Những điểm sáng trong giáo dục biển đảo
Giáo dục cho học sinh về chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc luôn là một trong những nội dung quan trọng được ngành GD&ĐT các cấp triển khai sáng tạo với nhiều hình thức. Trường THCS Cẩm Giàng (tỉnh Bắc Kạn) là một trong những trường đi đầu và đạt nhiều hiệu quả trong công tác tuyên truyền, giáo dục về chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc bằng mô hình cột mốc Trường Sa.
Theo đó, mô hình được xây dựng bằng tỷ lệ thật với đầy đủ thông tin, toạ độ, chủ quyền ghi trên cột mốc, đã giúp học sinh tiếp thu nhanh yêu cầu cơ bản của bài giảng về vị trí hai quần đảo lớn Trường Sa và Hoàng Sa một cách cụ thể và chân thực nhất. Hiện nay, mô hình cột mốc Trường Sa của trường THCS Cẩm Giàng không chỉ giúp khơi dậy tình yêu, trách nhiệm với Tổ quốc, với biển, đảo quê hương trong mỗi học sinh mà đang dần trở thành nơi sinh hoạt chính trị của trường với những buổi ngoại khoá. Vào những ngày lễ lớn, một số đơn vị quân đội, các cựu chiến binh cũng đến trò chuyện với thầy, trò Nhà trường về lịch sử dân tộc, về chủ quyền biên giới, lãnh thổ mang lại nhiều cảm xúc tích cực cho mọi người. Cũng từ đây, những bài học về tình yêu Tổ quốc, yêu biển, đảo quê hương được nhân lên, những ước mơ bình dị của cô cậu học trò được thắp sáng.
Chia sẻ cảm xúc sau những buổi ngoại khóa, có nữ sinh mong sau này làm hướng dẫn viên du lịch để được khám phá mọi vùng biển, đảo của đất nước; có nam sinh lại mong muốn trở thành người lính đảo chuyên nghiệp để canh giữ những hòn đảo tiền tiêu của Tổ quốc...
Đánh giá hiệu quả giáo dục về biển đảo, thầy Phạm Văn Bảy, Hiệu trưởng Trường THCS Cẩm Giàng tự hào cho biết: “Mô hình cột mốc Trường Sa của Trường có ý nghĩa giáo dục và truyền cảm hứng rất lớn. Không chỉ giáo viên, học sinh của Trường mà các bậc phụ huynh hay khách tham quan cũng cảm thấy thích thú, tự hào mỗi khi nhìn thấy mô hình cột mốc Trường Sa”.
Tại những địa phương khác, phong trào xây dựng mô hình biển, đảo, cột mốc chủ quyền Tổ quốc cũng đang phát huy những hiệu quả và đóng góp vào thành công chung của phong trào, đặc biệt là ở huyện Cẩm Khê (tỉnh Phú Thọ). Đến thời điểm hiện tại, 24 xã, thị trấn của huyện Cẩm Khê đã xây dựng được 27 mô hình cột mốc tại các trường tiểu học hoặc trung học cơ sở. Không chỉ giúp đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền về chủ quyền biển, đảo trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn huyện mà còn lan tỏa ý thức, trách nhiệm giáo dục về chủ quyền biển, đảo cho thế hệ trẻ cùng các tầng lớp nhân dân trong huyện.
Cũng tại Phú Thọ, các trường học trên địa bàn thành phố Việt Trì lại tích cực hưởng ứng cuộc thi sáng tác tranh về đề tài “Biển, đảo Việt Nam” do Phòng GD-ĐT thành phố Việt Trì phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông cùng Tạp chí Văn nghệ đất Tổ tổ chức. Cuộc thi đã nhận được hàng nghìn tác phẩm của khối trường tiểu học trên địa bàn thành phố tham dự. Việc tổ chức viết thư thăm hỏi, động viên các chiến sĩ hải quân đang ngày đêm canh giữ biển, đảo Tổ quốc; tổ chức các buổi ngoại khoá với nhiều trò chơi, câu hỏi thú vị xoay quanh vấn đề chủ quyền biển, đảo (đặc biệt là về chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam) cũng được các trường tích cực triển khai. Nổi bật trong số đó là các Trường Tiểu học: Gia Cẩm, Tân Dân, Thọ Sơn, Bạch Hạc và các trường THCS: Văn Lang, Tân Dân, Chu Hóa...
Trong dịp hè vừa qua, cuộc thi trực tuyến tìm hiểu kiến thức về biển, đảo Việt Nam với tên gọi “Tổ quốc bên bờ sóng” đã tạo thêm sân chơi lành mạnh, bổ ích, khuyến khích tinh thần tự tìm hiểu, học tập nâng cao kiến thức về biển, đảo; khơi gợi tình yêu và trách nhiệm bảo vệ chủ quyền biển, đảo quê hương trong mỗi học sinh.
Sinh động cách thể hiện
Cùng triển khai với nội dung trên, các em học sinh tại huyện Mường La, Vân Hồ của tỉnh Sơn La lại triển khai bằng hình thức làm thiệp, móc treo chìa khoá, khung ảnh, bình nước, khăn móc... để dành tặng cán bộ, chiến sĩ, những người đang ngày đêm canh giữ bảo vệ vùng trời, vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc. Còn Hội thi Rung chuông vàng “Thanh niên với biển, đảo quê hương” vừa được tổ chức tại Thừa Thiên Huế cho khối THCS với hàng chục câu hỏi tập trung vào những kiến thức về biển, đảo lại là dịp để các em học sinh thể hiện sự tìm tòi, nghiên cứu cũng như hiểu biết về lịch sử.
Ngoài ra, các hoạt động triển lãm, trưng bày hiện vật, văn bản khẳng định chủ quyền biển, đảo Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam cùng các hoạt động tặng quà, trao học bổng cho các em học sinh là thân nhân của các cán bộ, chiến sĩ đang công tác nơi biên giới, hải đảo đã và đang diễn ra tại Đà Nẵng, Bình Định, TP.HCM cùng nhiều tỉnh thành khác.
Có thể thấy, việc giáo dục học sinh các kiến thức về chủ quyền biển, đảo Việt Nam ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường là một việc có ý nghĩa thiết thực và cần được phát huy, nhân rộng. Qua đó, góp phần giúp học sinh hiểu được sự hy sinh to lớn của các thế hệ đi trước trong việc giữ gìn chủ quyền biển, đảo và có nhận thức đúng về biển, đảo. Đồng thời, nuôi dưỡng tình yêu quê hương và có trách nhiệm đối với sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc, cũng như bảo vệ các quyền và lợi ích của Việt Nam trên Biển Đông.