Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Nhớ cốm làng Vòng

Tôi sinh ra và lớn lên ở thôn Tiền, xã Dịch Vọng, huyện Từ Liêm (nay là phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy, Hà Nội). Làng tôi nằm cách làng Vòng có nghề làm cốm gia truyền nổi tiếng, một khu đồng, chính vì thế mà tuổi thơ tôi có nhiều kỷ niệm qua các buổi chăn trâu, bắt cua, tát cá tại cánh đồng cùng với đám trẻ nhỏ của làng bên ấy.

 

Tôi nhớ cứ độ sang Thu, làng Vòng bắt đầu bước vào mùa làm cốm, người dân làng tôi cũng như các làng lân cận lại được thưởng thức hương cốm thơm lừng thoang thoảng theo gió bay sang. Thi thoảng tôi cũng qua bên đó chơi với cậu bạn học chung trường, nhà bạn tôi cũng như hết thảy dân làng Vòng đều làm cốm. Được chứng kiến không khí mùa cốm ở đây quả là sôi động, nhộp nhịp, khi tiếng chày giã cốm nện đều đều vang khắp làng, khắp xóm. Người ta không chỉ làm ban ngày, mà ban đêm cũng tranh thủ rang, giã, sàng, sảy mới mong kịp mẻ cốm để sớm mai mang vào phố bán, hoặc giao hàng cho người tới cất buôn. Không như bây giờ việc làm cốm đã có sự hỗ trợ của máy móc nên nhàn hạ, ngày xưa ấy, tất tật mọi công đoạn từ tuốt lúa, đến rang, giã, sơ chế cho tới khi làm nên thành phẩm cốm đều bằng sức người, nên rất cực nhọc.

Cốm làng Vòng thơm ngon có tiếng không chỉ trong phạm vi đất Kinh kỳ Thăng Long- Hà Nội, mà còn nổi tiếng khắp vùng. Cũng là lá nếp non ngậm sữa, nhưng một số làng cốm ít danh tiếng khác chế biến sẽ không thể sánh được với công nghệ và bí quyết riêng của người làng Vòng.

Mặc dù cốm không rẻ, nhưng thói quen của mẹ tôi, cũng như nhiều gia đình thường xuyên mua cốm ăn, bởi mùa cốm sẽ qua đi nhanh, lúc hết mùa có muốn ăn cũng khó lòng được thưởng thức. Chẳng vậy, những ngày thu, sớm mai mẹ đi chợ, bao giờ trong chiếc mẹt đựng đủ đầy rau, cà, thịt, cá..., cũng có bọc cốm xanh non nõn nà gói bên ngoài bằng lá sen hồ Tây, rồi buộc mấy cọng rơm nếp tươi rói. Mẹ thường mua cốm đầu nia, nghĩa là loại cốm dẹt mỏng, khi sảy vỏ trấu bay hết thì những hạt cốm ấy đọng ngay phía đầu nia, còn những hạt cốm già hơn, nặng hơn sẽ ở lại phần cuối nia. Mẹ bảo, cốm non đầu nia ngon ngọt, dẻo thơm hơn nhiều, vì thế mà dẫu có cao hơn cốm già tới mấy giá tiền, những ai sành ăn họ vẫn chọn mua loại cốm này. Cốm mua về, cả nhà tôi hay ăn kèm với chuối tiêu chín vàng màu trứng cuốc. Chuối ngọt lừ, cốm dẻo thơm, vị béo ngầy ngậy hòa quyện với nhau khiến cho khẩu vị của người thưởng thức sẽ khó có thể quên được. Tôi ăn hàng ngày món cốm với chuối tiêu vậy mà chẳng bao giờ biết ngán. Rồi thì, cũng có bữa mẹ mang cốm nấu chè lẫn bột sắn dây, hay mang đồ xôi bỏ đường kính, đậu xanh, dừa tươi nạo sợi vào. Nói chung là các món ăn mà mẹ chế biến đi kèm với cốm cũng đều ngon, đều nhớ mãi.

 

Ảnh trong bài: Các công đoạn làm cốm ở làng Vòng.

Khi tôi vừa học hết cấp 2, do đặc thù công việc của cha, cả gia đình tôi đã di cư vào Nam sinh sống. Xa Thủ đô, chia tay làng quê dấu yêu nhiều kỷ niệm, lòng tôi không khỏi bùi ngùi lưu luyến. Cuộc sống ở quê hương mới cũng đã dần quen và ổn định, thế nhưng cứ mỗi độ Thu về, trong tôi lại xốn xang hoài nhớ về quê cũ, ở đó những ngày ấu thơ tôi vẫn thường được ăn món cốm làng Vòng tuyệt ngon...