượng mới; công nghệ nước, cơ sở hạ tầng số để quản lý nước hiện đại; an ninh mạng; giao thông vận tải; trí tuệ thông minh; quản lý các dữ liệu thông minh…
Ông Ville Skinnari khẳng định, nhiều doanh nghiệp hàng đầu Phần Lan đang rất mong muốn tìm hiểu môi trường đầu tư và cơ hội hợp tác với Việt Nam.
"Việt Nam không chỉ là đối tác ưu tiên mà còn là người bạn tốt của Phần Lan trong nửa thế kỷ qua. Quan hệ thương mại song phương thời gian qua đạt khoảng 5 tỷ Euro. Nhờ có những dấu hiệu phát triển tích cực của khu vực tư nhân của hai nước, chúng ta đã có những cơ hội mới rất to lớn. Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU đã được phê chuẩn tạo ra cơ hội rất lớn về thương mại tự do giữa Việt Nam và Phần Lan", ông nói.
Tái khẳng định hợp tác với Việt Nam có ý nghĩa rất quan trọng đối với Phần Lan, Bộ trưởng Ville Skinnari cũng cho biết, Phần Lan đã thông qua kế hoạch hỗ trợ các khoản vay ưu đãi cho dự án đầu tư vào Việt Nam hơn bất kỳ quốc gia nào.
"Đây là ưu tiên rất lớn của Phần Lan. Hy vọng các doanh nghiệp Phần Lan tham gia đầu tư tại Việt Nam có thể tận dụng nguồn vốn này để đem lại những lợi ích cho cả hai bên".
Chuẩn bị sớm để không lỡ nhịp xu hướng phục hồi sau đại dịch
Phát biểu với các doanh nghiệp Phần Lan, Chủ tịch Quốc hội cảm ơn các doanh nghiệp hàng đầu Phần Lan đã tham dự tọa đàm và chia sẻ mong muốn được đầu tư tại Việt Nam.
Chủ tịch Quốc hội cũng làm rõ hơn nhiều nội dung về tình hình kinh tế, xã hội, chính sách đối ngoại của Việt Nam và chủ trương phát triển nhanh, bền vững và hài hoà cả về kinh tế, xã hội và môi trường, sẽ trở thành địa điểm đầu tư nhiều tiềm năng đối với các doanh nghiệp Phần Lan.
Đồng ý với Bộ trưởng Ville Skinnari về xu hướng phát triển của nền kinh tế, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, Việt Nam coi trọng phát triển nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, tăng cường tái chế, tái sử dụng, sử dụng các công nghệ ít cacbon, cắt giảm khí nhà kính và đẩy mạnh khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội cho người dân…
Đây là những lĩnh vực hợp tác rất tiềm năng mà doanh nghiệp Phần Lan có thể đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam.
Đặc biệt, 17 Hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương mà Việt Nam đã ký kết, sẽ tạo cơ hội, thu hút các nhà đầu tư từ nhiều quốc gia.
Do đó, Chủ tịch Quốc hội mong muốn nghị viện các nước thành viên EU sớm phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam – EU (EVIPA) để bảo vệ quyền và lợi ích của các nhà đầu tư Việt Nam và EU. Do đó, các doanh nghiệp Phần Lan cũng cần chuẩn bị sớm để không bị lỡ nhịp xu hướng đầu tư trong thời gian tới.
Ngày 11/9 theo giờ địa phương (giờ chiều Việt Nam) tại Thủ đô Helsinki, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã tiếp nhóm Start-up Phần Lan gốc Việt đại diện cho 4 doanh nghiệp trẻ Phần Lan.
Bốn doanh nghiệp này là Ren Original, Top Data Science, KaukoInternational Oy (thuộc VIF Group Oy) và Reactron Technologies tập trung vào các lĩnh vực như: Chuyển đổi số, Start-up, công nghệ xanh, năng lượng tái tạo, dược phẩm, thiết bị y tế, nhựa tái chế, chống ô nhiễm môi trường….
Các doanh nghiệp trẻ bày tỏ mong muốn được mang các công nghệ cao về Việt Nam, nhất là các công nghệ thích ứng với biến đối khí hậu ở đồng bằng sông Cửu Long, góp phần xây dựng Tổ quốc bằng các hoạt động cụ thể.
Thêm 100.000 liều vaccine Astra Zeneca và gần 300 tỷ thiết bị y tế chống dịch
Ngay sau khi kết thúc Toạ đàm doanh nghiệp Phần Lan- Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các thành viên Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam đã dự Lễ trao tặng vật tư, thiết bị y tế phòng, chống dịch Covid-19 và các biên bản thỏa thuận hợp tác kinh tế giữa các doanh nghiệp Việt Nam và châu Âu về chuyển giao công nghệ sản xuất và mua kít xét nghiệm Covid-19, hợp tác về thử nghiệm lâm sàng và mua bán vaccine Covid-19.
Thay mặt Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đã tiếp nhận hỗ trợ vaccine, vật tư y tế phòng, chống dịch của Chính phủ, một số doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp nước ngoài dành tặng Việt Nam.
Cụ thể, Chính phủ Slovakia tặng Việt Nam 100.000 liều vaccine Astrazeneca; Tập đoàn NG Biotech (Pháp) trao tặng 1 triệu kít xét nghiệm nhanh kháng nguyên Covid- 19 cho Việt Nam, trị giá 5 triệu euro, tương đương 135 tỷ đồng; Tập đoàn T&T trao tặng 1 triệu bộ kít xét nghiệm RT PCR Covid - 19 với tổng giá trị 6 triệu euro, tương đương 162 tỷ đồng.
Ngoài ra, Công ty Cổ phần dược phẩm T&T đã ký thỏa thuận hợp tác chuyển giao công nghệ và sản xuất các kit xét nghiệm RT – PCR Virella SARS-CoV-2 tại Việt Nam với Công ty GERBION GmbH & Co. KG (Đức);
Ký kết thỏa thuận hợp tác với Công ty HYPRA Human Health S.L. U (Tây Ban Nha) về thử nghiệm lâm sàng và mua vaccine phòng chống Covid-19 HIPRA SARS-CoV-2 với số lượng dự kiến 50 triệu liều, tổng giá trị hợp đồng khoảng 375 triệu Euro, tương đương với 10.500 tỷ đồng.
Công ty Dược phẩm T&T cũng ký Hợp đồng chuyển giao công nghệ sản xuất Vaccine Covid-19 tại Việt Nam với Công ty HYPRA Human Health S.L. U (Tây Ban Nha);
Ký Hợp đồng mua bán kit xét nghiệm Real – time PCR sản xuất tại Đức với Công ty AVESTOS INTERNATIONAL GMBH (Đức) với tổng giá trị hợp đồng là 80 triệu euro, tương đương 2.160 tỷ đồng;
Ký kết hợp đồng mua 1 triệu bộ test kit xét nghiệm PCR Covid-19 với Công ty MINGOTHINGS S.L (Tây Ban Nha), tổng giá trị hợp đồng khoảng 6 triệu euro, tương đương 162 tỷ đồng.
Tập đoàn T&T ký kết Biên bản ghi nhớ với Tập đoàn JAKS Resources Berhad (Malaysia) về việc hợp tác đầu tư dự án Nhà máy Điện Khí Quảng Ninh 2 tại tỉnh Quảng Ninh, công suất nhà máy là 1500 Megawat, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 1,5 tỷ USD tương đương 35.000 tỷ đồng (TBC);
Ký Biên bản ghi nhớ về hợp tác sản xuất và chuyển giao công nghệ sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời thế hệ mới với Tập đoàn Solar Finland; ký Biên bản ghi nhớ (MOU) với Công ty Finest Future về hợp tác Giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, thể thao, và Công nghệ cao trong Thực phẩm và Nông nghiệp.
Công ty TNHH trang thiết bị y tế Hà Anh và Công ty Salofa Oy (Phần Lan) ký kết Hợp đồng hợp tác phân phối độc quyển sản phẩm xét nghiệm nhanh Sars-Cov -2.
Tập đoàn Vingroup và Công ty Xenothera SAS ký hợp đồng thỏa thuận hợp tác, tiến hành thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 tại Việt Nam phương pháp điều trị chống COVID của Xenothera là XAV-19 ("Thử nghiệm lâm sàng"); cung cấp sản phẩm XAV-19 cho Việt Nam; và chuyển giao công nghệ sản xuất sản phẩm XAV-19 tại Việt Nam.