Ngày 26/4, kết quả khảo sát về ngành sư phạm từ 200 sinh viên và 53 giáo viên, nhân viên trường phổ thông được công bố tại tọa đàm Kỹ sư tâm hồn - giữ vững lòng tin, tổ chức ở trường THPT Nguyễn Du (quận 10, TP HCM).
Tác giả khảo sát là nhóm giảng viên Đại học Sư phạm TP HCM, gồm: TS Nguyễn Thị Bích Hồng, Ths Đào Thị Duy Duyên và Ths Đinh Thảo Quyên.
Với câu hỏi "Tâm trạng của bạn với những sự kiện giáo dục đề cập trên các phương tiện thông tin đại chúng thời gian qua", nhóm nhận được 22 câu trả lời từ sinh viên sư phạm là "cảm thấy tự ti, xấu hổ khi học ngành này".
Một số sinh viên nói không dám giới thiệu là đang học trường sư phạm, chỉ nói chung chung là đang học đại học khi được ai đó hỏi thăm. Gần 100 người cảm thấy lo lắng, hoang mang về sự an toàn trong công việc ở tương lai.
Nhóm nghiên cứu cho rằng, điều này ảnh hưởng bất lợi đến động cơ phấn đấu trở thành nhà giáo mẫu mực, gây khó khăn cho quá trình và hiệu quả đào tạo của trường sư phạm.
Thất vọng về tư cách, tác phong người thầy
Cũng với câu hỏi trên, khoảng một phần tư sinh viên không bất ngờ mà "cảm thấy bình thường bởi việc này tồn tại từ lâu rồi". Họ giải thích trước đây bản thân từng bị giáo viên cư xử tệ và các em của những sinh viên này vẫn đang chịu đựng thái độ không đúng mực của thầy cô ở trường phổ thông.
Theo nhóm nghiên cứu, suy nghĩ trên phản ánh sự thất vọng của một bộ phận sinh viên sư phạm về tư cách, tác phong người thầy. Bức xúc nhưng phần lớn sinh viên (85%) vẫn mong muốn cải tiến ngành giáo dục để điều chỉnh nhận thức xã hội về nghề giáo.
Trong khi đó, cũng câu hỏi trên, khoảng một nửa giáo viên cùng suy nghĩ với sinh viên sư phạm, rằng họ hoang mang về sự an toàn của bản thân trong công tác giáo dục học sinh. Chỉ một số ít người xấu hổ, mất tự tin khi đang làm nghề, còn phần lớn thầy cô đều muốn một sự cải tiến để ngành sư phạm tốt hơn.
"Nhiều sinh viên sư phạm và giáo viên chia sẻ lo ngại vì gần đây xảy ra nhiều vụ bạo lực như phụ huynh đánh giáo viên, học trò đâm thầy, học trò ghi âm những lời nói bất cẩn của thầy cô rồi phát tán lên mạng", TS Nguyễn Thị Bích Hồng giải thích.
Nhiều giáo viên cảm thấy hoang mang về sự an toàn trong công tác giáo dục học sinh. Ảnh: Mạnh Tùng.
Bổ sung kỹ năng giải tỏa phiền muộn
Tại buổi tọa đàm, một số đại biểu cho rằng, nhiều thầy cô hiện thiếu kỹ năng giao tiếp và ứng xử với học sinh. Một số giáo viên còn quan niệm "người thầy là số một, họ luôn đúng vì họ là người lớn".
"Có người thiếu sự tôn trọng, đồng cảm với học sinh. Điều này dẫn đến việc thầy cô thiếu kiềm chế, điềm tĩnh cần thiết trong quá trình giảng dạy và đã có những hành xử không đúng mực", bà Hồng nhận xét.
Giải pháp được nhóm nghiên cứu và các đại biểu đưa ra là trường sư phạm phải chú trọng bồi dưỡng cho sinh viên kỹ năng ứng xử khi lên lớp. Ngoài việc đổi mới chương trình, phương pháp dạy học, các trường cần bổ sung kỹ năng giải tỏa phiền muộn cho thầy cô trong tương lai.
Từ đầu năm đến nay, nhiều sự việc tiêu cực liên quan đến giáo dục phổ thông xảy ra khắp nước. Cuối tháng 2, tại trường Tiểu học Bình Chánh (Bến Lức, Long An), nhóm phụ huynh tìm gặp nữ giáo viên phản đối vì cho rằng cô phạt học sinh quỳ gối, khiến các em sợ phải nghỉ học. Trong lúc nói chuyện, cô giáo đã quỳ gối xin lỗi phụ huynh.
Đầu tháng 4, một nam giáo viên THPT Trần Hưng Đạo (Lệ Thủy, Quảng Bình) bị một nam sinh đâm trúng bụng. Nguyên nhân là thầy giáo phát hiện em này xăm hình ở cổ, yêu cầu em rời lớp học, xóa hình xăm.
Cùng thời gian này, tại TP HCM, nữ giáo viên dạy Toán ở trường THPT Long Thới (huyện Nhà Bè) bị phản ánh suốt ba tháng lên lớp không nói, chỉ ghi bài giảng lên bảng gây bức xúc dư luận.
Theo Mạnh Tùng/Vnexpress.net