Pa Tần là xã biên giới duy nhất của huyện Sìn Hồ (tỉnh Lai Châu), đời sống người dân còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao. Qua vốn vay từ Quỹ Quốc gia về việc làm, các hộ được vay đã đầu tư vào mua cây, con giống chăn nuôi, trồng trọt và mua máy móc sản xuất mở rộng sản xuất kinh doanh…
Nhiều tấm gương tiêu biểu của huyện trong sản xuất kinh doanh, chăn nuôi với thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm đã xuất hiện. Điển hình như năm 2018, gia đình chị Vũ Thị Ngọc ở bản An Tần vay vốn NHCSXH 50 triệu đồng chương trình giải quyết việc làm đầu tư mua 15 con lợn giống, hơn 200 con gà, vịt và sửa sang, xây dựng mới chuồng trại, mua thức ăn chăn nuôi. Từ nguồn vốn đã thúc đẩy kinh tế gia đình phát triển, đến nay tổng thu nhập của gia đình khoảng 100 triệu đồng/năm.
Xác định vốn vay giải quyết việc làm là một trong những kênh quan trọng hỗ trợ người dân có thêm “cần câu” để thúc đẩy phát triển kinh tế và giảm nghèo bền vững, những năm qua, NHCSXH tỉnh Lai Châu đã triển khai đầy đủ, kịp thời và công khai các chính sách liên quan đến chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng đến hàng trăm điểm giao dịch xã trên địa bàn tỉnh; phối hợp với các Ban, ngành, hội, đoàn thể từ tỉnh xuống xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho Nhân dân tiếp cận nguồn vốn.
NHCSXH tỉnh Lai Châu chỉ đạo NHCSXH các huyện xây dựng chỉ tiêu kế hoạch hàng năm, chuyển tải nguồn vốn kịp thời đến với đối tượng thụ hưởng và tăng cường kiểm tra, giám sát việc sử dụng nguồn vốn nhằm mang lại hiệu quả; Chú trọng hướng dẫn nghiệp vụ cho vay và triển khai đầy đủ văn bản chỉ đạo liên quan đến chương trình cho vay giải quyết việc làm đến cấp ủy, chính quyền và các tổ chức hội, đoàn thể; qua đó nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm trong việc phối hợp quản lý, hướng dẫn, thẩm định đảm bảo cho vay đúng đối tượng, đúng mục đích và sử dụng hiệu quả, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo, giải quyết việc làm, xây dựng NTM và bảo đảm an sinh xã hội ở địa phương.
Tại Lai Châu, nguồn vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm chủ yếu đầu tư vào chăn nuôi, trồng trọt, kinh doanh buôn bán; giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động thất nghiệp, thiếu việc làm; phát triển cơ sở sản xuất kinh doanh vừa và nhỏ trong nhiều lĩnh vực, duy trì và phát triển các làng nghề truyền thống trên địa bàn như: dệt, may, thổ cẩm; chế biến miến dong, bún, bánh đa… tại các huyện Phong Thổ, Tam Đường, Than Uyên. Nguồn vốn vay giải quyết việc làm đã thực sự mang lại hiệu quả tạo ra nguồn thu nhập, ổn định cuộc sống người dân trong đó có đồng bào dân tộc thiểu số ở Lai Châu..
Tại Quảng Ngãi, gia đình ông Hồ Văn Quang, dân tộc Cor, trước đây là hộ nghèo ở xã Trà Sơn (Trà Bồng). Từ khi ông quyết định vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn Quỹ GQVL của Ngân hàng CSXH để cải tạo đồi hoang thành vườn cây ăn quả, với bưởi da xanh, bơ, dứa và rừng keo, cuộc sống gia đình ông dần no đủ. Hiện mô hình kinh tế của gia đình ông Quang được huyện Trà Bồng chọn làm điểm giới thiệu cho các hộ dân trên địa bàn đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm về sử dụng vốn vay chính sách và áp dụng kỹ thuật trồng trọt đạt năng suất cao.
Thông qua Quỹ Quốc gia về việc almf, Ngân hàng CSXH tỉnh Quảng Ngãi đã hỗ trợ cho vay nhiều đối tượng lao động yếu thế, người khuyết tật, lao động khu vực nông thôn có cơ hội tiếp cận các nguồn tín dụng ưu đãi để mở rộng, phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần tạo và tự tạo việc làm cho bản thân, gia đình, cộng đồng. Nguồn vốn vay này là một trong những kênh quan trọng hỗ trợ người dân phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững và tạo việc làm mới.
Để giúp người dân tiếp cận thuận lợi và sử dụng nguồn vốn vay hiệu quả, Sở LĐ-TB&XH phối hợp với Ngân hàng CSXH tỉnh, chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chính sách vay vốn từ Quỹ Quốc gia về việc làm thông qua nhiều hình thức, để người dân biết quy trình vay vốn và đăng ký tham gia khi có nhu cầu. Đến nay, nguồn vốn của chương trình mang lại hiệu quả rất tích cực, chất lượng tín dụng an toàn, vì tỷ lệ nợ xấu, nợ quá hạn thấp.