Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Nhìn con sửa mình!

Để dạy con biết cách ứng xử đúng mực từ trong gia đình đến nơi công cộng không thể thiếu sự đồng hành và gương mẫu của cha mẹ.

Trẻ hay quậy phá một phần do cách giáo dục của cha mẹ. Ảnh minh họa

Trẻ hay quậy phá một phần do cách giáo dục của cha mẹ. Ảnh minh họa

Những “sự cố” nơi công cộng

Thực tế, chúng ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh trẻ em la khóc, trêu chọc, lục lọi, phá phách đồ… của người khác ở nơi công cộng. Những hành động không đúng mực này của trẻ không chỉ làm ảnh hưởng tới những người xung quanh mà còn khiến cha mẹ trẻ cảm thấy bực bội, phát cáu.

Trong một lần đi ăn đám giỗ, con trai (5 tuổi) của chị Khánh Hà (Hải Phòng) đã có hành động khiến mẹ “muối mặt”. Khi các món ăn chưa kịp đưa ra đầy đủ, cậu bé cứ nằng nặc đòi ăn đĩa tôm của khách ở bàn bên. Chị đã động viên con chờ thêm chút nữa, bàn của mình cũng sẽ có món này nhưng cháu dứt khoát không chịu, vùng vằng đập tay làm thức ăn trên bàn đổ tung tóe. Vừa bực vừa xấu hổ, chị đánh con mấy cái vào tay thì cháu òa khóc và đòi bố đưa về.

Cùng tình cảnh như chị Hà, chị Hồ Thu (Hà Nội) cũng trải qua câu chuyện “không muốn nhớ” vì hành động của con gái (4 tuổi) vào ngày cưới con của sếp. Chị cho biết, bình thường ở nhà cháu rất ngoan, nhưng hôm đó ở đám cưới, do mẹ mải chụp ảnh kỷ niệm với đồng nghiệp nên cháu cảm thấy bị bỏ rơi và đã nằm lăn ra sân khấu gào khóc. Mặc cho chị ra sức dỗ dành, thậm chí quát nạt nhưng con gái vẫn gào khóc một lúc lâu.

Không vui về cách phản ứng của con, nhưng chị cũng nhận ra nguyên nhân của sự cố này. Nếu chị không mải vui một mình, nếu chị rủ con cùng tham gia thì chắc không có chuyện con phản ứng như vậy.

Chị Thu cũng thừa nhận, cách ứng xử của trẻ trong gia đình hay nơi công cộng ít nhiều phản ánh phương pháp giáo dục và cách hành xử của cha mẹ. Nhưng không phải lúc nào những hành động chưa đúng mực của trẻ cũng là do trẻ chưa được giáo dục, rèn giũa, mà nó cũng có thể xuất hiện như một cách phản kháng vì bị người lớn coi thường, trêu chọc, thiếu quan tâm. “Và khi trẻ hành xử như vậy, cha mẹ cần bình tĩnh để không bị cuốn vào cảm xúc tiêu cực và có cách hành xử thiếu văn minh” - chị Thuỷ chia sẻ.

Cha mẹ cần là tấm gương về giáo dục con.

Cha mẹ cần là tấm gương về giáo dục con.

Cha mẹ cần làm gương

Mới đây, câu chuyện bé trai 2 tuổi đi cùng bố mẹ vào uống cafe rồi đùa nghịch, đổ nước làm hỏng máy tính của cô gái ngồi bàn bên đã khiến nhiều người bức xúc về cách nuôi dạy, giáo dục trẻ ở nơi công cộng của cha mẹ bé. Dẫu là sự cố không mong muốn, nhưng khi sự việc xảy ra, thay vì dạy bảo con và thiện chí giải quyết hậu quả, vị phụ huynh đó lại cho rằng, chuyện con quậy phá ở nơi đông người là... hết sức bình thường và người có máy tính phải biết giữ chứ “trẻ con nó biết gì”… Nhiều người cũng bày tỏ lo lắng cho bé trai, bởi với cách hành xử thiếu văn minh của phụ huynh có thể dẫn đến những lệch lạc trong hành xử của đứa trẻ khi trưởng thành.

Theo chuyên gia tâm lý Vũ Hoài Sơn, giáo dục con cách ứng xử đúng mực trong gia đình và nơi công cộng là việc làm cần thiết và nên được bắt đầu từ sớm. Ngay từ khi trẻ biết nhận thức, cha mẹ đã có thể đặt ra cho con những nguyên tắc nhỏ về giao tiếp trong gia đình để con quen dần, không thả nổi, nuông chiều theo con vô điều kiện. Khi làm được điều này trong gia đình, trẻ sẽ làm điều tương tự ở nơi công cộng và biết cách ứng xử một cách văn minh.

Dạy trẻ biết bỏ rác đúng nơi quy định.

Dạy trẻ biết bỏ rác đúng nơi quy định.

Cha mẹ có thể bắt đầu việc dạy con bằng những quy tắc đơn giản như: Không xả rác; cần xếp hàng, không làm ồn nơi đông người; tôn trọng người lớn tuổi; biết nói lời cảm ơn, xin lỗi, giữ lời hứa… Và đi kèm với đó không thể thiếu những lời động viên, khen ngợi khi trẻ làm tốt. Khen ngợi đúng cách và đúng lúc sẽ giúp trẻ cảm nhận được sự công nhận của cha mẹ và mọi người xung quanh, từ đó trẻ tiếp tục phát huy những cách ứng xử tốt mình đã từng làm.

Thực tế cuộc sống cũng cho thấy, trong quá trình nuôi dạy con trở thành công dân tốt, gương mẫu, ứng xử văn minh thì vai trò và cách ứng xử của cha mẹ là rất quan trọng. Bố mẹ bất hòa, cãi vã thì con sẽ buồn tủi. Bố mẹ nóng nảy, cực đoan thì con thô lỗ, bạo lực. Bố mẹ hà khắc thì con sẽ thu mình, bất cần. Bố mẹ tôn trọng thì con sẽ ngoan ngoãn. Bố mẹ yêu thương thì con vui vẻ, hòa đồng. Bố mẹ ham đọc thì con sẽ thích đọc và sẽ yêu sách. Bố mẹ khiêm tốn thì con nhã nhặn, lễ phép…

“Việc nuôi dạy con cái chưa bao giờ là việc đơn giản. Nếu cha mẹ chỉ biết dạy mà không biết sửa mình, không là tấm gương của chính những lời dạy bảo đó thì việc dạy con cũng không có kết quả, thậm chí là phản tác dụng. Người xưa có câu “nhìn cây sửa đất, nhìn con sửa mình” là vậy – chuyên gia tâm lý Vũ Hoài Sơn nhấn mạnh.