Năng lực sản xuất khẩu trang vải của Việt Nam lớn và đã có một số doanh nghiệp có đơn hàng xuất đi nhiều nước. Tuy nhiên, câu chuyện "đầu ra" của mặt hàng này đang cần sớm giải quyết, để giúp ngành Dệt may duy trì sản xuất trong đại dịch, giảm bớt khó khăn.
Theo Tổng cục Thống kê, sản lượng sản xuất vải của Việt Nam năm 2019 đạt 630 triệu m2 vải dệt từ sợi tự nhiên, 1.2 tỷ m2 vải dệt từ sợi nhân tạo, tổng 2 loại vải đạt 5 triệu m2/ngày.
Nếu tính trung bình 1 m2 sản xuất được 20 khẩu trang vải, thì 1 ngày Việt Nam có thể sản xuất được lượng vải tương đương 100 triệu khẩu trang các loại (giả định toàn bộ vải dùng để may khẩu trang).
Tuy nhiên, lượng vải còn tồn trong thương mại và doanh nghiệp vẫn còn khá lớn, chưa kể nguồn vải từ Trung Quốc đã bắt đầu được nhập về. Do vậy, có thể khẳng định Việt Nam không thiếu vải để may khẩu trang vải.
Theo Bộ Công Thương, số lượng doanh nghiệp dệt may của Việt Nam (tính đến năm 2017) là hơn 3.500 doanh nghiệp dệt và gần 7.000 doanh nghiệp may.
Riêng Tập đoàn Dệt may Việt Nam mỗi tháng có thể sản xuất được 50 triệu khẩu trang vải. Toàn ngành Dệt may Việt Nam có thể sản xuất khoảng 150 - 200 triệu khẩu trang vải/tháng.
Nhận thấy thị trường một số nước Âu - Mỹ đang có nhu cầu nhập khẩu khẩu trang và thiết bị bảo hộ y tế, Vụ thị trường châu Âu - châu Mỹ, Bộ Công Thương đã tổng hợp một số yêu cầu chi tiết sản phẩm mà các nước Âu - Mỹ hiện đang có nhu cầu.
Các doanh nghiệp quan tâm có thể kịp thời liên lạc và cung ứng cho các thị trường đang rất cần các sản phẩm nêu trên, Bộ Công Thương thông tin. Đơn cử, như:
Thị trường Hoa Kỳ: đang có nhu cầu: Khẩu trang N95 là 500 triệu chiếc; Khẩu trang (các loại khác) - 200 triệu; Face Shields - 200 triệu; Máy trợ thở - 1000; IV Pumps - 5000; Găng tay ( các size khác nhau ) - 1 tỷ; Gạc - 20 triệu; Bộ áo choàng y tế - 100 triệu; Bộ áo bảo hộ phòng dịch - 50 triệu chiếc.
Thị trường Tây Ban Nha: Găng tay nitrile có bột hoặc không bột dung trong khám bệnh, phẩu thuật vô trùng – 123 triệu chiếc; Mắt kính bảo hộ - 286 nghìn; Quần áo bảo hộ dung 1 lần và chống thấm – 1,1 triệu (bộ dùng 1 lần) và 780 nghìn (bộ chống thấm); Khẩu trang bảo vệ FFP3 – số lượng tối đa có thể cung ứng...
Được biết, Bộ Công Thương đã vào cuộc, tích cực đẩy mạnh kết nối doanh nghiệp Việt Nam với đối tác nước ngoài và cũng đang chỉ đạo các thương vụ khẩn trương tìm kiếm khách hàng mua sản phẩm khẩu trang vải, khẩu trang vải kháng khuẩn của Việt Nam, góp phần tiêu thụ sản phẩm cho doanh nghiệp dệt may, qua đó hỗ trợ doanh nghiệp giảm bớt thiệt hại do dịch COVID-19 gây ra.