Chợ cuối năm ở quê tôi rất nhộn nhịp, người mua kẻ bán tấp nập, vội vã. Nếu như ngày thường, chợ nhóm khoảng 4 giờ, chừng 6 giờ là tan hết để người ta còn về lo việc nhà hay ra đồng áng, thì chợ Tết nhóm sớm hơn và đến tận 8-9 giờ sáng mới bắt đầu vãn. Hàng hóa thì nhiều hơn gấp bội, đặc biệt là các mặt hàng như: lá chuối, bánh in, bánh tét, thịt heo, trứng vịt… bày ra tận mé đường. Cách chợ chừng nửa cây số là con rạch nhỏ, như một lối giao thông đường thủy của quê khi mà các ghe ở “miệt trên” bắt đầu chở bưởi, cam, quít, mận, xoài, mãng cầu cấp tập về chợ… Trong trí óc non nớt của mình, tôi không hiểu “miệt trên” là ở xứ nào, chắc là ở một khung trời nào mù xa tít tắp lắm! Đến sau này, tôi mới biết đó chính là trái cây từ miệt Cái Mơn (Chợ Lách) hay Mỏ Cày, Giồng Trôm - những huyện có sản lượng cây trái dồi dào “vườn trái chín xum xuê” về đất Ba Tri đồng khô nước mặn của tôi. Ngày đó, chưa có xe ba gác hay xe cút kít để đẩy trái cây từ ghe lên chợ, dân quê tôi gánh bằng đôi gánh kẽo kẹt trên vai để bày ra chợ. Tôi đứng trố mắt nhìn cánh đàn ông vác những cần xé trái cây to đùng, trên miệng có dằn lại bằng những tàu lá chuối xanh bện với lạt khô. Họ chính là những “lực sĩ” phi thường trong mắt tôi ngày đó.
Người phụ nữ nông thôn ngày xưa rất cực khổ, vất vả. Riêng chuyện đi chợ đã là tay xách nách mang với lỉnh kỉnh đồ đạc, đi chợ ngày Tết còn cực hơn vì phải xách nhiều đồ về. Mẹ tôi, bà nội tôi đều xách những cái giỏ xách bằng lát đan hay bằng nhựa, đến chợ cách nhà khoảng gần ba cây số. Do xách đồ nhiều và nặng trong quá trình đi chợ mà tôi thấy tay mẹ tôi, bà nội tôi đều có một cục chai ở giữa. Những chiếc giỏ xách bằng lát đan thì tuổi thọ có phần ngắn hơn, còn giỏ xách nhựa thì được xem là “sang” hơn và xài rất lâu. Hồi đó, làm gì có túi nhựa, túi xốp, giờ ngẫm lại, thấy chính trong không khí chợ búa ngày xưa, các bà đã góp phần bảo vệ môi trường một cách hồn nhiên nhất mà không cần phải ai kêu gọi.
Con đường từ nhà đến chợ tuy chỉ chưa tới ba cây số nhưng đối với cô bé 5 -6 tuổi là cả một… dặm dài. Trẻ con quê tôi ngày đó đi bộ rất giỏi, mỗi bận đi là háo hức dâng cao nên đường bỗng ngắn lạ thường. Tôi cùng mẹ và bà nội làm cuộc “trường chinh” chỉ trong tích tắc đã vượt qua cổng chào, vượt qua hàng dương chỗ ngôi chùa làng mà đi ngang nghe tiếng lá cứ xào xào như có…ma, vượt qua cả nhà máy xay lúa của ông đại diện Bừa để tới chợ. Nhưng hỡi ơi, lúc về, sau khi đã đi dạo trong chợ mỏi rã rời đôi chân, được ăn gói bánh mặn - món tôi yêu thích suốt tuổi thơ (gồm bột gạo pha với nước cốt dừa, hấp lên, có nhân bánh là củ sắn và nấm mèo, tôm khô xào chung ăn với nước mắm chua ngọt) thì đường về bỗng… xa xăm. Lúc này, nắng đã lên, “nhuệ khí” đã giảm trong tôi nên đi dăm bước tôi lại đòi ngồi nghỉ bên gốc cây hay bãi cỏ ven đường vì đôi chân bé bỏng của tôi… bất lực rồi. Bà nội và mẹ tôi khi thì dọa, khi thì “hiệu triệu”, vỗ về tôi bằng những lời “tâng bốc” hết cỡ, đại loại như: “Xóm mình bọn trẻ con chẳng ai đi chợ xa giỏi như con”, “Con đi nhanh và tới chợ giỏi hơn con Tuyết, con Tích rồi, chỉ cần vài bước chân nữa là tới nhà!” mà đôi chân tôi vẫn ì ạch.
Con đường đến chợ ngày giáp Tết ở quê tôi ngày đó vui bất tận. Nhà nào cũng có người ra chợ, ít thì mua con gà, miếng thịt heo, nhiều thì cả hai ba giỏ xách nào cải nồi, nào măng Mạnh Tông, nào tôm khô, thậm chí có nhà gánh cả gióng thúng để mua đồ ngày Tết. Đó là bên đi chợ để mua, nói theo ngôn ngữ ngày nay là bên “cầu”, còn bên “cung” thì cũng nhiều không kém, chủ yếu là gánh kẽo kẹt nào rau, nào gà, vịt, lá chuối, dưa hấu… ra chợ. Đường làng vì thế cũng dập dìu người mua kẻ bán đi chợ. Nếu ngày thường, khoảng 4 giờ sáng là tiếng các bà “bạn hàng” chuyên bán đồ hàng bông đến chợ “tám” trên đường nghe vang vang, đi ngang nhà tôi, thì mùa chợ Tết, khoảng 3 giờ đã nghe tiếng các bà “bạn hàng” từ ngoài Gảnh đi vô, í ới đông hơn trong không gian còn phủ bóng đêm. Tôi không bao giờ quên những âm thanh đáng yêu đó của quê nhà, nhất là vào mùa cận Tết, nó như giục giã hơn. Ngày xưa, làng xóm nghèo khó, những âm thanh hồn nhiên đó vô tình làm nên một thứ “đồng hồ” để nhiều gia đình làm thước đo thời gian. Tôi vẫn thường nghe mẹ tôi lẩm bẩm khi đi đâu đó: Đợi chuông chùa đánh (khoảng 4 giờ rưỡi sáng) hay đợi các bà bán hàng lên (cũng khoảng 4 giờ)! Tuy nhiên, “đồng hồ” lâu lâu cũng bị… sai, chẳng hạn như ông bà già giữ chùa khó ở trong người nên đánh chuông chùa bị trễ hay sớm hơn 4 giờ rưỡi sáng, hay có hôm vì trời mưa các bà “bạn hàng” lên trễ,
hoặc có bữa các bà lên sớm hơn thường lệ.
Mấy chục năm xa quê, từng đi nhiều khu chợ phố thị khác, nhưng với tôi, có lẽ không phiên chợ nào gói ghém nhiều kỷ niệm cũng như thú vị như những phiên chợ quê nhà. Hình ảnh chợ ngập tràn những chiếc áo bà ba, vành nón lá không phải để che nghiêng tạo dáng mà tần tảo và chiếc giỏ xách của các bà, các mẹ vẫn in sâu trong tâm khảm tôi, một người dù sống ở đô thị khá lâu nhưng vẫn “chưa hết phèn” trong tính cách!
Hiền Long/GĐTE