Những đứa trẻ “to xác”
Quang Minh sinh viên năm cuối Ðại học Ngoại ngữ, học rất giỏi nhưng giao tiếp lại rất tệ. Cậu chỉ mải mê học hành nên ít giao du, kết bạn. Bạn bè thường nói Minh nói chuyện như ông cụ non, bảo thủ và lạc hậu nên không ai muốn tranh luận với cậu. Không chỉ yếu về giao tiếp, các kỹ năng sống cơ bản, thậm chí đến kỹ năng tối thiểu như chăm sóc bản thân, Minh cũng không thạo. Ốm cậu gọi mẹ, đo huyết áp hay kẹp nhiệt độ chưa tự làm bao giờ nên cũng phải nhờ mẹ. Ði khám bệnh, bố hoặc mẹ phải đi cùng. Thậm chí, tiêm phòng vaccine cúm định kỳ năm một lần cũng phải bố mẹ đưa đi. Toàn bộ quần áo cậu mặc, từ trong ra ngoài, đến cả giày dép cũng toàn mẹ mua cho. Mẹ mua gì cậu mặc nấy, không đòi hỏi cũng như không có ý kiến. Bố mẹ Quang Minh chỉ đề cao việc học nên miễn cho con toàn bộ việc nhà. Cậu không biết làm gì, từ nấu cơm, rửa bát, quét nhà, giặt quần áo… bố mẹ đều làm hết.
Vấn đề là Minh không nhận thức được mình bị thiếu kỹ năng sống, cậu chỉ cảm thấy khó gần với các bạn trong lớp, không thích tham dự các buổi tụ tập với bạn bè. Bố mẹ Minh cũng không nhận biết được cậu con trai của mình bất thường, bởi họ, con trai học ở một trường đại học danh giá là quá đủ rồi.
Cho đến khi Minh đi du học thạc sĩ thì cậu bị sốc, vì không có bố mẹ ở bên nên việc gì cũng phải tự làm. Phương Tây đề cao lối sống tự lập, còn Quang Minh là một cậu ấm được bố mẹ bao bọc quá nên chẳng biết làm gì. Thời gian đầu, cậu từng có ý định về nước vì thấy đi du học khổ cực quá, dù cậu có học bổng và tiền sinh hoạt vẫn được cha mẹ chu cấp đầy đủ. Nhưng nếu về nước chỉ vì không thể sống được một mình, chắc chắn Minh sẽ bị mọi người chê cười, vậy nên, cậu đã cố gắng bám trụ, học cách tự chăm sóc bản thân và tự ứng phó với các vấn đề gặp phải trong cuộc sống nơi đất khách quê người. May mắn là những người anh, người chị đồng hương đã kiên nhẫn chỉ bảo cho Minh nhiều kiến thức và kỹ năng sống quý giá. Sau 2 năm du học, Minh cũng đã trưởng thành, và khi nhìn nhận lại bản thân, Minh tự trách, giá như khi còn ở Việt Nam cậu chịu khó rèn luyện các kỹ năng sống thì khi đi du học đã có thể nhanh chóng hòa nhập với các bạn và người dân bản xứ.
Những cô bé, cậu bé như Quang Minh không phải là hiếm trong cuộc sống đời thường. Nhiều đứa trẻ do được bố mẹ cưng chiều nên không biết làm gì. Chị Hoa buồn rầu khi cậu con trai lớp 8 đến giờ vẫn chưa biết nấu cơm dù mẹ đã nhiều lần cầm tay chỉ việc. Chỉ đơn giản, mẹ bảo nhặt ít thì là để thả vào nồi riêu cá nhưng cậu lại lấy rau mùi trong rổ rau sống đưa cho mẹ. Cậu cũng chẳng thể nào phân biệt nổi các loại cá, trừ cá hồi có màu hoàn toàn khác biệt thì cậu nhớ tên, còn lại tất cả cậu gọi chung là cá.
Thiếu kỹ năng sống, trẻ thường bị động và lúng túng khi gặp phải các vấn đề trong cuộc sống. Hoài dù đã học lớp 7 nhưng khi bị ngã xe trầy xước chân em cũng không biết phải làm gì. Cô bé chịu đau để đạp xe về nhà để bố mẹ giúp, trong khi em có tiền ăn vặt trong cặp và hoàn toàn có thể ghé hiệu thuốc mua một lọ nước muối sinh lý rửa vết thương và dán urgo hoặc quấn băng gạc vào vết thương phòng chống nhiễm trùng.
Rèn kỹ năng sống cho trẻ như thế nào?
Những đứa trẻ thiếu kỹ năng sống đa phần do cha mẹ quá nuông chiều, bao bọc. Mặt khác, đa số các trường học ở Việt Nam thường chỉ coi trọng việc cung cấp các kiến thức khoa học cho học sinh, còn việc giáo dục kỹ năng sống chưa được quan tâm đúng mức. Từ thực tế này đã sinh ra những đứa trẻ mặc dù học rất giỏi nhưng ra ngoài cuộc sống chỉ như những chú “gà công nghiệp”.
Ðể con trẻ biết và hiểu rõ ích lợi của các kỹ năng sống cơ bản, ngay từ khi trẻ còn nhỏ, cha mẹ cần tạo cho con thói quen sống tự lập. Trẻ cần biết tự chăm sóc bản thân, biết dọn dẹp đồ chơi sau khi chơi, biết làm việc nhà và giúp đỡ cha mẹ, tự giác học bài… Trẻ không thể trưởng thành nếu như cha mẹ cứ bao bọc mãi. Hãy để trẻ tự đứng trên chính đôi chân của mình. Hãy cho trẻ cơ hội được thể hiện và phát huy trách nhiệm của bản thân. Bên cạnh đó, để trẻ phát triển đúng hướng, bạn cần giáo dục con có quy tắc và kỷ luật rõ ràng.
Ngoài thời gian dành cho việc học, hãy khuyến khích trẻ tham gia các câu lạc bộ năng khiếu, thể thao để trẻ vừa có một đời sống tinh thần phong phú và sức khỏe tốt vừa có thêm cơ hội kết bạn, giao lưu với mọi người.
Nếu có thể, hãy cho con tham gia các hoạt động xã hội như: từ thiện giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn, chung tay bảo vệ môi trường… để trẻ có cơ hội được thể hiện trách nhiệm của bản thân với cộng đồng.
Ngoài ra, đưa con đi du lịch cũng là một cách cha mẹ cung cấp cho con các kỹ năng sống cần thiết như: phải làm gì nếu nhỡ may đi lạc; cần làm gì để không bị côn trùng, vắt cắn khi đi leo núi; khi đi tắm biển cần ghi nhớ điều gì để không bị đuối nước;…
Các kỹ năng sống giữ vai trò quan trọng trong việc phát triển toàn diện của con người nói chung và trẻ em nói riêng. Giáo dục kỹ năng sống cho trẻ là giúp trẻ làm chủ bản thân, ứng xử phù hợp với cộng đồng và xã hội, học tập hiệu quả, nâng cao sức khỏe tinh thần và thể chất, ứng phó tích cực với các tình huống trong cuộc sống.