Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

  2. Thời sự

Nhiều hoạt động hấp dẫn phục vụ Lễ hội Đền Hùng 2015

Với không gian linh thiêng của phần nghi lễ và không khí vui tươi, sôi nổi mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc của các hoạt động trong lễ hội sẽ góp phần tạo cho đồng bào và du khách về dự Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm 2015 cảm nhận được sự ấm áp của linh khí nơi đất Tổ. Mặt khác, sẽ thấy được sự gần gũi yêu thương trong nghĩa "đồng bào" và những giá trị văn hóa tâm linh nơi cội nguồn dân tộc Việt Nam.

 

Theo như Kế hoạch Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm 2015 của UBND tỉnh Phú Thọ, Khu di tích lịch sử Đền Hùng sẽ tổ chức trưng bày hiện vật của đồng bào cả nước cung tiến về Đền Hùng tại nhà trưng bày các tác phẩm nghệ thuật; tổ chức đánh trống đồng, đâm đuống, múa lân; tổ chức rước kiệu về Đền Hùng của các địa phương trong khu vực di tích. Ngay khi kế hoạch được ban hành, Ban Giám đốc Khu di tích lịch sử Đền Hùng đã tích cực chỉ đạo các đơn vị triển khai các hoạt động nghiên cứu chuyên môn, kịp thời xây dựng nội dung, kế hoạch triển lãm trưng bày hiện vật và tổ chức các hoạt động văn hóa dân gian phục vụ Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm 2015.

 Trao đổi với PV, bà Phạm Thị Hoàng Oanh, Trưởng phòng Quản lý di tích, bảo tàng thuộc Khu di tích lịch sử Đền Hùng cho biết: “Để chuẩn bị cho cuộc trưng bày trong dịp Lễ hội Đền hùng năm nay với chủ đề "Hiện vật cung tiến Đền Hùng", ngay từ những ngày đầu năm, cán bộ Phòng Quản lý di tích, Bảo tàng đã bắt tay vào việc nghiên cứu, sắp xếp, phân loại các hiện vật do đồng bào cả nước cung tiến và bạn bè quốc tế trao tặng Đền Hùng trong nhiều năm qua. Qua hàng trăm hiện vật phong phú, đa dạng về loại hình, chất liệu, từ những bức tranh, ảnh, đến bút tích, các hiện vật đồng, đá, gốm, sứ… đều chứa đựng những tình cảm vô giá và tấm lòng tri ân của các tập thể hoặc cá nhân đối với công đức của Tổ tiên. Năm nay, lần đầu tiên, tại khu vực Nhà trưng bày các tác phẩm nghệ thuật thuộc Khu di tích lịch sử Đền Hùng sẽ mở cửa để đón khách thăm quan trong dịp lễ hội”.

 

Để góp phần tạo không khí lễ hội linh thiêng trong dịp Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng hàng năm, không thể thiếu các hoạt động văn hóa dân gian như đánh trống đồng, đâm đuống, múa lân, rước kiệu… nhằm diễn tả lại các hình thức sinh hoạt văn hóa xa xưa của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước. Trong đó, đặc biệt phải kể đến hoạt động rước kiệu. Theo lệ cổ, cứ vào ngày Giỗ Tổ, các làng thờ Vua Hùng đều rước kiệu về Đền Hùng, tạo nên sự long trọng và linh thiêng của lễ hội. Rước kiệu từ lâu đã thành một định lệ, là một hoạt động văn hóa dân gian tiêu biểu, không thể thiếu trong ngày lễ hội. Xa xưa, có 40 làng thờ Hùng Vương cùng tổ chức rước kiệu về Đền Hùng. Cỗ kiệu nào đẹp nhất, lễ vật dâng cúng hậu nhất sẽ được đem lên đền Thượng dâng cúng Tổ tiên.

 Vì vậy, trải qua thăng trầm của lịch sử, nghi lễ rước kiệu luôn được tổ chức vào dịp Giỗ Tổ Hùng Vương hàng năm với sự tham gia của đông đảo dân làng, gồm: Các bô lão cao tuổi trong đội tế lễ, các vị trung niên, các nam nữ thanh niên tham gia rước kiệu, cầm cờ quạt, bát bửu, trống chiêng, tàn lọng... Nghi lễ rước kiệu truyền thống đó được cộng đồng sáng tạo, duy trì, bảo tồn hàng nghìn năm nay. Sự gắn kết giữa mọi người dân bằng tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên có ý nghĩa sâu sắc tạo nên khối đại đoàn kết trong cộng đồng, tạo ra sức mạnh tinh thần trong việc bảo tồn và giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc.


 Để tổ chức thành công các hoạt động văn hóa dân gian này, yếu tố đóng vai trò then chốt là sự tham gia của đông đảo cộng đồng, đó cũng là nét độc đáo và đáng khuyến khích trong việc bảo tồn tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Bởi thế, ngay từ sau Tết Nguyên đán, Khu di tích lịch sử Đền Hùng đã khẩn trương xây dựng kế hoạch tổ chức đánh trống đồng, đâm đuống, múa lân, rước kiệu phục vụ lễ hội; cử cán bộ trực tiếp xuống các địa phương vùng ven, gồm các xã Hy Cương, Vân Phú, Hùng Lô, Kim Đức (TP. Việt Trì); thị trấn Hùng Sơn, xã Tiên Kiên (huyện Lâm Thao) để gặp gỡ, trao đổi và hướng dẫn cụ thể về việc tổ chức rước kiệu, đánh trống đồng, đâm đuống phục vụ Giỗ Tổ.

 

Với nhiều hoạt động tâm linh ý nghĩa để tưởng nhớ về nguồn cội, bên cạnh các hoạt động văn hóa dân gian tươi vui, tin rằng, bảo tồn tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương năm nay sẽ mang lại cho du khách nhiều trải nghiệm quý giá, cũng như góp phần giữ gìn bản sắc dân tộc, để danh xưng “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại” được sống mãi trong lòng dân tộc, những người Việt Nam trên khắp dải đất hình chữ S, cũng như năm châu.