Gần như người nông dân nào cũng thuộc lòng câu ca dao: “Trâu ơi ta bảo trâu này/ Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta…”. Con trâu tự bao đời đối với người miền quê vô cùng hữu dụng. Trâu giúp người chuyên chở, thồ hàng. Chả thế mà khắp các làng quê Việt Nam trong mỗi vụ mùa, chúng ta lại thấy bóng dáng của những chú trâu cần mẫn cày bừa, kéo rơm, lúa trên những cánh đồng. Những con trâu bao năm qua đã giúp cho công việc cấy cày của người nông dân được dễ dàng hơn. Trâu không chỉ gánh vác một phần lớn vào việc đồng áng, mà còn đem lại rất nhiều lợi ích về mặt vật chất và tinh thần cho người nông dân ở các làng quê Việt Nam.
Đối với người dân ở vùng Bảy Núi, An Giang, con trâu là hình ảnh thân quen. Ngay từ tuổi ấu thơ, hình ảnh cậu bé mục đồng ngồi vắt vẻo trên lưng con trâu đang chậm rãi leo dốc đã trở nên quen thuộc. Theo bánh xe của thời cuộc, do tiến trình cơ giới hoá, hiện đại hoá nông nghiệp ở nông thôn, cảnh con trâu kéo cày đã thưa thớt dần. Nhưng con trâu vẫn được dùng để làm sức kéo và đặc biệt là làm vật nuôi để lấy thịt phục vụ cho các nhà hàng đặc sản.
Món chân giò trâu hầm đu đủ vừa thơm ngon, vừa bổ dưỡng.
Những món ăn được chế biến từ thịt trâu đều rất ngon, ngọt kích thích vị giác đối với thực khách. Hiện tại, giá thành thịt trâu khá đắt, khoảng 240.000/kg. Cũng vì vậy mà người dân nuôi trâu ở làng quê này cũng có thêm thu nhập từ nuôi trâu lấy thịt.
Trong lần đến thăm người bạn ở huyện Tịnh Biên (An Giang) tôi đã lần đầu được thưởng thức món chân giò trâu hầm đu đủ. Nhà bạn tôi lúc đó bán được đàn trâu nuôi cả chục con, chỉ để lại một con để thịt ăn mừng một mùa chăn nuôi… trúng đậm.
Sau khi chia thịt cho bà con, gia chủ để lại bốn cái chân trâu để “khao” bạn món chân giò trâu hầm đu đủ. Nhìn bạn tôi chế biến, thấy cách pha chế cũng khá cầu kỳ, nhưng đổi lại là có một món ăn độc đáo mà tôi nhớ mãi.
Chân giò trâu sau khi làm sạch, đem chặt khúc rồi nêm nếm gia vị, tiêu tỏi, nước mắm ngon để cho ngấm khoảng nửa giờ. Đu đủ ngoài vườn vừa chín tới đem vào lột vỏ, cắt khúc lựa miếng vừa ăn. Các khâu chuẩn bị vừa xong thì trong bếp đã thấy dậy mùi của hành củ phi thơm. Bạn nhanh tay cho chân giò trâu đã tẩm ướp để xào qua, rồi cho nước vào đun sôi; cho tiếp đu đủ vào hầm cho tới khi thịt trâu chín mềm, da và gân nở bung ra, nêm cho vừa ăn. Bạn tôi bảo, để tô chân giò trâu thêm đặc sắc, trước khi bắt đầu thưởng thức mới cho thêm vài trái ớt hiểm, ngò rí nữa là xong.
Bữa đó, cũng là lần đầu tiên tôi được thưởng thức món chân giò trâu hầm đu đủ nhưng thấy ngon vô cùng. Có thể bữa ăn ngon hơn vì bạn bè lâu mới có dịp hội ngộ. Nhưng phải thầm cảm ơn người bạn đã thiết đãi tôi một món ăn đặc sắc được chế biến từ thịt trâu, để giờ nhắc lại mà vẫn thấy thèm thuồng.