Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Nhớ đời "bữa tiệc" nấm khoang rừng

Họ gác lại mọi công chuyện thường ngày, băng rừng để tìm hái cho được nấm khoang về nhà chế biến món ăn cùng gia đình. “Ăn cho thỏa nỗi thèm nhớ, bởi mỗi năm nấm khoang chỉ mọc vài ngày” – một người hái nấm khoang cho biết..

Người dân đi hái nấm

Lệ thường, cứ vào độ tháng chín, tháng mười âm lịch, ấy là mùa nấm khoang rừng - giống nấm đặc hữu của vùng núi rừng các huyện Sông Hinh, Sơn Hòa (Phú Yên).

Nhớ cách đây 3 năm, tôi về Suối Bạc (Sơn Hòa) theo chân ông bạn già đi hái nấm khoang. Nấm khoang có hình dáng giống như nấm mối, màu trắng pha nâu nhạt, nhỏ thân hơn nấm mối nhưng hương vị lại ngon ngọt hơn nhiều. Ông bạn lý giải: “Nấm này thường mọc theo từng khoanh, dân địa phương gọi thành “khoang” rồi “phan”. Ừ thì ai nói nấm khoang thì nói, dân ở đây cứ gọi là nấm phan. Giống nấm này thoắt ẩn, thoắt hiện, không dễ tìm đâu! Thường, mỗi mùa nấm khoang chỉ mọc từ 3 - 4 đợt, mỗi đợt mọc rộ từ 1 - 2 ngày…”.

Ông bạn dắt chúng tôi len qua vùng đất pha cát rồi đến khu đất đen, trong bụi rậm gai góc hay cồn mối. Có người vấp chân té lên, té xuống, gai cào khắp người. Non buổi, cả nhóm “ồ” lên khi phát hiện một vạt nấm khoang rừng ken dày rộng chỉ cỡ vài sải tay! Cả nhóm nhón nhẹ từng chân nấm bỏ vào túi vải mang theo. Xổm xổm hơn 1kg. Hương nấm cứ thoảng lên ngây ngất. Đúng là “ham như ham nấm”!

Những ổ nấm tự nhiên rất hấp dẫn

Ông bạn già nói: “Hơn 200.000 đồng một kí lô đó. Nấm này hiếm nên giá đắt đỏ lắm! Nấm khoang khi vừa nhú khỏi mặt đất cỡ ngón tay thì gọi là nấm búp, giá bán cao nhất vì độ ngon ngọt đặc biệt. Giống nấm này như “trốn” người, bởi lắm khi đi hái phát hiện ra thì nấm đã nở bung hoặc đã tàn, rụi. Đi săn nấm khoang phải có kinh nghiệm, chứ không thì dễ hái nhầm nấm độc!”.        

Vã mồ hôi đến đứng trưa thì cả nhóm kiếm được chừng 3kg nấm khoang. Trên đường về, chúng tôi gặp nhiều bà con trong vùng cũng đi hái nấm về. Theo ông bạn, họ tranh thủ mùa nấm để kiếm thêm thu nhập. Có người về đến nhà là chỉ còn lại… sấp tiền. Bởi nấm đã được nhiều người “chặn” mua dọc đường.

Tuy nhiên, một số người khác thì nhất quyết không bán. Bởi họ mê cái hương vị của nấm khoang, sớ nấm dai như thịt gà. Họ gác lại mọi công chuyện thường ngày, băng rừng để tìm hái cho được nấm khoang về ăn cùng gia đình. Ăn cho thỏa nỗi thèm nhớ, bởi mỗi năm nấm khoang chỉ mọc vài ngày!

Bữa đó, chúng tôi được thưởng thức một tiệc nấm khoang nhớ đời. Nấm khoang đem về chỉ cần cạo sơ đất, rửa sạch là có thể chế biến thành nhiều món, như nấm đùm lá chuối, nướng, hấp, xào, nấu canh,… Chỉ cần ít muối é, ớt sim mà không cần thêm một loại gia vị nào khác cũng ngon đến tận chân răng! “Nấm khoang mà đi nấu với cá thịt, tôm cua thì còn gì là cái ngon!”, ông bạn khề khà.

Món nấm thơm ngon đã được chế biến

Năm nay, tôi về lại xã Suối Bạc (Sơn Hòa) thì nghe mọi người than thở: “Giữa tháng chín lịch âm rồi mà tìm nấm phan khó quá…”. Rồi họ tự lý giải, chắc là do năm nay ít mưa, mùa mưa thực sự đến chậm hơn mọi năm. Đến lúc này chỉ mới vài đợt mưa rải rác, chẳng thấm đất là bao… Thế nhưng lác đác vẫn có người hái được nấm khoang rừng.   

Theo kỹ sư Lê Trình Minh Thư - Chủ nhiệm đề tài khoa học “Khảo sát, định dạng và nghiên cứu đặc tính sinh thái của nấm khoang đặc hữu tại Phú Yên”, nấm khoang đang bị khai thác cạn kiệt, nguy cơ mất nguồn giống. Thế nhưng việc nhân giống nấm rừng giàu dinh dưỡng, giá trị cao này vẫn “chưa thể nói trước điều gì”.