Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Nhìn lại kết quả 3 năm thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững ở Điện Biên

 
3 năm giảm trên 11% tỷ lệ hộ nghèo
 
 Theo số liệu của Sở LĐTBXH, toàn tỉnh Điện Biên có 8 huyện, 1 thành phố và 1 thị xã thì có tới 7 huyện nghèo (trong đó có 5 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a) và 103/130 xã, phường, thị trấn thuộc diện đầu tư của Chương trình 135, 101 xã đặc biệt khó khăn. Bước vào đầu giai đoạn 2016 - 2010, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh chiếm tới 48,14% (57.214 hộ) và tỷ lệ hộ cận nghèo là 7,69% (9.135 hộ); nhiều nơi, tỷ lệ nghèo ở mức cao, lên tới 50%, cá biệt trên dưới 70%, đời sống của đại bộ phận người dân vùng sâu, vùng biên giới gặp rất nhiều khó khăn.
 
Từ thực tế nêu trên, trong hơn 3 năm qua, ngành LĐTBXH Điện Biên phối hợp với các cấp, các ngành đã rà soát tổng thể các chính sách hỗ trợ giảm nghèo để xác định những chính sách phù hợp; thực hiện tốt công tác rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo, xác định rõ nguyên nhân nghèo và nguyện vọng của từng hộ nghèo. Từ đó, Sở đã tham mưu, đề xuất với Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh triển khai nhiều chủ trương, giải pháp giảm nghèo hiệu quả theo hướng mở rộng các chính sách phát triển sản xuất, khuyến khích thoát nghèo; đồng thời tích cực tuyên truyền, vận động, phát huy sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể quần chúng, các tổ chức chính trị - xã hội, cùng với sự nỗ lực phấn đấu vươn lên của từng hộ nghèo. 


Mô hình trồng chè San Tuyết ở huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên góp phần giảm nghèo bền vững. Ảnh: Tuấn Tú
 
Tỉnh cũng đa dạng hóa các nguồn vốn thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững từ nhiều nguồn khác nhau, tích cực huy động sự đóng góp của các doanh nghiệp, sự tham gia xã hội hóa của cộng đồng; thực hiện lồng ghép có hiệu quả nguồn vốn các chương trình, dự án giảm nghèo bền vững với chương trình xây dựng nông thôn mới. Riêng năm 2018, tổng nguồn vốn thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững được bố trí hơn 420 tỷ đồng, trong đó, vốn đầu tư phát triển hơn 310 tỷ đồng, vốn sự nghiệp hơn 110 tỷ đồng. 
 
Bên cạnh đó, tỉnh cũng thực hiện tốt các chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, thôn bản đặc biệt khó khăn. Hệ thống giao thông liên huyện, liên xã được đầu tư, nâng cấp. Các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn đã chủ động và từng bước phát huy tiềm năng, thế mạnh; chủ động khai thác, phát huy lợi thế về đất và rừng, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đặc biệt là tăng diện tích cây công nghiệp, cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, phát triển chăn nuôi gia súc. Ngoài các chính sách hỗ trợ sản xuất, người nghèo trên địa bàn tỉnh còn được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ về y tế, giáo dục, đào tạo nghề, xuất khẩu lao động, hỗ trợ tiền điện, hỗ trợ về khoa học kỹ thuật để tăng thu nhập trên cùng một số vốn đầu tư và trên cùng một diện tích canh tác hoặc đàn vật nuôi…
 
Với những giải pháp đồng bộ nêu trên, từ năm 2016 đến nay, tỷ lệ hộ nghèo ở Điện Biên đã giảm đáng kể, từ con số 48,14% (đầu năm 2016) xuống còn 37,08% (đầu năm 2019), trong đó tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện 30a giảm từ 56,84% (năm 2017) xuống còn 52,09%. Riêng năm 2018, toàn tỉnh đã giảm được hơn 3.800 hộ nghèo so với năm 2017 (giảm 3,93%). Đến nay, 130/130 xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh đã có điện lưới quốc gia và đường ô tô đến trung tâm (đạt mục tiêu của Nghị quyết đến năm 2020); 22/130 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn và cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới. 


Điện Biên cần tiếp tục triển khai các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, trang bị kiến thức, kinh nghiệm phát triển kinh tế cho hộ nghèo.
Ảnh: Văn Giang

 Hạn chế thấp nhất tình trạng tái nghèo và phát sinh hộ nghèo mới

 
Năm 2019, Điện Biên đề ra mục tiêu phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 33,97%; trong đó, tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện nghèo giảm còn 47,37%, tỷ lệ hộ cận nghèo 5,45%, tỷ lệ hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số 43,45%; hạn chế thấp nhất tình trạng tái nghèo và phát sinh hộ nghèo mới.
 
Để thực hiện được các mục tiêu này, tỉnh sẽ tiếp tục triển khai có hiệu quả các chính sách, dự án giảm nghèo bền vững như: Chính sách hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng các huyện nghèo, xã, bản đặc biệt khó khăn; đầu tư, xây mới, tu bổ và nâng cấp hệ thống cấp và lưu trữ nước sinh hoạt cho dân cư nông thôn. Chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, đảm bảo hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ dân tộc thiểu số, hộ thuộc diện chính sách xã hội được vay vốn sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động, sửa chữa nhà ở, xây dựng công trình nước sạch vệ sinh môi trường, mua sắm phục vụ các nhu cầu thiết yếu; vận động, huy động nguồn lực xã hội hóa để hỗ trợ cải thiện nhà ở cho hộ nghèo, ưu tiên hộ nghèo có người cao tuổi, người khuyết tật, hộ nghèo ở vùng đặc biệt khó khăn, vùng cao, vùng đông đồng bào dân tộc thiểu số. Nhân rộng mô hình giảm nghèo; thực hiện dự án truyền thông và giảm nghèo về thông tin. Tổ chức tập huấn, nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ làm công tác giảm nghèo các cấp; tăng cường công tác giám sát, đánh giá chương trình giảm nghèo...
 

An Nhiên/GĐTE