Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Nhớ “Lời Bác dặn trước lúc đi xa”...

“Chuyện kể rằng trước lúc Người đi xa/ ... Bác muốn nghe một câu hò Huế/ bởi nước non chia cắt vẫn chưa liền,/ Bác muốn nghe một câu hò xứ Nghệ,/ bởi làng Sen day dứt trong tim.../ Bác muốn nghe một đôi khúc dân ca,/ trước lúc đi xa qua bên kia bầu trời./ Người muốn đem tận vô cùng,/ bài ca đất nước... theo Bác đến mênh mông...”. Lời trong ca khúc của nhạc sĩ Trần Hoàn cũng chính là mong muốn của Bác “trước lúc đi xa qua bên kia bầu trời”. Người chỉ có một ước nguyện: Mang theo âm hưởng của câu hát dân ca vào cõi bất tử. Rằng tình yêu Tổ quốc trước hết được bắt nguồn từ tình yêu tha thiết khúc hát dân ca....

 

Câu chuyện có thật đầy xúc động về Người

Trong  muôn vàn câu chuyện kể về Người, câu chuyện chân thực kể lại giây phút cuối cùng trong cuộc đời của Bác về tình yêu dành cho khúc hát dân ca, khiến nhiều người không khỏi xúc động. Câu chuyện sau này được ông Vũ Kỳ, thư ký riêng của Bác ghi lại trong cuốn hồi ký của mình.

Buổi sáng ngày 2/9/1969, trong giây phút cuối cuộc đời, đối diện với quy luật nghiệt ngã, sức khỏe Người lúc này đã yếu đi nhiều. Lần đầu tiên tỉnh lại sau cơn đau, Bác nhìn xung quanh rồi hỏi: Trong các chú có ai biết hò Huế không? Hàng ngày, Bác vẫn đinh ninh: “Miền Nam luôn ở trong trái tim tôi”. Mảnh đất xứ Huế vốn đã gắn bó cùng Người trong suốt quãng thời gian dài của tuổi trẻ và trong những giây phút cuối cùng, Người muốn mang theo vào cõi vĩnh hằng hình ảnh của miền Nam đau thương mà anh dũng, hình ảnh của sông Hương, núi Ngự với bao nỗi nhớ, niềm thương.

Lần thứ hai tỉnh lại, Người lại hỏi: Trong các chú ai có thể hát cho Bác nghe một làn điệu ví, giặm Nghệ Tĩnh được không? Câu dân ca ví, giặm xứ Nghệ đã gắn bó, nuôi dưỡng tâm hồn Người từ thưở lọt lòng. Từ chiếc nôi văn hóa quê hương mặn mà tình nghĩa ấy, Người đã lớn lên, bôn ba tìm đường cứu nước. Dù xa quê hương nhưng tình yêu và nỗi nhớ vẫn luôn đau đáu, thường trực trong sâu thẳm tâm hồn Người. Lần thứ ba thức dậy, Người ngỏ ý muốn nghe một câu dân ca quan họ Bắc Ninh. Lần này, thật may mắn, cô y tá Viện Quân y 108, Ngô Thị Oanh tiến lại gần Bác thưa: “Thưa Bác, cháu xin hát cho Bác nghe ạ”. Trong nỗi xúc động nghẹn ngào, cô cất lên lời hát: “Người ơi, người ở đừng về…”. Cả căn phòng lặng yên, xao động trong nước mắt và Người đã thanh thản ra đi trong âm hưởng của câu dân ca ngọt ngào, sâu lắng ấy.

Hình ảnh giản dị của Bác.

Câu chuyện giản dị, sâu sắc làm toát lên vẻ đẹp tâm hồn, nhân cách của Bác ngay cả trong những khoảnh khắc cuối của cuộc đời. Lúc sinh thời, Người không chỉ yêu cuộc sống, yêu tự do, thích sống hòa đồng với thiên nhiên mà còn nặng lòng, tha thiết với những khúc hát dân ca. Tầm vóc lớn lao trong con người của Bác luôn bắt nguồn từ những điều bình dị nhất. Những khúc hát dân ca là hồn cốt của dân tộc, mang trong mình cả hình bóng của quê hương, xứ sở được sáng tạo bởi quần chúng nhân dân lao động từ bao đời nay. Cả cuộc đời Người sống cho dân, cho nước. Hành trang mà Người muốn mang theo về thế giới người hiền chỉ là ước nguyện bình dị: Được lắng hồn mình trong những câu hát dân ca. Phải chăng vì Bác quá yêu quê hương, xứ sở, hay vì những khúc hát dân ca đã in sâu trong tâm hồn Người, trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu trong cuộc đời của Bác.

Vị Cha già bình dị và thân thương...

Không hư cấu và thêm bớt bất kỳ một chi tiết nào, cũng không hô hào khẩu hiệu, nội dung câu chuyện xúc động và thấm đẫm tình người ấy đã được nhạc sĩ Trần Hoàn truyền tải trọn vẹn trong ca khúc “Lời Bác dặn trước lúc đi xa”. Bài hát là một câu chuyện rất “đời” bình dị và ý nghĩa, như lời dặn tâm tình của một người cha già trước lúc đi xa, rằng luôn mong con cháu giữ được “phần hồn” của tình yêu dân tộc, giữ gìn bản sắc quê hương. Lời bài hát “Lời Bác dặn trước lúc đi xa” mộc mạc, đẹp như một bài thơ trữ tình, cùng với giai điệu nhẹ nhàng, tha thiết, giàu cảm xúc của thể loại ballad pha trộn một chút âm hưởng của làn điệu dân ca. Bài hát này ngay khi ra mắt đã được đông đảo người dân Việt Nam đón nhận. “Xúc động nghẹn ngào” là cảm xúc mà hầu hết của mỗi người con đất Việt khi nghe ca khúc này của nhạc sĩ Trần Hoàn. Cái hay của nhạc sĩ Trần Hoàn đó chính là viết nhạc mà như không viết, chỉ đơn thuần là ông kể lại một câu chuyện có thật bằng chính cảm xúc của ông. Và chính vì điều đó đã đưa ca khúc “Lời Bác dặn trước lúc đi xa” đến gần hơn và sống trong trái tim của người dân Việt Nam. Lời ca của bài hát cứ thủ thỉ tâm tình, tái hiện lại hình ảnh vị Cha già kính yêu của dân tộc - rất vĩ đại nhưng cũng quá đỗi bình dị, thân thương…

Lời ca nhẹ nhàng, mộc mạc, giai điệu tha thiết như lời thủ thỉ, tâm tình mà đầy xúc động, dễ đi vào lòng người: “Lần thứ ba Bác vẫy gọi xung quanh/ Bác muốn nghe một đôi làn quan họ/ Ôi may sao bỗng có em gái nhỏ, bước vào gần Bác/ Rồi căn phòng xao động trong nước mắt/ Những lời ca nức nở tái tê/ Rằng Người ơi, Người ở đừng về…”. Trước lúc đi xa, Người mong muốn thế hệ sau hãy yêu lấy những khúc dân ca, từ đó trân trọng và giữ gìn bản sắc nền văn hóa dân tộc. Mong muốn giản dị mà sâu sắc ấy của Người phần nào đã được hiện thực hóa khi dân ca luôn có chỗ đứng quan trọng trong đời sống âm nhạc hiện đại. Những khúc hát dân ca trữ tình, tha thiết chính là nguồn sữa tinh thần bồi đắp và nuôi dưỡng tâm hồn để mỗi người thêm yêu đời, yêu người, yêu quê hương, xứ sở.

Có rất nhiều ca sĩ đã thể hiện thành công ca khúc “Lời Bác dặn trước lúc đi xa” như NSND Thu Hiền, NSND Thanh Hoa, NSND Thái Bảo... mỗi bản thể hiện đều mang đến nhiều cảm xúc cho người nghe. Nếu như NSND Thu Hiền khiến cho người nghe “lắng” hồn mình lại với giọng ca ngọt ngào của mình, NSND Thanh Hoa lại mang đến cảm giác bay bổng, khoáng đạt, giàu cảm xúc mà vẫn rất lạc quan cho khán giả, thì giọng ca NSND Thái Bảo lại khiến cho rất nhiều người con Việt Nam ở những đối tượng, thế hệ khác nhau đến gần được hơn với ca khúc cũng như hiểu hơn về con người và nhân cách của Bác.

Nhạc sĩ Trần Hoàn không phải là người có nhiều sáng tác về Bác, nhưng những ca khúc của ông viết về vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam lại được nhiều người yêu mến. Từ “Giữa Mạc Tư Khoa nghe câu hò Nghệ Tĩnh” (1980), “Lời Bác dặn trước lúc đi xa” (năm 1988) đến “Thăm bến Nhà Rồng” (năm 1990), bằng chính cảm xúc và tài hoa của một người nghệ sĩ, nhạc sĩ Trần Hoàn đã khiến công chúng hình dung được cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở những mốc quan trọng nhất cũng như phong cách sống của Người, giản dị nhưng sâu lắng và giàu chất thơ.