Mái trường không yên tĩnh
Vào cuối năm 2015, một thanh niên tên Lê Thanh Tùng (sinh năm 1996, quê ở TP. Lào Cai), đang theo học tại Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh Hà Nội, đã bị tạt axit vào lúc nửa đêm, ngay gần phòng trọ (phố Mai Dịch, quận Cầu Giấy, Hà Nội). Nguyên nhân được cho là từ một mối tình tay ba.
Trước đó một tháng, tại Thanh Hóa, nữ sinh Nguyễn Thị Trâm (đang theo học tại Trường THPT Vĩnh Lộc, Thanh Hóa) đã bị đánh hội đồng. Video đăng tải trên các trang mạng xã hội cho thấy, có hai nữ sinh cùng lao vào đánh bạn nữ tên Trâm, một người khác bấm điện thoại quay video. Nguyên nhân được cho là do mâu thuẫn trên facebook.
Tháng 6/2015, trên mạng xã hội đã xuất hiện đoạn video các nữ sinh đánh bạn học, sử dụng những ngôn từ chợ búa. Các nữ sinh trong đoạn video được xác định gồm: Lê Thị Thu, Phan Thu Trà, Vương Thị Khánh Huyền, Nguyễn Thị Hiền, Đỗ Thanh Hoài, Đặng Thị Hà,… đều đang theo học tại Trường THCS Uy Nỗ (Đông Anh, Hà Nội). Nguyên nhân được cho là do hiểu lầm trong sinh hoạt, học sinh Phan Thu Trà đã bị các nữ sinh khác dùng tay tát vào mặt, túm tóc, dùng chân đá, đạp vào người. Không chỉ dừng lại ở đó, những ngày sau, nữ sinh Trà vẫn tiếp tục bị uy hiếp.
Bạo lực học đường trở thành nỗi ám ảnh của nhiều học sinh và phụ huynh.
Bạo lực học đường không chỉ dừng lại ở những vụ xích mích, bắt nạt đơn thuần giữa học trò với nhau. Hiện chúng đang biến tướng với muôn hình vạn trạng, với cách hành xử nhuốm màu bạo lực, đậm chất giang hồ. Học trò vô lễ, dám tấn công cả thầy, điển hình là vụ việc học sinh tấn công thầy bị vỡ mũi, xảy ra tại trường Cao đẳng Kỹ thuật - Mỹ nghệ Việt Nam (xã Dương Xá, huyện Gia Lâm, Hà Nội). Trước đó, trong giờ học, thầy giáo H có lên tiếng nhắc nhở và đuổi 2 học sinh ra khỏi lớp. Bị thầy giáo nhắc nhở, họ không tỏ thái độ hối lỗi mà còn lên tiếng cãi lại thầy giáo, sau đó "mai phục" đợi ở cổng trường để chặn đánh thầy giáo.
73% học sinh từng bị bạo lực
Theo kết quả nghiên cứu về bạo lực giới trong trường học của Viện Nghiên cứu y - xã hội học phối hợp với tổ chức từ thiện Plan Việt Nam, thực hiện từ tháng 3 đến 9/2014 với 3.000 HS của 30 trường THCS, THPT ở Hà Nội, khoảng 80% HS cho biết, từ trước đến nay đã bị bạo lực giới (kỳ thị giới tính) trong trường học ít nhất một lần, 71% bị bạo lực trong vòng 6 tháng qua. Trong đó, bạo lực tinh thần (mắng chửi, đe dọa, bắt phạt, đặt điều, sỉ nhục...) chiếm tỷ lệ cao nhất (73%), bạo lực thể chất (tát, đá, xô đẩy, kéo tóc, bạt tai, đánh đập...) chiếm 41%, bạo lực tình dục (tin nhắn với nội dung tình dục, sờ, hôn, hiếp dâm, yêu cầu chạm vào bộ phận sinh dục, lan truyền tin đồn tình dục...) là 19%.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, HS nam ở THCS, THPT phải đối mặt với tần suất khá cao bạo lực thể chất tinh thần. Nữ sinh THPT thường bị xâm hại và quấy rối tình dục, chủ yếu trên đường đi học hay về nhà. Bạo lực thể chất xảy ra với HS cấp THCS (50%) nhiều hơn THPT (25%). Mức độ an toàn ở nhà trường được HS đánh giá rất thấp, chỉ 16% HS nữ và 19% HS nam cho rằng luôn an toàn trong khuôn viên trường học. Nhà vệ sinh được coi là nơi kém an toàn nhất.
Theo điều tra của chuyên gia xã hội học, 80% số vụ xô xát giữa các em HS bắt nguồn từ xích mích, nhưng thay vì tìm cách giảng hòa, các em đã chọn “nắm đấm”, nguy hiểm hơn là dùng hung khí. Nhiều lý do được các cơ quan chức năng, các chuyên gia cùng mổ xẻ: Từ tác động xấu của một xã hội bên ngoài đầy nhiễu nhương tới sự buông lỏng trong quản lý của gia đình; từ ảnh hưởng độc hại của phim ảnh, văn hóa phẩm ngoài luồng đến thiếu hụt những kiến thức kỹ năng sống cần thiết; từ mối liên kết, phối hợp thành thế chân kiềng gia đình - nhà trường - xã hội còn lỏng lẻo...
Nhưng theo, PGS, TS Nguyễn Hồi Loan (Trường ĐH KHXH &NV), có một nguyên nhân khá quan trọng liên quan đến đặc điểm rất dễ rối nhiễu tâm lý lứa tuổi học trò. Do các em đang trong giai đoạn hình thành, phát triển tâm lý và thể chất nên luôn hiếu động, tìm mọi cách thể hiện cái tôi bản thân. Và, khi phải chịu nhiều áp lực căng thẳng, gây nên những rắc rối trong đời sống tâm lý, nếu không nhận được sự khuyên bảo, chỉnh đốn kịp thời, các em dễ rơi vào những hành động quá khích, khó bề kiểm soát.