Sau 2 ngày xét xử, chiều ngày 27/12, TAND TP.HCM đã tuyên án đối với các đối tượng phản động, khủng bố tại sân bay Tân Sơn Nhất.
Xét thấy, tại phiên tòa một số bị cáo như bị cáo Chung, Hàn Phong, Mộng Phong, Dương, Tiền khai báo không phù hợp với lời khai trước đó tại CQĐT. Tuy nhiên, căn cứ vào kết quả điều tra, biên bản thực nghiệm hiện trường, biên bản tại hiện trường…có thể khẳng định, các bị cáo đều trực tiếp hoặc gián tiếp, thông qua mạng xã hội câu kết, bàn bạc với Phạm Lisa bôi nhọ, xúc phạm Đảng và Nhà nước, lên kế hoạch phá hoại tại Việt Nam, chống lại chính quyền và nhân dân.
Cơ quan chức năng đã thu giữ tại nơi ở của bị cáo Hoàng Đức Thiện nhiều dụng cụ chế tạo bom xăng, những dụng cụ này phù hợp với vật chứng thu được tại sân bay Tân Sơn Nhất. Vì vậy, có đủ căn cứ để xác định các bị cáo phạm vào tội “Khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân” .
Các bị cáo tại tòa
Xuyên suốt phiên tòa, bị cáo Nguyễn Thị Chung không thừa nhận hành vi. Tuy nhiên, qua truy xuất nội dung trao đổi giữa bị cáo và bị cáo Thiện cho thấy, ngoài việc nói xấu, xuyên tạc Đảng và Nhà nước, bị cáo Chung còn bàn bạc, hẹn đưa tiền cho bị cáo Thiện mua máy in tiền giả, bàn bạc mua các phương tiện, dụng cụ chế tạo bom xăng và cả lời động viên của Chung cho Thiện trước ngày Thiện tham gia đốt kho xe của Công an TP.Biên Hòa.
Vì vậy, có đủ cơ sở để kết luận bị cáo Chung đã tham gia vào tổ chức phản động động, chống lại chính quyền và nhân dân.
Mạng lưới khủng bố là vấn nạn chung của toàn thế giới, việc hai phần tử Đào Minh Quân và Phạm Lisa tìm mọi cách xuyên tạc, tuyên truyền nhằm lật đổ Nhà nước XHCN, đã lôi kéo nhiều người có trình độ văn hóa thấp, nhận thức pháp luật còn hạn chế nhằm mục đích phá hoại các trụ sở của cơ quan Nhà nước. Nguy hiểm hơn còn chế tạo bom để phá hoại các cơ quan trụ sở Nhà nước, gây bạo loạn. Tuy nhiên, hiện chưa bắt giữ được hai đối tượng này nên cơ quan chức năng đã tách vụ án ra xử lý sau.
Hành vi của các bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng, gây nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến an ninh quốc gia nên cần áp dụng mức án nghiêm khắc để răn đe, phòng ngừa chung. Xét tổng thể các bị cáo đều có vai trò như nhau.
Sau khi xem xét, HĐXX quyết định tuyên phạt bị cáo Đặng Hoàng Thiện 16 năm tù, phạt quản chế 5 năm tại địa phương sau khi chấp hành xong hình phạt; Nguyễn Đức Sinh 10 năm, phạt quản chế 3 năm; Ngô Thụy Tường Vy 11 năm, phạt quản chế 3 năm; Nguyễn Thị Chung 12 năm, phạt quản chế 5 năm; Thái Hàn Phong 14 năm, phạt quản chế 5 năm; Nguyễn Ngọc Tiền 11 năm, phạt quản chế 3 năm; Trương Tấn Phát 5 năm, phạt quản chế 3 năm; Các bị cáo khác cũng phải lãnh từ 5-8 năm tù. Riêng bị cáo Lê Thị Thu Phương lãnh 1 năm 6 tháng nhưng cho hưởng án treo.
Trước đó, được nói lời sau cùng trước khi tòa tuyên án, Bị cáo Nguyễn Đức Sinh cho biết mình chưa hề biết Facebook là gì. Do chán nản nên đã bị Phạm Lisa lôi kéo, lập Facebook cho mình sử dụng. Bị cáo này cũng gửi lời đến các thanh niên đừng nghe lời xúi giục, xuyên tạc của các thế lực thù địch để sa ngã, lâm vào cảnh tù tội như mình.
Bị cáo Thiện thừa nhận hành vi của mình là sai. “Nếu nhắm vào con người thì đã không dùng bom xăng, bom xăng chỉ gây cháy chứ không nổ. Nếu bị cáo muốn ảnh hưởng ai đó thì nằm trong tầm tay nhưng bị cáo đã không làm. Phạm tội thì bị cáo nhận, bị cáo không xin giảm nhẹ”, Thiện nói.
Bị cáo Tường Vy gửi lời xin lỗi đến bị cáo Phát vì là bạn lâu năm nhưng đã lôi kéo bị cáo này vào con đường phạm tội. “Bị cáo cũng gửi lời xin lỗi Thiện vì bị cáo lớn tuổi hơn nhưng đã không khuyên răn Thiện”, Vy nói.
Ngoài bị cáo Thái Hàn Phong và Nguyễn Thị Chung vẫn ngoan cố không nhận tội, các bị cáo còn lại đều thừa nhận hành vi của mình là sai và xin HĐXX khoan hồng, giảm nhẹ hình phạt để sớm trở về làm người có ích.
Theo Đoàn Nga/Vietnamnet.vn