Tại cuộc tọa đàm về tình trạng “Bạo lực tình dục đối với phụ nữ và trẻ em gái - khoảng trống về pháp lý” được tổ chức đầu tháng 12/2018 tại Hà Nội, TS. Trần Thị Lịch đã chia sẻ về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình xét xử các vụ án quấy rối, xâm hại tình dục. PV GĐ&TE đã ghi lại cuộc trao đổi này.
TS. Trần Thị Lịch.
Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 không quy định về hành vi quấy rối tình dục, chỉ quy định về các hành vi xâm hại tình dục như giao cấu, hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác, hành vi dâm ô, trình diễn khiêu dâm (có thể gọi là hành vi xâm hại tình dục trực tiếp) được quy định từ các điều 141 đến 147 Bộ Luật Hình sự. Ngoài ra, còn có quy định về các hành vi xâm hại tình dục gián tiếp thông qua những hành vi khác như lây truyền HIV cho người khác, mua bán người. Trong quá trình xét xử các vụ án XHTD, thường gặp phải các vướng mắc, bất cập trong các quy định của pháp luật như sau:
Một là, chưa quy định cụ thể như thế nào là hành vi giao cấu, quan hệ tình dục khác, dâm ô, trình diễn khiêu dâm… dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau. Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học của TAND tối cao đang dự thảo, tập trung vào một số vướng mắc của các địa phương để trình Hội đồng thẩm phán ban hành giải đáp. Trong đó cũng có những quy định, thế nào là giao cấu, hành vi dâm ô… Hi vọng khi những giải đáp được ban hành sẽ thỏa mãn một phần nào nhận thức về hành vi XHTD.
Thứ hai, Luật Giám định tư pháp (có hiệu lực từ 1/1/2013) không quy định giám định y tế phải giám định ngay. Việc giám định không kịp thời dẫn đến thiếu căn cứ để buộc tội. Vì tinh dịch hoặc tế bào nam ở trong người phụ nữ nếu không được giám định trong 24h thì việc giám định đó sẽ không còn ý nghĩa.
Thứ ba, xuất phát từ tính chất đặc thù của hành vi XHTD, nên có những ảnh hưởng nhất định đến công tác xét xử, đó là: Nhận thức pháp luật của người dân vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số gặp nhiều khó khăn. Nhiều người chưa nhận thức được hành vi của họ là hành vi vi phạm pháp luật. Có những nạn nhân bị XHTD, nhân phẩm nhưng họ không nghĩ đó là hành vi xâm hại.
Một thầy giáo có hành động quấy rối học sinh. Ảnh: Công an TP. HCM
Từng có thời gian dài tiếp xúc tại các trung tâm dịch vụ tư vấn pháp lý qua điện thoại, bà Lịch cho biết đã được nghe nhiều người sau khi XHTD trẻ em cũng có phần ý thức về hành động sai trái của mình, đã chia sẻ, tâm sự về hành vi XHTD. Trong đó có trường hợp thầy giáo chia sẻ rằng, người ta đã quan hệ với rất nhiều em học sinh lớp 5-6 và lớp 7. Tuy nhiên, hầu như các em học sinh gái không tố cáo. Thậm chí, chỉ sau khoảng 3-5 ngày thì một vài em trong số này lại tìm đến thầy giáo để tiếp tục quan hệ tình dục.
Bà Lịch cho rằng, đây là tình trạng rất đau lòng và trách nhiệm của chúng ta là phải tìm cách để làm giảm thiểu tình trạng XHTD trẻ em, nhất là đối với học sinh.
Một khó khăn nữa là việc xác định tuổi của người bị hại trong trường hợp không có giấy khai sinh, hoặc các tài liệu chứng minh về độ tuổi mâu thuẫn nhau, khi giám định về độ tuổi cho kết quả khác nhau.
Ngoài ra, khi bị XHTD, người bị hại thường sợ hãi, lo lắng, không dám khai báo. Khi phát hiện ra sự việc thì đã quá muộn. Hoặc họ không biết cách giữ gìn, bảo quản và thu nộp chứng cứ, đã gián tiếp tạo điều kiện cho người phạm tội đứng ngoài vòng pháp luật.
Ảnh minh họa.
Nhiều trường hợp bị cáo và bị hại có quan hệ thân thích với nhau, cùng sống chung trong một mái nhà. Hành vi xâm phạm rất khó phát hiện vì họ có xu hướng che giấu sự thật hoặc có thời gian quan hệ rất dài, có biểu hiện nghiện tình dục. Chỉ đến khi gây hậu quả (có thai) thì mới bị phát hiện ra. Bị cáo, bị hại có thể thỏa thuận với nhau, thay đổi lời khai, đứng ra bảo vệ cho bị cáo, che giấu tội phạm.
Đôi khi, một số trường hợp không để lại hậu quả như hôn, cấu véo, nếu thu thập chứng cứ qua cơ quan giám định thì không có ý nghĩa gì cả. Nếu chỉ căn cứ vào lời khai của người bị hại mà xét xử, thì ranh giới giữa phạm tội và không phạm tội rất mong manh.
Mức bồi thường thiệt hại cũng là một trong những vấn đề khó khăn, mỗi nơi, mỗi địa phương có quy định khác nhau.
Để giải quyết vấn đề bạo lực từ nhiều phía khác nhau, theo ý kiến của nhiều chuyên gia, cần thiết lập các dịch vụ hỗ trợ có chất lượng. Cụ thể là các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ tâm lý, an toàn, trợ giúp pháp lý và hệ thống tư vấn hỗ trợ thông tin dễ tìm, dễ tiếp cận với nạn nhân bị bạo lực tình dục. Đồng thời, cần thay đổi suy nghĩ, thái độ của người dân về bạo lực giới, đặc biệt là bạo lực tình dục, bao gồm cả quấy rối tình dục.
11% học sinh phổ thông từng bị xâm hại ít nhất một lần; 31.2% nữ sinh bị quấy rối tình dục trên xe buýt; 27% nữ nhà báo bị quấy rối tình dục; 58% phụ nữ từng bị bạo hành hoặc bạo lực tình dục... (Kết quả khảo sát về thực trạng xâm hại tình dục tại Hà Nội và TP.HCM của Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNFPA).
Vân Nhi (ghi)/GĐTE