Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Nhớ thương chái bếp quê nhà!

 
Nghĩa là, đời người Việt, buồn vui sướng khổ quay trong bếp, đo bằng sự đầy vơi thiếu đủ rộng hẹp của cái bếp. Cái bếp đầu tiên mà tôi nhớ được là cái chái dựng giữa vườn. Tôi nằm sấp trên tấm giát tre kê trên mấy cái chân mễ mà bà tôi cứ có dịp nào để nhắc là nhắc ngay: “Ông chúng mày/ ông nhà tôi… đóng đấy”. 


 
Hồi làng là vùng tề, cái chân mễ “đi hoang” qua những mấy nhà, mãi sau bà tôi mới tìm ra, xin lại và đó là di vật duy nhất của ông tôi. Nhà lúc đó đã xây lại rồi, bà tôi nhận được tin ông hi sinh, không tính đường trở ra Hà Nội sau hòa bình lập lại. Chái bếp y như cái mụn cóc giữa vườn chính là nơi bà trú ngụ hồi cải cách. Không hiểu sao bà không đạp quách khi xây nhà gạch, và cứ lọ mọ trong đó thổi nấu cho tới tận lúc không ai buồn giọi lại cái mái bếp tã hộ bà. Tôi nằm khoèo nhìn bà gỡ thịt lươn nấu cháo chống bệnh còi xương cho mình. Vị cháo tôi quên, hơi nóng tôi quên, chỉ nhớ hai đầu gối gầy bà chụm lại đầy ý tứ khi ngồi giã mấy cái xương lươn lấy nước ngọt. Chắc chắn khi đó tôi chưa đầy bốn tuổi. Vậy thì tôi nhớ điều gì nhỉ? Một ảo giác về một điều kì diệu và sao mà buồn bã? Bà ơi! Tuổi thơ ơi! Ở với bà, tôi di cư từ bếp giữa vườn qua bếp chái nhà. Những chái bếp như thế giờ phải đi về những vùng quê nghèo khó lắm mới thấy. Ở quanh quanh Hà Nội, giờ nhà nông cũng lên đời bếp ga vô khối, sướng rồi. Nhà quê đất rộng, bếp to, mùa hè rải chiếu cả nhà ngồi ăn cơm trong bếp, trên đầu quạt trần vù vù, ngoài sân gió nắng đùa với lá, có mái gà nhon nhón dẫn con nhào ra bới thóc, vừa ăn vừa xùy gà, vừa dăm điều ba chuyện, chung cư biệt thự khéo chưa bằng. Vậy là giã từ bồ hóng, nỗi lo rạ ướt củi hết, nỗi sợ rơm đượm lửa quá, con cái không quen việc, khéo làm cháy bếp cháy nhà. Bếp ga, đèn điện rồi thì cũng không thể có chuyện người ở cạnh gà cạnh lợn như xưa. Nhà tôi, bà đưa cháu về lại quê những năm tao loạn, nhưng không làm nông, có chăn nuôi cũng chỉ mấy con gà, luống rau cuối vườn mép ruộng, vừa đủ miệng mấy bà cháu, thành thử đồng trằm, chuồng lợn lép nhép phân với nước, con lợn to như cái cót thóc sắp bục, tôi hãi, chỉ mê mấy mái gà. Mái nâu giản dị, nhanh nhảu, ưa đi đứng một mình. Mái hoa mơ chân dài, cánh úp lẳng lơ, dáng đi son sẻ đầy quyến rũ, chuyên môn bị con gà trống thiến sót nhà bên dơ dáng theo đuổi. Mấy con gà mái ấy đến khi nổi hứng nằm ấp thì ôi thôi. Chuồng gà là một góc bếp xây quây lại, kín bưng. Mùa đông rét mướt, thích ngồi ăn cơm bên bếp lửa thì cứ chuẩn bị tinh thần chiến đấu với mạt gà. Mấy cái con bọ chíp ấy thế mà công phá da dẻ người rất khiếp. Bị nó đốt, lại ngồi bên bếp lửa nóng thì ới giời ơi ngứa! Ngứa phải gãi. Gãi đúng chỗ ngứa chưa chắc sướng bằng gãi vào chỗ định vị sai. Khoái cảm bắt đầu từ công đoạn quay cổ vẹo người trong cái áo bông Tàu to xù và kết thúc lúc buông bát, chạy ù ra vườn chuối mà hóng gió bấc. 
 
 
Nói thì nói vậy thôi, cũng là để thương lại một thời khó nhọc cho biết ngày hôm nay sung sướng cỡ nào. Chứ thật, có lúc nào nhớ lại những năm tháng bé bỏng vào ra quanh những bếp nhà quê, lòng lại buồn bã quá chừng. Thương, cái bếp nhà quê một thời, bước vào là đủ thứ mùi, mùi khói, mùi rơm phơi nỏ, mùi dưa kháng cà khú. Thương, cái giá bếp chất đầy bồ hóng. Trên đó, chúng tôi nuôi vụng bà mấy con ốc nhồi. Mấy con ốc cứ ngày một đen nhẻm và cứ sống, không biết nhờ đâu. Thương, bóng bà ngồi nhoài mình bên bếp lửa, tay cẩn trọng xoay xoay chai mỡ cho chảy để lấy cái cơm nước hàng ngày. Chai mỡ phân biệt nhà tôi với các nhà trong xóm nếu có mỡ mà xào rán thì âu mỡ đó thường khét lẹt, vì để dành từ hôm Ba mươi Tết ngả lợn. Chai mỡ là kì tích hàng tháng xếp hàng mua thịt bằng phiếu, lọc rán kĩ càng của những bậc mẹ cha là cán bộ công nhân viên Nhà nước một thời. Bây giờ, ăn chỉ mong ngon mà vẫn mình dây nên mỡ màng phải thanh trừng, có ai nhớ giọt mỡ vương sợi rau gầy, đánh lừa mắt đói, một thời ông bà ta, cha mẹ ta, và của chính ta? 
 
 
Quá khứ, hiện tại và tương lai liền mạch, không đứt đoạn và không dễ đổi chiều. Không biết sẻ chia cùng quá khứ, làm cách nào để thụ cảm cho hết từng ngày tuyệt diệu, làm cách nào để chia sẻ với tương lai?
 

 

Lê Minh Hà/GĐTE