Các nốt sẩn do mề đay thường tự biến mất sau một vài giờ
Căn bệnh tự nổi, tự biến mất
Khoảng 3 năm trở lại đây, mỗi khi thời tiết Hà Nội chuyển thu, anh Nguyễn Ngọc Hưng (Cầu Giấy, Hà Nội) lại bị nổi mề đay. Ban đầu anh chỉ nghĩ bị dị ứng thực phẩm, anh tự ý mua thuốc về uống nhưng mãi không khỏi.
Anh Hưng chia sẻ, thời điểm nổi nhiều nhất là vào buổi tối trước giờ đi ngủ hoặc sáng sớm, vị trí hay gặp là chân, tay, cổ, đôi khi cả bộ phận sinh dục, mắt, môi. Sợ vùng sẩn đỏ lan rộng, ban đầu anh chỉ xoa nhẹ, đến khi không chịu nổi, anh buộc phải gãi khiến các nốt sẩn ngày càng phồng to, có khi lan rộng bằng bàn tay.
“Bệnh này như giả vờ, đêm ngứa ngáy kinh hoàng là thế nhưng đến sáng dậy không thấy dấu tích. Tuy nhiên cũng có nhiều đêm tôi gãi đến chảy máu, không thể ngủ được. Tình trạng này kéo dài đến 6 tháng, bệnh chỉ đỡ khi hết mùa đông”, anh Hưng kể.
TS Đỗ Thị Thu Hiền, Trưởng phòng KHTH, BV Da liễu TƯ cho biết, nổi mề đay (mày đay) là một bệnh da phổ biến, do nhiều nguyên nhân khác nhau nhưng rất khó tìm được nguyên nhân chính xác như do di truyền, dị ứng thuốc, thức ăn, hoá chất, do côn trùng đốt, nhiễm trùng, dị ứng thời tiết...
Theo nghiên cứu tại Hà Nội năm 2008, tỉ lệ mắc mề đay, phù mạch trong dân cư là 6,4%, trong đó nguyên nhân do thay đổi thời tiết 73,5%, thức ăn 5,8%, lông súc vật 6,1%, thuốc 2,7%, hoá mỹ phẩm 13,6%, côn trùng đốt 30,4%, không rõ căn nguyên 14,1%.
Có 2 dạng mề đay là mề đay tái diễn (tần suất dưới 2 lần/tuần) và mề đay mạn tính (chiếm 1% dân số, kéo dài trên 6 tuần và trên 2 lần/tuần khi không điều trị gì).
Bệnh xuất hiện quanh năm, tuy nhiên nhiều trường hợp chỉ xuất hiện vào mùa thu – đông. Theo TS Hiền, trong các trường hợp này, nguyên nhân chủ yếu bị mề đay là do da bị khô.
Biểu hiện chính của bệnh là rát đỏ, sẩn phù, thường bệnh sẽ tự nổi và hoàn toàn biết mất trong một hoặc vài giờ nhưng tối đa không quá 24 giờ.
Theo lý giải, lớp da ngoài cùng chứa dầu tự nhiên và tế bào da chết giúp da giữ nước. Khi trời lạnh, độ ẩm thấp cùng gió mạnh sẽ khiến lớp dầu tự nhiên biến mất, gây tình trạng khô da, là nguy cơ dễ nổi mề đay.
Trong mùa đông, những trường hợp mắc chàm, rosacea, viêm da, dị ứng, hen suyễn... sẽ có nguy cơ bị nổi mề đay cao hơn hẳn những người khác.
Không tự ý uống lá, bôi thuốc
Do mề đay có nhiều nguyên nhân nên để điều trị triệt để cần xác định chính xác căn nguyên. Các chuyên gia khuyến cáo, khi bị nổi mề đay, người dân không tự ý mua thuốc uống hay bôi. Việc lạm dụng các thuốc chứa corticoid hoặc thuốc kháng histamin có thể gây viêm da.
Đặc biệt với corticoid, nếu dùng liều cao, kéo dài mà không có những biện pháp hỗ trợ điều trị để giảm bớt các độc tính của thuốc, corticoid có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như suy tuyến thượng thận, xuất huyết tiêu hóa, loãng xương, xẹp đốt sống, gù vẹo cột sống, tăng đường máu, tăng huyết áp, teo cơ, rối loạn tâm thần, trầm cảm… Đặc biệt, lạm dụng corticoid ở trẻ em có thể làm chậm quá trình phát triển trí tuệ và tinh thần.
Ngoài dùng tây y, nhiều người bị nổi mề đay cũng mách nhau các loại cây quen thuộc như khế, kinh giới.. lấy lá để xát và sắc uống. Tuy nhiên thầy thuốc nhân dân, BS cao cấp Nguyễn Xuân Hướng, nguyên Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam cho biết, bất kỳ bài thuốc gì, kể cả tây y hay đông y đều không có đơn thuốc chung cho tất cả mọi người.
“Mỗi người có âm dương và hàn nhiệt khác nhau, đồng nghĩa để có bài thuốc/đơn thuốc chuẩn cần phải được thầy thuốc thăm khám cẩn thận trước khi kê đơn và đơn thuốc ấy phải căn cứ theo cơ địa từng người”, BS Hướng nhấn mạnh.
Riêng với lá khế, BS Hướng lưu ý, loại lá này không dùng để uống chữa mề đay. Thay vào đó người dân có thể bọc lá khế vào vải rồi hơ nóng, chườm lên các nốt mề đay để giảm ngứa, giúp vết sẩn lặn nhanh.
Khi bị mề đay, cần hạn chế gãi để tránh nhiễm trùng; không tiếp xúc với hoá chất độc hại; giữ ấm cơ thể khi thay đổi thời tiết; hạn chế các thực phẩm có nguy cơ dị ứng cao.
Với các trường hợp nổi nhiều mề đay vào mùa đông, cần bôi kem dưỡng ẩm toàn thân, cách đơn giản hơn có thể dùng dầu dừa và dầu oliu.
Khi bị nổi mề đay có thể dùng sữa chấm lên các vết sẩn phồng hoặc ngâm cả người vào bồn nước ấm có thêm sữa tươi trong 10 phút.
Hầu hết các trường hợp nổi mề đay mùa đông sẽ được cải thiện khi thay đổi lối sống bằng các biện pháp khắc phục tại nhà, không cần điều trị theo đơn.