Vov.vn đưa tin, trong thông báo phát đi chiều 16/12 sau buổi họp báo cùng Bộ trưởng Y tế Đức, chính quyền thủ đô Berlin của Đức cho biết, bắt đầu từ ngày 27/12, thủ đô Berlin cùng nhiều bang khác tại Đức sẽ chính thức tiến hành tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho những đối tượng ưu tiên, là những người già tại các trung tâm dưỡng lão.
Vaccine được chính phủ liên bang Đức bật đèn xanh cho sử dụng là của hai hãng dược phẩm Pfizer và BioNTech nghiên cứu, chế tạo. Đây cũng là loại vaccine được chính quyền Anh và Mỹ triển khai tiêm cho dân chúng từ tuần trước.
Bảo vệ cho quyết định này trước Nghị viện liên bang Đức, Thủ tướng Angela Merkel cho rằng chỉ có tiêm vaccine mới đạt được miễn dịch tập thể và chấm dứt đại dịch: "Tôi không muốn việc tiêm vaccine là bắt buộc và nếu có những người không muốn tiêm vaccine và số này lên tới 40, 50 hay 60% dân số Đức thì chúng ta sẽ phải đeo khẩu trang trong một thời gian rất dài nữa, vì sẽ không có miễn dịch tập thể hoặc có ở nước khác. Bản chất vấn đề là thế".
Trong ngày 16/12, nước Đức cũng chính thức bước vào đợt phong tỏa toàn diện nghiêm ngặt hơn nhằm chặn đà lây nhiễm của virus SARS-CoV-2. Toàn bộ các cửa hàng không thiết yếu tại Đức được lệnh đóng cửa, trừ cửa hàng thực phẩm, hiệu thuốc và ngân hàng. Các trường học tại Đức cũng kéo dài kỳ nghỉ Giáng sinh và năm mới đến ít nhất 10/1.
Nước Đức đang phải đối mặt với làn sóng dịch Covid-19 thứ hai nghiêm trọng hơn nhiều làn sóng thứ nhất. Trong ngày 16/12, nước Đức ghi nhận tới 952 ca tử vong vì Covid-19, con số cao nhất từ trước đến nay và cao gấp 3 lần số ca tử vong trung bình hàng ngày của làn sóng dịch thứ nhất. Số ca mắc mới trong ngày cũng ở mức gần 28.000 ca. Thủ tướng Đức Angela Merkel cảnh báo, nước Đức sẽ phải đối mặt với hai tháng trước mắt vô cùng khốc liệt và kêu gọi dân chúng Đức hy sinh một phần kỳ nghỉ lễ cuối năm để kiểm soát dịch.
Trong khi đó tại Pháp, Thủ tướng Pháp Jean Castex cũng thông báo, Pháp sẽ tiêm vaccine từ ngày 30/12. Sau hai ngày gỡ phong tỏa và thay bằng lệnh giới nghiêm, trong ngày 16/12, Pháp ghi nhận số ca nhiễm mới cao nhất kể từ ngày 21/11, với trên 17.000 ca.
Tại Italy, chính phủ nước này cũng phát đi thông tin cho biết sẽ triển khai tiêm vaccine trong thời gian từ lễ Giáng sinh đến năm mới. Hiện Italy đã nhận được gói ban đầu 1,83 triệu liều vaccine từ hai hãng Pfizer và BioNtech.
Ngoài Đức, Pháp, Italy, ít nhất 5 nước châu Âu khác cũng đã ký văn bản phối hợp hành động trong đợt tiêm vaccine tới. Trước diễn biến dịch nghiêm trọng và yêu cầu khẩn từ nhiều nước, Cơ quan dược phẩm châu Âu (EMA) sẽ đẩy nhanh quy trình phê duyệt vaccine.
Theo Chủ tịch Ủy ban châu Âu, bà Ursula von der Leyen, hội đồng thẩm định vaccine của EMA sẽ họp vào ngày 21/12, sớm hơn 1 tuần so với kế hoạch trước đó và dự kiến sẽ bật đèn xanh cho việc sử dụng vaccine của hai hãng Pfizer và BioNTech.
Thông tin từ Baochinhphu.vn cho biết, trước những thông tin lạc quan về vaccine ngừa COVID-19, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus cho rằng: "Với những tin tức tích cực mới nhất từ các cuộc thử nghiệm vaccine, đây như ánh sáng cuối đường hầm dài và tăm tối. Hiện có hy vọng rằng cùng với các biện pháp y tế cộng đồng khác, các loại vaccine ngừa COVID-19 được công bố gần đây sẽ giúp chấm dứt đại dịch này".
Như vậy, dù diễn biến dịch bệnh được dự báo có thể còn phức tạp, khó lường, nhất là trong giai đoạn mùa Đông và mùa Xuân sắp tới, song có thể nói chính những tia hy vọng như vậy đã tiếp thêm sức mạnh cho cộng đồng quốc tế trong cuộc chiến trường kỳ chống COVID-19.