Thời niên thiếu ở quê nhà xã Tăng Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An, trong nhà tôi gồm có bà nội, mẹ và 3 anh em tôi. Bố tôi đi bộ đội vào chiến trường Nam bộ từ những năm 1960, vì vậy tôi không nhớ mặt bố.
Đêm ngủ chung giường với bà nội, tôi được bà kể cho nghe nhiều chuyện về gia đình, dòng họ, … Bà nội nói tôi giống bố, cũng nhanh nhẹn, hay nói hay cười. Trong các câu chuyện bà nội kể, bà nói nhiều về bác Ngô Văn Luyện.
Bác Ngô Văn Luyện là con thứ 2 trong gia đình ông bà nội tôi có 7 người con, 5 trai 2 gái. Một người con gái là em kế bác Luyện bị bệnh chết lúc còn nhỏ. Bố tôi là con út. Các con của ông bà nội chỉ có bố tôi được đi học không phải đi ở cho địa chủ.
Ngày 7/4/1946, đang đi ở cày ruộng cho một gia đình địa chủ, bác Luyện bỏ trốn đi Vệ Quốc đoàn (bộ đội). Mấy ngày sau ông địa chủ đến nhà ông bà nội tôi báo bác Luyện bỏ việc và sẽ không trả công cho bác Luyện thời gian vừa rồi. Ông nội thì im lặng, còn bà nội tôi thì “đấu khẩu” với ông địa chủ bắt ông ta phải đền con. Thật ra việc bác Luyện bỏ trốn đi Vệ Quốc đoàn do các chú (em ruột của ông nội là đảng viên cộng sản đã bí mật kết nạp bác Luyện vào đảng cộng sản rồi bố trí bác Luyện đi Vệ Quốc đoàn. Ông nội tôi có 3 người em trai là đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương).
Năm 1948, bác Luyện về thăm nhà mặc quân phục Vệ Quốc đoàn, ông địa chủ nghe tin đến nhà thăm, nhìn thấy bác Luyện ông ta run lẩy bẩy qùy sụp dưới chân bác Luyện. Bà con xóm giềng có mặt được một trận cười nắc nẻ. Hôm sau ông địa chủ cho người đến mời bà nội tôi đến để trả lúa là công đi ở cày ruộng của bác Luyện mà ông ta định quỵt.
Lần về thăm nhà đó, ông bà nội có ý định hỏi vợ cho bác Luyện, nhưng khi biết, bác Luyện nói với cha mẹ: “Con chưa nghĩ đến chuyện vợ con được, cách mạng đang cần, để con rảnh rỗi lo việc cách mạng đã”.
Và trong cuộc đời binh nghiệp, chỉ một lần duy nhất bác Luyện về thăm nhà rồi bác Luyện đã ra đi mãi mãi.
Sau khi bác Luyện hy sinh, ông bà nội tôi được hưởng chính sách liệt sĩ của Đảng, Nhà nước cho đến khi qua đời. Ông nội tôi mất năm 1957. Bà nội tôi mất năm 1980.
Chuyện lịch sử kể rằng, trận đánh ở Xuân Bồ, Quảng Bình năm 1950 rất ác liệt. Sau khi quân ta bắn hết đạn đã xông lên trận địa quân Pháp đánh áp là cà, vật lộn quần nhau trên đất liền rồi kéo xuống nước dìm nhau. Đại đội của bác Luyện hầu hết bị hy sinh. Quân Pháp cũng tổn thất rất lớn sinh mạng.
Hiện nay tại Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An có phần mộ Liệt sĩ Ngô Văn Luyện, và ở Nghĩa trang Họ Ngô Văn ở xã Tăng Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An cũng có phần mộ Ông Ngô Văn Luyện. Nhưng dưới phần mộ không có hài cốt, vì bác Ngô Văn Luyện hy sinh từ năm 1950 đến nay vẫn chưa tìm được hài cốt.
Những năm 1990 – 2000, lúc đó tôi đang làm Thư ký Tòa soạn Báo Cựu Chiến binh Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Tri thức & Công nghệ, đã nhiều lần tôi làm văn bản trao đổi với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Bình; Cục Chính sách, Tổng Cục Chính trị (Bộ Quốc phòng) để tìm kiếm thông tin về hài cốt bác tôi: Liệt sĩ Ngô Văn Luyện hy sinh năm 1950 tại trận đánh ở Xuân Bồ, Quảng Bình. Nhưng tôi chỉ nhận được thông tin có trận đánh như vậy, có tên liệt sĩ như vậy, còn hài cốt thì không thể xác định.
Bằng văn hóa tâm linh, ở quê bà con trong họ tộc cũng nhiều lần và bằng nhiều phương pháp tìm kiếm, nhưng đều vô vọng.
Bác của chúng tôi: Liệt sĩ Ngô Văn Luyện cùng đồng đội của ông đã anh dũng hy sinh trong khi làm nhiệm vụ chống quân xâm lược, vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân. Bác của chúng tôi: Liệt sĩ Ngô Văn Luyện cùng đồng đội của ông đã an nghỉ nơi cõi vĩnh hằng trong lòng đất Mẹ Việt Nam.