Ướp thức ăn với nước xốt hợp khẩu vị
Khi cảm thấy thức ăn quá nhạt, hãy ướp thịt cá với nhiều gia vị hoặc nước xốt hơn nếu bệnh nhân không bị đau miệng. Ví dụ, ướp thịt trong nước ép trái cây (thường dùng nước cam), rượu vang ngọt hoặc nước xốt khác. Các loại nước xốt pha sẵn của Hàn Quốc hoặc Nhật Bản cũng rất hợp với gu Việt Nam hoặc bạn tự làm các loại nước xốt khác nhau và trữ trong tủ lạnh dùng dần.
Nếu bệnh nhân có thể ăn thức ăn nhạt và duy trì cân nặng thì nên ăn ít muối. Nhưng nếu người bệnh bị sụt cân thì việc bổ sung dinh dưỡng lúc này quan trọng hơn chế độ ăn ít muối lành mạnh.
Tương tự, bạn có thể áp dụng nguyên tắc này cho việc ăn thịt đỏ. Bạn vẫn có thể đưa thịt đỏ vào chế độ dinh dưỡng cho người bệnh vì thịt bò/heo nạc là nguồn bổ sung sắt, kẽm, vitamin B12 và protein đáng kể. Tuy nhiên, nên hạn chế ăn trong lượng cho phép (455 gam thịt đỏ nấu chín mỗi tuần, tương đương với 700 gam thịt sống) vì lượng chất béo bão hòa cao trong thịt đỏ không tốt cho hệ tim mạch cho cả người khỏe mạnh và người bệnh.
Đặc biệt nên tránh ăn các loại thịt đỏ chế biến sẵn vì chúng thường chứa nitrate (được biết có thể gây ung thư) và thường chứa nhiều chất béo bão hòa (vì mỡ làm thịt mềm và vị hấp dẫn hơn). Bạn cũng nên hạn chế ăn các loại thức ăn nhanh như hamburger vì chúng cũng thường chứa nhiều chất béo bão hòa.
Tô điểm bữa ăn bằng đủ loại rau củ nhiều màu
Nếu bệnh nhân cảm thấy thức ăn có mùi vị khó chịu hoặc nhạt nhẽo, hãy thử thêm các loại rau thơm, tiêu, hành ngò, thì là... Bạn cũng có thể mua thử những gia vị khô cho các món Tây hiện đã có bán tại Việt Nam, ví dụ: Lá nguyệt quế Hy lạp (bay leaf), cỏ xạ hương (thyme), kinh giới (oregano), hương thảo (rosemary), ngò tây (còn gọi là mùi tây – parsley), kinh giới Tây (marjoram), xô thơm (sage)... Thêm vào các món thịt (lúc ướp hoặc ngay trước khi nấu xong) hoặc vào các món xào sẽ tạo thêm hương vị mới lạ và hấp dẫn cho món ăn. Tuy nhiên, do chúng có hương khá nồng nên bạn cần thử nhiều loại để xem người bệnh ưa chuộng mùi vị nào.
Với các món xào, hãy thử xào cùng lúc nhiều loại rau củ nhiều màu để làm món ăn thêm hấp dẫn. Vắt chanh vào món xào trước khi tắt bếp, nhất là khi món xào được nêm vị mặn ngọt, bạn sẽ ngạc nhiên vì hương vị dễ chịu món chanh tạo ra cho thực phẩm.
Nếu bệnh nhân cảm thấy thực phẩm quá ngọt, bạn có thể thử thêm vị mặn, chua hoặc đắng vào để cải thiện, ví dụ pha nước chanh vào nước trái cây, hoặc thêm cà phê vào bánh ngọt làm tại nhà.
Nếu bệnh nhân cảm thấy thức ăn quá mặn, hãy giảm lượng muối hoặc thêm những món có vị ngọt vào như mật ong (phải dùng loại đã qua thanh trùng), nước trái cây hoặc gia vị như quế.
Một số công thức nấu ăn đơn giản giúp hỗ trợ khẩu vị
- Thức uống lạnh có bổ sung dinh dưỡng: Bạn có thể pha chế để uống trực tiếp hoặc bỏ vào những khay đá hoặc bộ dụng cụ làm kem tại nhà để hỗ trợ khẩu vị trước bữa ăn cho bệnh nhân thay vì ngậm kẹo ngọt không đường.
- Sinh tố trái cây có bổ sung yaourt: Một công thức rất dễ thành công là xay mịn hỗn hợp sữa tươi (sữa bò thanh trùng, tiệt trùng hoặc các sữa hạt như sữa hạt hạnh nhân), yaourt (loại yaourt Hy Lạp có nhiều protein hoặc bất kỳ loại yaourt bạn yêu thích), chuối, dâu Tây, sữa đặc hoặc syrup từ cây phong (để tạo ngọt). Có thể thêm vào vài lá bạc hà cho những bệnh nhân bị nhạt miệng.
- Lassi xoài: Đây là một loại thức uống của Ấn Độ được thực khách quốc tế từ Á sang Âu ưa chuộng. Bạn chỉ việc trộn sữa, yaourt không béo, xoài chín, đường hoặc sữa đặc, đá viên vào xay chung với nhau sẽ có một loại sinh tố rất dễ uống, nhất là vào những ngày hè.
- Salad trái cây (fruit salad): Món ăn rất đơn giản – bạn chỉ cần cắt nhỏ (kích thước 1-1,5cm) các loại trái cây có sẵn rồi vắt nước cam hoặc quýt vào, trộn đều và giữ lạnh trước khi ăn. Các loại trái cây rất thích hợp để làm salad trái cây gồm: Nho, xoài chín, kiwi, nam việt quất (blueberry), dây Tây, dưa lưới vàng (rockmelon), dưa hấu, kế đến là thơm, táo gọt vỏ, lê gọt vỏ. Hoặc tách múi cam quýt, bỏ tất cả xơ, bổ sung vào salad (vẫn nên vắt một ít nước cam vào), món ăn sẽ hấp dẫn hơn nhiều. Chuối cũng có thể được thêm vào salad nhưng dễ bị dập khi trộn nên nhìn không được hấp dẫn lắm. Ngoài ra, bạn có thể thử nghiệm với các loại trái cây khác để chọn ra công thức cho riêng mình.
- Nước xúp (nước hầm xương): Nếu người bệnh có thể uống nước xúp để bổ sung dinh dưỡng, bạn có thể hầm xương (gà, heo, bò, thậm chí cá) rồi dùng nước hầm để nấu mọi loại canh rau thay vì chỉ dùng ít tôm khô như cách nấu thông thường. Đây là một trong các biện pháp để bổ sung protein cho bệnh nhân ung thư (ví dụ một chén nước hầm xương có thể chứa 1-10 gam protein, so với một cốc sữa có chứa khoảng 8 gam protein).
Rửa xương rồi cho vào nồi nước hầm trong khoảng 2-5 tiếng (xương heo và bò có thể hầm đến 8-10 tiếng). Khoảng 45 phút trước khi tắt bếp, có thể thêm vài loại rau củ để tạo hương và làm ngọt nước.
Một bộ ba gia vị thường được thêm vào nồi nước hầm, gọi là mirepoix (đọc là mia-rơ-poa) gồm cà rốt, cần Tây (celery) và củ hành trắng cắt nhỏ khoảng 1-1,5cm.
Ngoài ra, một bộ ba gia vị khác có tác dụng "siêu mạnh" đẩy lùi mùi hôi của xương, cho bạn một nồi nước lèo thơm phức gồm: 3-4 nhánh lá nguyệt quế Hy Lạp (gọi là bay leaf, có bán tại Việt Nam), một muỗng cà phê tiêu và một muỗng cà phê hột ngò (cho một nồi súp khoảng 4 lít nước). Thêm bộ gia vị này vào các loại nước lèo hoặc xúp nấu với xương sẽ tạo ra món ăn thơm phức dễ chịu, có thể giúp người bệnh ăn dễ hơn.
Nếu bạn mua trực tiếp các loại nước hầm xương đóng hộp (không phải hạt nêm), hãy đọc kỹ nhãn thực phẩm để xem thành phần protein của chúng trước khi chọn mua.