Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Nhớ về đồi cọ miền Trung du

Những câu thơ: "Rừng cọ đồi chè, đồng xanh ngào ngạt", hay "Cọ xòe ô che nắng/Râm mát đường em đi"... đã in đậm trong tâm trí tôi từ thuở thiếu thời.

 

Rồi những câu thơ từ thuở ấu thơ ấy theo tôi suốt chặng đường bươn chải cuộc sống, nhắc nhở tôi về một vùng quê nghèo khó, xóm làng với những căn nhà lợp lá cọ thấp thoáng trên sườn đồi, những người dân thôn quê chân chất, chịu thương chịu khó...

Giờ đây, đi bất cứ đâu mỗi khi bắt gặp thấp thoáng bóng lá cọ ở đâu đó, thì nỗi nhớ quê hương trong tôi càng thêm da diết. Hình ảnh bà nội với chiếc quạt được làm từ lá cọ cứ chầm chậm đưa theo vòng tay quạt mát, xua muỗi cho tôi vào mỗi đêm hè oi bức. Càng nhớ hơn khi mỗi sáng tinh mơ, khi còn say giấc nồng, tai đã nghe văng vẳng tiếng chổi cọ quét sân của mẹ... Quê hương, tuổi thơ chưa bao giờ nguôi ngoai, quên sao được những buổi đến trường, những hôm đi chăn trâu, cắt cỏ, dù bất kể trời mưa hay nắng,  luôn thấy yên tâm hơn khi có tấm lá cọ tròn xoe che trên đầu...

Cứ vào khoảng tháng 7, những cây cọ trong rừng bắt đầu ra hoa, kết trái. Đến cuối tháng 10, đầu tháng 11 quả cọ bắt đầu chín, màu vỏ xanh đậm hơi nâu nâu. Những quả cọ ngon là quả được lấy từ cây cọ chưa bao giờ bị chặt lá, vì cọ bị chặt lá một lần thì quả cọ sẽ còi cọc, hạt to và ăn rất chát, mất hết mùi vị đặc trưng của cọ. Mỗi mùa quả cọ chín, lũ trẻ chúng tôi lại bắc thang để leo trèo, hái bằng được những quả cọ căng tròn, mang về cho vào nồi ỏm, ăn no bụng thay cơm. Quả cọ chín, lõi vàng ươm, ăn bùi và rất ngậy. Quả cọ ngoài mang ỏm thì người dân quê tôi còn chọn những quả cùi dày, cạo sạch vỏ đem làm dưa. Dưa cọ có vị mặn của muối, vị ngậy béo bùi bùi của cọ.

Tôi thường về quê bằng tàu hỏa, cứ mỗi lần tàu đến đất Phú Thọ, như một phản xạ tự nhiên, tôi ngồi dậy hướng ánh nhìn ra phía cửa sổ ngắm miền quê yêu dấu, để lại được về với tuổi thơ qua những rừng cọ trải dài, xanh ngút mắt. Ký ức tuổi thơ trở về đầy ắp, bỗng có tiếng rao của người bán hàng rong: “Cọ ỏm đi”, khiến tôi bừng tỉnh,...

 

Cây cọ được trồng nhiều ở các vùng đồi núi trung du Phú Thọ- nơi có nhiều đất sắn, đất cọ, đi đâu, chỗ nào cũng thấy những đồi cọ mọc lên xanh tốt và trùng điệp. Từ bao đời nay, cây cọ đã trở thành biểu tượng cho sức sống của những người dân quê, cần cù, lam lũ...

Cọ là loại cây rễ chùm như cây dừa, cây cau, cây tre. Rễ cọ bám vào đất đồi lan toả, tự kiếm tìm dinh dưỡng để nuôi cây lớn lên từng ngày. Mỗi năm cây cọ chỉ cho ra đời đúng 12 lá, ứng với 12 tháng của năm. Thân cọ đẹp khắc khổ, tất cả những thứ trên cây cọ đều phục vụ cho cuộc sống sinh hoạt của con người. Cọ từng là cây có giá trị sử dụng ở những vùng thôn quê trước đây. Lá cọ lợp nhà, chắn vách, lợp chuồng trâu, bò, chuồng gà, làm chổi, làm quạt. Búp cọ khâu nón, áo tơi, vặn thừng, đan làn xuất khẩu. Thân cọ làm cột nhà, cột điện, thân cầu khỉ, máng nước, máng lợn, chõ đồ xôi. Cuống cọ làm rui mè, lạt buộc, rào dậu hoặc thay tre đan rọ lợn, lồng gà, rồi đến mành cọ-một mặt hàng xuất khẩu được ưa chuộng...

Cây cọ sống với bao thế hệ người dân miền Trung du quê tôi, như người bạn, thân thiết và trọn vẹn nghĩa tình. Cuộc sống đổi thay từng ngày, miền quê Trung du hôm nay đã vắng dần những mái nhà lá cọ. Nhưng vẫn còn đó, những đồi cọ xanh tốt, rợp tán bên mỗi con đường dẫn vào làng...

 

Ảnh: Cây cọ và và các vật phẩm được làm từ cọ.