Trong lịch sử bóng đá Việt Nam chưa bao giờ các cấp đội tuyển đều cùng lúc đạt những thành tích khó tin như năm 2018. Người hâm mộ lúc này chắc hẳn vẫn còn ngất ngây với những chiến thắng vang dội của thầy trò Park Hang-seo tại đấu trường Đông Nam Á, đó là chức vô địch AFF Cup lần thứ 2. Trước đó, vào dịp tháng 8, đội Olympic Việt Nam xuất sắc lọt vào nhóm 4 đội mạnh nhất tại ASIAN Games, và thành tích rực rỡ nhất của lứa các cầu thủ trẻ như Công Phượng, Quang Hải là đoạt ngôi Á quân tại giải U23 châu Á ở Thường Châu, Trung Quốc.
Á quân châu Á từ vị thế kẻ lót đường
Đầu năm 2018, U23 Việt Nam đến với giải vô địch U23 châu Á với vị thế là đội lót đường. Một vị trí nhì bảng để vào vòng đấu loại trực tiếp là điều không ai dám nghĩ tới trước khi hành quân đến Thường Châu. Vậy mà, thầy trò ông Park Hang-seo đã lần lượt quật ngã gã khổng lồ U23 Australia, cầm hòa U23 Syria. Tiếp đó, trong trận tứ kết gặp U23 Iraq, đoàn quân áo đỏ giành thêm một chiến thắng. Ở trận bán kết, U23 Việt Nam tiếp tục hạ gục đội bóng Qatar để lọt vào trận chung kết một giải đấu ở cấp châu lục. Dù tất cả các trận đó, thầy trò Park Hang-seo nhiều lần khiến người hâm mộ phải trải qua những phút thi đấu nghẹt thở nhưng rõ ràng đã lâu bóng đá Việt Nam mới xuất hiện. những chiến thắng đẹp và thuyết phục.
Ngay sau khi đoạt ngôi vị Á quân giải U23 châu Á hồi tháng 1, cái tên Park Hang-seo bỗng nổi tiếng không chỉ ở Việt Nam mà còn lan ra nhiều quốc gia trên thế giới. Nhà cầm quân người Hàn Quốc mới nhận nhiệm vụ ở ĐTQG và U23 Việt Nam 3 tháng, nhưng tạo ra không ít dấu ấn và thành công. Điểm quan trọng nhất ông làm được là xóa đi mặc cảm tự ti cho các học trò khi đối mặt với những đội bóng mạnh hàng đầu châu lục. Nhờ tinh thần thi đấu như các chiến binh, U23 Việt Nam lần lượt vượt qua các đội bóng hàng đầu châu lục để lần đầu tiên lọt vào trận chung kết U23 châu Á.
Sân vận động Thường Châu, Trung Quốc trước thời điểm diễn ra trận chung kết U23 châu Á 2018 giữa hai đội Việt Nam và Uzbekistan.
Hàng trăm CĐV không quản ngại xa xôi, giá lạnh, vượt hàng nghìn cây số bằng nhiều con đường đến Thường Châu cổ vũ cho đội bóng áo đỏ.
Biển người xem trận chung kết U23 châu Á tại sân vận động Mỹ Đình (Hà Nội). 4 màn hình lớn với kích cỡ 200 m2 được dựng lên. Các khán đài không còn một chỗ trống. Cổ động viên tràn xuống cả khu vực đường pitch. Có những bạn trẻ phải đứng xem suốt 120 phút đội tuyển thi đấu.
CĐV ở các tụ điểm xem qua màn hình lớn tại Hà Nội và TP.HCM đã có những giây phút ngập cảm xúc.
Người hâm mộ ở quê nhà đã trải qua nhiều giây phút nghẹt thở cho đến khóc oà sung sướng.
Ngày 27/1, các cầu thủ trải qua 120 phút đáng nhớ trong trận chung kết trên tuyết ở sân vận động Thường Châu, Giang Tô, Trung Quốc, khi U23 Việt Nam đối đầu với U23 Uzbekistan. Tại Hà Nội, khoảng 70.000 người có mặt tại Mỹ Đình để theo dõi trận đấu.
Dù không giành được chức vô địch trên đất Trung Quốc, U23 Việt Nam vẫn có giải đấu cực kỳ thành công, khiến nhiều đối thủ sừng sỏ ở châu lục phải nể phục. Khi ấy, người hâm mộ cùng chung quan điểm, dù kết quả ở trận chung kết thế nào các chàng trai áo đỏ vẫn xứng đáng được tôn vinh.
Còn HLV Park Hang-seo lại gửi lời xin lỗi các CĐV Việt Nam vì đã không mang lại niềm vui trọn vẹn cho họ. "Tôi muốn xin lỗi khi không thể tặng người hâm mộ chức vô địch. Tuy nhiên, các học trò của tôi đã chơi với tất cả khả năng, đôi lúc họ đã cố gắng vượt ngoài năng lực của mình".
Với những gì các học trò của người phù thuỷ xứ Hàn làm được chính là tiền đề để bóng đá Việt Nam có những bước tiến mạnh mẽ hơn sau đó. Bằng chứng là đội Olympic Việt Nam lọt vào bán kết môn bóng đá nam tại ASIAN Games 2018 hồi tháng 8 ở Indonesia.
Các cầu thủ U23 Việt Nam đi một vòng quanh sân để cảm ơn người hâm mộ sau khi kết thúc trận đấu trên tuyết với Uzbekistan.
Thành công lớn tại giải U23 châu Á, toàn đội được người hâm mộ cả nước nhiệt liệt chào đón khi từ sân bay tới trung tâm thành phố.
Hình ảnh khiến người hâm mộ nhớ mãi ngày trở về từ Thường Châu ngày 28/1, sau khi máy bay chở đội U23 Việt Nam hạ cánh xuống Cảng hàng khôngNội Bài, các chàng trai lên xe bus 2 tầng để di chuyển. Đoàn xe mắc kẹt từ đường Võ Nguyên Giáp qua cầu Nhật Tân về tới trung tâm thủ đô bởi hàng trăm nghìn người hâm mộ cùng xe cộ vây kín. Các cầu thủ và ban huấn luyện liên tục vẫy cờ đỏ sao vàng chào người hâm mộ, ký tên vào cờ, áo cho những người ở bên dưới. Phải mất 5 tiếng cho quãng đường gần 30 km, cả đội mới về tới nơi.
Không kém thủ đô, người dân ở các thành phố lớn trên cả nước cũng đổ ra đường phất cờ diễu hành mừng thành tích Á quân châu Á của đội U23 Việt Nam ngay từ chiều tối hôm đó. Cảnh tượng cờ đỏ sao vàng rợp đường kéo dài hàng km chưa bao giờ nhiều đến thế, khiến cho ai nhìn thấy cũng phải rạo rực, thậm chí bật khóc. Theo đội trưởng của U23 Việt Nam Lương Xuân Trường, hình ảnh ấy khó gặp lại lần nữa trong sự nghiệp bóng đá của nhiều cầu thủ.
Tổng thư ký AFC, ông Dato Windsor John nói: "Xem những người hâm mộ đổ ra đường để chào đón anh hùng dân tộc, tụ tập ở những không gian công cộng để theo dõi trận đấu và trang trí sân vận động với màu cờ sắc áo thật sự là những khoảnh khắc đáng tự hào cho tất cả chúng ta. Xin dành lời khen ngợi đặc biệt cho VFF vì sự tiến bộ và nỗ lực trong phát triển bóng đá ở mọi cấp độ".
Olympic Việt Nam lọt vào vòng 4 đội mạnh nhất ASIAD
Tại ASIAD 2018, bóng đá Việt Nam tiếp tục gây bất ngờ với nhiều người hâm mộ trên toàn châu lục khi lần lượt đánh bại những đội bóng hùng mạnh như Nhật Bản, Bahrain...
HLV Park Hang-seo dẫn dắt đội Olympic Việt Nam ở bảng D cùng các đội Olympic Nhật Bản, Olympic Pakistan và Olympic Nepal. Các học trò của ông thầy người Hàn Quốc đã thắng cả 3 trận để chễm chệ giành ngôi đầu bảng D môn bóng đá nam ASIAD.
Khi đá ở vòng tứ kết, đoàn quân áo đỏ tiếp tục giành thắng lợi trước Olympic Bahrain với tỷ số 1-0. Lọt vào bán kết, Olympic Việt Nam bị gặp phải Hàn Quốc đẳng cấp hơn về mọi mặt, đành chấp nhận thua 1-3. Cuối cùng, thày trò Park Hang-seo để thua trong loạt sút luân lưu 11 m trước Olympic UAE tại trận tranh huy chương đồng và về thứ 4.
Trên khán đài sân vận động ở Indonesia và tại các tụ điểm xem bóng đá trong nước, nhiều cổ động viên đã rơi lệ. Họ tiếc vì nếu may mắn hơn chúng ta đã có huy chương môn bóng đá nam ASIAD.
Ngày 28/8, trong trận tứ kết ASIAD 2018, Olympic Việt Nam tiếp tục xuất sắc vượt qua Olympic Syria bằng bàn thắng "quý như vàng" của Văn Toàn ở phút 108. Đêm hôm đó, quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội đông nghẹt người. Giới hâm mộ trái bóng tròn đổ về đây nhảy múa, đốt pháo sáng, mừng chiến thắng.
Đội Olympic Việt Nam gặp Olympic Hàn Quốc tại ASIAN Games 2018.
Các cầu thủ động viên nhau sau thất bại ở bán kết với Olympic Hàn Quốc.
Chiến thắng lịch sử của Olympic Việt Nam khi lọt vào top 4 đội mạnh nhất ASIAD 2018 không chỉ làm nức lòng người hâm mộ cả nước mà còn lan tỏa trong cộng đồng mạng châu Á. Fanpage của Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) ngập tràn bình luận từ cư dân mạng dành cho Olympic Việt Nam - đại diện duy nhất của bóng đá Đông Nam Á vào top 4 đội mạnh nhất ASIAD 18. Người hâm mộ từ Thái Lan, Myanmar, Indonesia, Malaysia, Ấn Độ gửi lời chúc mừng, đồng thời bày tỏ sự ngưỡng mộ chiến tích mà thầy trò HLV Park Hang-seo đạt được. Nhiều người gọi Olympic Việt Nam là "niềm tự hào của Đông Nam Á" hay "vua của bóng đá Đông Nam Á". Dân mạng Chatchakris Supsomboon chia sẻ từ Thái Lan: “Việt Nam, các bạn là số 1 Đông Nam Á". Nhiều người đồng tình rằng bóng đá Việt Nam đang vươn lên mạnh mẽ và chứng tỏ vị thế số một trong khu vực nhờ lứa cầu thủ thế hệ vàng. Từ Malaysia, Abu Iman Wal Busyro gửi lời tán dương: “Chiến tích tuyệt vời của Olympic Việt Nam. Vua của bóng đá Đông Nam Á”.
Trận tranh Huy chương đồng với đội Olympic UAE tại ASIAN Games 2018.
Nòng cốt của Olympic chủ yếu là các cầu thủ vừa đoạt ngôi Á quân tại giải U23 châu Á trước đó 7 tháng.
Kết thúc năm 2018 bằng chức vô địch đã chờ đợi một thập kỷ
Đầu tháng 11, tuyển Việt Nam tham dự AFF Cup. Sau 4 trận vòng bảng, với 3 trận thắng, 1 trận hòa, thầy trò ông Park Hang-seo bước vào vòng bán kết, gặp đối thủ Philippines. Tiếp tục thể hiện phong độ xuất sắc, tuyển Việt Nam hạ gục đội bóng đang tiến bộ ở Đông Nam Á này cả hai trận lượt đi và lượt về cùng với tỷ số 2-1. Như thường lệ, người hâm mộ ở nhiều thành phố lớn liên tục có cơ hội ra đường "đi bão" ăn mừng chiến thắng.
Tiến vào trận chung kết gặp đối thủ từng bị chính Việt Nam đánh bại là Malaysia ở vòng bảng, các học trò của HLV Park Hang-seo thủ hòa ở lượt đi trên sân Bukit Jalil với tỷ số 2-2, sau đó về Mỹ Đình đã giành thắng lợi bằng bàn duy nhất của tiền đạo Anh Đức để chính thức trở thành nhà vô địch Đông Nam Á. Không bất ngờ như một số giải đấu khác, việc được nâng cao cup vàng lần này là điều cả giới chuyên môn và người hâm mộ đoán được ngay từ ít nhất là vòng bán kết bởi đoàn quân áo đỏ có được sự dẫn dắt tài ba của vị thuyền trưởng người Hàn Quốc.
Trong một lần viết bài cho Zing.vn, nhà báo Hồng Ngọc khẳng định vị trí Á quân giải U23 châu Á hay đứng thứ 4 ASIAD vẫn chưa phải là điều giúp chúng ta đạt tới trình độ hàng đầu của bóng đá châu lục. Còn nhiều vấn đề phải hoàn thiện nền bóng đá Việt Nam.
Còn về phía HLV Park Hang-seo, ông đã đúng, thể hiện được tài năng thực sự qua ba hành trình của ba cấp đội tuyển tại các giải đấu lớn trong năm. Hầu hết sự thay người của ông đều hiệu quả, cho thấy năng lực chiến thuật rất tốt.
Những người hiểu chuyên môn sẽ không ảo tưởng rằng những thành công đó sẽ giúp chúng ta đạt tới trình độ hàng đầu của bóng đá châu lục. Những người hùng của bóng đá Việt Nam không bỗng dưng rơi từ trên trời xuống để ghi bàn và mang về chiến thắng. Họ đã phải rèn luyện và được trưởng thành qua đời sống bóng đá hàng tuần là V.League. Nếu V.League thiếu khán giả, các đội bóng không thể cân đối được chi phí, mà phải sống dựa vào các ông bầu. Các tài năng cũng không bỗng dưng mà có: các trung tâm đào tạo bài bản mỗi năm phải chi vài tỷ đồng, có khi hàng chục tỷ đồng, để nuôi các tuyến trẻ từ U11 đến U21, mà mỗi lứa có thể chỉ có vài cầu thủ lên được đội một, và tài năng như Quang Hải thì hàng chục năm cả nền bóng đá mới có một người.
Nhưng cả nền bóng đá, bao gồm cả người hâm mộ, hầu hết quay lưng với V.League, đợi lúc đội tuyển thành công ở cấp quốc tế thì “lên đồng tập thể”. Nó giống như câu chuyện cổ tích Thánh Gióng, không đợi 18 năm kiên trì chăm sóc, dạy dỗ để lớn lên như người bình thường, mà chỉ mất 3 năm để vươn vai thành Phù Đổng (mà quá trình vươn vai từ năm 3 tuổi, chứ chẳng phải mất 3 năm để vươn vai). V.League không xem để cung cấp “nguồn dinh dưỡng” cho đời sống bóng đá thường nhật của cầu thủ chuyên nghiệp. Trẻ em cũng hầu như không được học đá bóng ở trường, và có rất ít phụ huynh đưa chúng tới các câu lạc bộ để tập đá bóng, thành ra các trung tâm đào tạo chỉ biết cầu may tìm những đứa trẻ ở vùng quê nào đó mà gần nhà có khoảng trống và có quả bóng để tự làm quen và đá bóng với chúng bạn, trở thành đầu vào cho các lò đào tạo của HAGL, CLB Hà Nội, Thanh Hóa, SLNA hay PVF.
Với nhiều cổ động viên, những người đã sống trong nỗi thất vọng của AFF Cup 2010, sự tủi hổ của 2012, cay đắng 2014 và hy vọng của 2016, nhiều người đã không ngừng mơ về một ngày Việt Nam lại trở thành vua của Đông Nam Á. Ngày hôm nay, chiếc cúp vàng cùng thế hệ cầu thủ "vàng" đã giúp khép lại một năm 2018 thành công của bóng đá Việt Nam. Cả dân tộc xuống đường ăn mừng, cười vì niềm vui chiến thắng, khóc vì hạnh phúc của chức vô địch. Phần còn lại sẽ thuộc về lịch sử. Năm 2018, một năm tuyệt vời của thể thao Việt Nam.