28 năm áp mặt vào đùi, người đàn ông được tháo cột sống rồi ghép lại thành công
Gần đây nhất là câu chuyện của ông Li Hua, 46 tuổi, đến từ Hồ Nam, Trung Quốc, đã sống với tư thế áp mặt vào đùi trong 28 năm. Được biết, vào năm 1991, khi lên 18 tuổi, ông được chẩn đoán mắc bệnh viêm cột sống dính khớp (AS).Tình trạng của ông Hua trở nên tồi tệ hơn trong 5 năm qua. Ông chỉ cao 90cm (2.9ft) vì cột sống bị cong nghiêm trọng.
Vào năm 2018, khi tới bệnh viện địa phương để điều trị, sau khi nghe tư vấn và biết được những rủi ro phải chịu, Li Hua đã từ chối tiến hành phẫu thuật. Li Hua lúc này đã đầu hàng số phận. Tuy nhiên sau một lần tình cờ gặp Giáo sư Tao Huiren - một chuyên gia trong lĩnh vực phẫu thuật cột sống và chỉnh hình tại Thâm Quyến với nhiều kinh nghiệm điều trị căn bệnh viêm cột sống dính khớp, đã chấp nhận thử thách điều trị cho ông Hua.
Ông cũng tiết lộ, với tình trạng của Li Hua nếu không được phẫu thuật sớm, tư thế gập người này sẽ gây ra nhiều nguy hiểm vì tạo nhiều áp lực lên tim và phổi. "Lựa chọn duy nhất của chúng tôi là bẻ xương một phần - xương đùi, đốt sống cổ, đốt sống ngực, đốt sống thắt lưng - và sau đó duỗi thẳng toàn bộ cột sống", Giáo sư Huiren nói, "Rủi ro liên quan cao gấp 20 đến 30 lần so với một bệnh nhân phẫu thuật cột sống thông thường, và khả năng anh ấy bị liệt cũng rất cao".
Cuộc phẫu thuật diễn ra trong thời gian rất dài và thành công ngoài mong đợi. Bây giờ Hua có thể di chuyển xung quanh với sự giúp đỡ của người khác, anh ấy sẽ hoạt động bình thường sau 2 - 3 tháng tập vật lý trị liệu. Bệnh viện mô tả trường hợp của ông Hua là cuộc phẫu thuật khó như leo lên đỉnh Everest. Đây là lần đầu tiên biến dạng cột sống nghiêm trọng như vậy được điều trị ở Trung Quốc.
Vẫn sống khỏe dù mất nửa hộp sọ
Tháng 6 vừa qua, Jennifer Beaver bị ngã văng ra khỏi chiếc xe chơi golf và đập đầu xuống đất. Đầu cô bị dập nát một mảng lớp khiến các bác sĩ buộc phải cắt bỏ một nửa hộp sọ của cô để giảm bớt áp lực ở não, tính mạng rất mong manh.
Bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình Colin Looney, người đã phẩu thuật chân tay bị gãy của Jen, cũng là bạn của chồng cô - Bill: "Trước đó tôi đã từng mổ cho nhiều bạn bè và hàng xóm của mình, nhưng đây là lần đầu tiên tôi phẫu thuật cho một người bạn đang sắp chết," ông nhớ lại. "Nói chuyện với Bill ngay sau đó, tôi đã cố gắng tỏ ra lạc quan, nhưng tôi thấy có rất ít bệnh nhân sống được sau một chấn thương sọ não nặng như vậy, và tôi biết chắc điều đó thể hiện trên khuôn mặt của mình".
Bill nhớ lại. "Một phút trước đó chúng tôi còn đang có ngày đẹp nhất, thế mà ngay sau đó, tất cả các bác sĩ đều nói là họ sẽ làm hết những gì có thể, tôi chỉ muốn nắm lấy tay cô ấy và làm cho mọi việc tốt hơn. Tôi không thể nghĩ rằng cô ấy sẽ không bao giờ trở về nhà nữa. "
Nhưng cô ấy đã trở về nhà. Sau khi được đưa ra khỏi trạng thái hôn mê nhờ thuốc, Jen dần dần được cải thiện. BS Looney kể lại: "Mỗi khi khám cho cô ấy, tôi đều thấy xúc động khi thấy cô ấy cải thiện vượt xa hy vọng của bât cứ ai".
Cậu bé hồi phục kỳ diệu sau 2 năm hôn mê vì viêm não Nhật Bản
Ngồi bên cậu con trai Bùi Ngọc Thạch (SN 2004) (Đông Bắc, huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình). Ông Diệc nhớ như in, đó là ngày 8/10/2017, trở về nhà sau trận bóng với chúng bạn, cậu con trai của ông than đầu đau như búa bổ dù cơ thể chỉ hâm hấp sốt. Và chỉ ít giờ sau thì có dấu hiệu cứng gáy, cứng tay chân, bàn tay quắp lại nên gia đình vội vã đưa Thạch vào cấp cứu tại bệnh viện huyện.
"Tại đây, Thạch bắt đầu rơi dần vào tình trạng mất phản xạ, các bác sĩ nghi ngờ con mắc viêm não nên quyết định cho chuyển xuống BV Đa khoa tỉnh Hòa Bình, tiên lượng xấu nên các bác sĩ nhanh chóng chuyển con về BV Nhi T.Ư. Với kết quả từ chọc tủy, con được chẩn đoán viêm não do nhiễm virus viêm não Nhật Bản và rơi vào hôn mê từ đó", ông Diệc kể lại.
Ngày gia đình chính thức nhận thông tin Thạch mắc viêm não Nhật Bản hôn mê sâu, sống dựa hoàn toàn vào máy móc hỗ trợ y tế, ai cũng xác định tinh thần với tình huống xấu nhất đến với Thạch.
Khi nói về trường hợp của Thạch, BS. Hoàng Công Tình, Trưởng khoa Hồi sức tích cực, BV Đa khoa tỉnh Hòa Bình thốt lên: "Sự hồi tỉnh, đáp ứng phản xạ sau quãng dài gần 2 năm hôn mê của Thạch là điều vô cùng kỳ diệu, hiếm gặp. Ở khoa này, Thạch là bệnh nhân nằm điều trị lâu nhất. Khi tiếp nhận, Thạch sống thực vật, dù hệ thần kinh bị tổn thương nhưng các chức năng tim, phổi, thận bình thường… điều này cho thấy còn hi vọng dù rất nhỏ nhoi".
"Có đôi lần sức khỏe của Thạch xấu đi, tri giác bất động, không đóng mở mắt, đến các bác sĩ điều trị cũng bi quan. Và điều lo lắng nhất với bệnh nhân nằm điều trị dài ngày như Thạch chính là tình trạng nhiễm khuẩn bệnh viện, viêm phổi, loét cơ thể do tỳ đè nhiều. Nhưng đến thời điểm này, những lo lắng đó Thạch đã vượt qua một cách ngoạn mục", BS. Tình cho hay.
Cách đây 3 tuần, Thạch đã có những dấu hiệu khả quan đầu tiên dù rất nhỏ, ánh mắt bớt vô hồn… Và cách đây ít ngày Thạch đã cười, ánh mắt linh hoạt hơn, đôi bàn chân khẽ động đậy và Thạch biết lưu luyến khi bạn thân đến thăm phải chia tay ra về…
Đây chỉ là một vài ví dụ trong vô số rất nhiều trường hợp bệnh nhân mắc bệnh kỳ lạ nhưng vẫn có thể phục hồi như một kỳ tích. Đây chính là niềm tin cho bác sĩ, người nhà và bản thân bệnh nhân có thể vượt qua tất cả để vươn lên chính mình.