Sáng nay (24/7) tại Hà Nội, Văn phòng Chính phủ và Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam tổ chức Diễn đàn khoa học Đánh giá kết quả cải cách thủ tục hành chính Nhà nước giai đoạn 2011-2016: Đo lường từ sự hài lòng của người dân.
Ảnh minh họa/TTXVN.
Phát biểu của các đại biểu tại diễn đàn đánh giá việc rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính liên quan đến người dân, doanh nghiệp đã cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư. Tính đến tháng 12/2016, các Bộ, ngành đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật để đơn giản hóa 4.524 thủ tục hành chính, đạt tỷ lệ 96,8%, cơ bản hoàn thành mục tiêu đề ra.
Nhiều thủ tục hành chính trong đăng ký hộ tịch được cắt giảm (từ 46 nhóm thủ tục còn 29 nhóm thủ tục) như: việc cấp số định danh cá nhân, đảm bảo quyền con người, quyền công dân. Các thủ tục hành chính liên quan đến đăng ký kết hôn, đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi được liên thông tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân và thể hiện tinh thần phục vụ của cơ quan hành chính.
Tuy nhiên, các đại biểu cũng đánh giá việc công bố công khai thủ tục hành chính vẫn chưa đầy đủ; quyết định giải quyết thủ tục hành chính của một số cơ quan, đơn vị có lúc còn gây khó khăn cho người dân trong việc tiếp cận và thực hiện.
“Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân 70% là không chính xác. Khi tôi cùng đoàn Sở Tư pháp kiểm tra cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong của thành phố Hải Dương 2 năm thì mất khoảng 1.300 văn bản giữa văn phòng đăng ký sử dụng đất với phòng quản lý đô thị để xin ý kiến đồng ý cấp hay không? Bởi vì đằng sau đó các văn bản của thành phố Hải Dương ban hành trái với Luật xây dựng. Do đó, muốn đánh giá chỉ số hài lòng của người dân, phải đến trực tiếp bộ phận 1 cửa để phát trực tiếp cho người dân để người dân đánh giá”, ông Nguyễn Kim Diện, Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Hải Dương nêu ví dụ.
Theo các đại biểu, vấn đề không chỉ là cải cách thủ tục hành chính mà là thiết kế lại bộ máy hành chính trên những nguyên lý khác mà ở đó có ít nhất ba nguyên lý cần được tuân thủ. Đó là, có sức ép thường trực lên bộ máy về hiệu quả công việc; có sự giám sát của xã hội đối với bộ máy hành chính và có sự đào tạo kỹ lưỡng và thiết thực đối với đội ngũ hành chính từ trung ương đến cơ sở.
Các đại biểu đề nghị: cần rà soát lại các quy định hiện hành để xác lập lại quy trình hợp lý giải quyết thủ tục hành chính; xác lập nguyên tắc ứng xử trong những trường hợp, tình huống mà hiện nay đang gây bức xúc và tốn tiền của người dân và doanh nghiệp. Do đó, cách tốt nhất là để người dân và doanh nghiệp tự chọn cách giải quyết mà họ hài lòng nhất.
Ông Thang Văn Phúc, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng: Nên xác định chương trình hành động mới cho 2 đối tượng quan trọng là dân, doanh nghiệp. Lựa chọn thủ tục, chứ bắt đầu vào đã hơn 1 nghìn thủ tục thì khó khăn.
“Hãy chọn những thủ tục ưu tiên. 10-20 vấn đề cần ưu tiên cho giai đoạn từ nay cho đến 2020. Còn những vấn đề khác không phải là bỏ nhưng phải chốt, lấy các chỉ số là thước đo thực hiện của các địa phương, Bộ, ngành. Nên sử dụng đánh giá từ bên ngoài. Ví dụ như Papi là chỉ số được thế giới thừa nhận vì tiếp cận khoa học trong quản trị xã hội, trong điều kiện mới”, ông Phúc nói./.