.
Những nội dung được thảo luận tại Hội nghị Trung ương 11, khóa XI, đặc biệt là bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được dư luận quan tâm. Ông Phạm Thế Duyệt, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho biết, ông theo dõi rất kỹ những nội dung được thảo luận tại Hội nghị trên VOV và các phương tiện truyền thông. Ông Phạm Thế Duyệt đã dành cho VOV.VN cuộc phỏng vấn liên quan đến vấn đề này.
Chọn đúng cán bộ, Nghị quyết của Đảng sẽ đi vào cuộc sống
PV: Tại Hội nghị, Tổng Bí thư có đề cập đến nhiều vấn đề quan trọng, trong đó có công tác chuẩn bị nhân sự cho Trung ương khóa tới. Xin ông cho biết, ông quan tâm đến những nội dung này như thế nào?
Ông Phạm Thế Duyệt: Tôi cho rằng đây là một sự chuẩn bị rất có trách nhiệm của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI đối với việc chuẩn bị nhân sự cho khóa XII.
Những vấn đề nêu ra khá sâu sắc và thẳng thắn, đúng với những gì mọi người quan tâm. Nhân sự Đại hội nào cũng quan trọng, nhưng Đại hội này đặt kỹ như vậy, tôi cho là rất cần thiết, để tạo một sự nhận thức toàn diện trọng toàn Đảng, toàn dân, trong hệ thống cán bộ, góp sức vào thực hiện tốt nhiệm vụ chuẩn bị cho Đại hội Đảng XII.
Vấn đề nhân sự là vấn đề thiết yếu, ai cũng quan tâm lúc này. Các vấn đề khác như về Báo cáo chính trị, Điều lệ… cũng cần có bổ sung làm rõ hơn, nhưng chắc chắn không có vấn đề gì lớn. Năm ngoái, chúng ta đã thảo luận toàn dân, toàn Đảng khá kỹ về Hiến pháp. Năm nay, Đảng đã cụ thể bằng những Nghị quyết lớn. Vấn đề mà Tổng Bí thư nhấn mạnh trong cả phiên khai mạc và bế mạc hết sức hệ trọng và thiết thực, nhưng tôi cũng như nhiều người mong là làm thật tốt vấn đề nhân sự. Các vấn đề khác cũng quan trọng, nhưng quan trọng nhất vẫn là việc Trung ương lựa chọn được nhân sự xứng đáng.
Tôi nói một cách thẳng thắn, chân thành rằng, chưa bao giờ, chưa lúc nào người dân quan tâm đến bộ máy lãnh đạo của Trung ương như bây giờ. Bởi vì đường lối chính trị đúng đến mấy, nhưng cũng phải qua sự thực thi của hệ thống cán bộ, những người có trách nhiệm. Điều này quyết định tất cả. Cho nên, nếu chọn đúng cán bộ, nghĩa là Nghị quyết của Đảng sẽ đi vào cuộc sống, đường lối của Đảng sẽ được giữ vững, vai trò lãnh đạo của Đảng sẽ được xác định và Đảng tiếp tục được nhân dân tin cậy.
PV: Thưa ông, trong phát biểu bế mạc, Tổng Bí thư cũng có nhấn mạnh đến tiêu chí lựa chọn nhân sự cho khóa tới. Ông đánh giá gì về tiêu chuẩn cần thiết đối với người cán bộ lãnh đạo trong BCH Trung ương, Bộ Chính trị và Ban Bí thư mà Tổng Bí thư đã nêu ra?
Ông Phạm Thế Duyệt: Tôi cũng như nhiều người băn khoăn lo lắng làm thế nào để thực hiện được chủ trương về vấn đề nhân sự cho Đại hội. Bài kết luận của Tổng Bí thư đã nêu đầy đủ. Nếu tôi có ý kiến cũng chỉ là quan tâm hơn về cách làm. Các tiêu chuẩn, phương pháp Tổng Bí thư nêu lên như thế là được. Nhưng quan trọng là làm thế nào cho được. Ngay các cuộc tiếp xúc cử tri của Tổng Bí thư và của các lãnh đạo khác, cử tri đều quan tâm vấn đề này và mong mỏi làm cho được.
Với suy nghĩ của mình, tôi cho rằng muốn làm được vấn đề nhân sự tốt, điều cốt yếu là Trung ương đã thống nhất nhận thức rồi thì Trung ương hãy sáng suốt, chân thành, phát huy trách nhiệm, trí tuệ cao, tạo sự thống nhất trong Trung ương nói chung, Bộ Chính trị nói riêng về vấn đề lựa chọn nhân sự.
Người có trách nhiệm lớn nhất lúc này là Tổng Bí thư, Ban Tổ chức Trung ương, Đây là cá nhân, tổ chức có trách nhiệm cao nhất trong việc chuẩn bị nhân sự cho Bộ Chính trị. Tôi muốn nhấn mạnh điều này, bởi bản thân các đồng chí không phải vấn đề gì cũng biết hết, nhưng phải biết làm sao tập hợp được ý kiến, nguyện vọng, tiếng nói, góp ý, đề xuất, tất cả các mặt trái, phải của tất cả các cá nhân, những người sẽ tham gia cơ quan lãnh đạo của Đảng, vào Trung ương nói chung, vào Bộ Chính trị, Ban Bí thư nói riêng.
Hai chủ thể này mà làm chưa đầy đủ trách nhiệm, không dám kiên định, dứt khoát, không đi vào cụ thể thì khó thực hiện được những tiêu chuẩn, mục đích Hội nghị đề ra.
Những người có ý thức đúng đắn thì ít khi chạy vạy, xun xoe
PV: Tổng Bí thư đã đề cập rất rõ những tiêu chí lựa chọn nhân sự, trong đó nhấn mạnh nội dung kiên quyết không để lọt vào Trung ương những người có một trong các khuyết điểm như tham vọng quyền lực, tham nhũng, có biểu hiện cơ hội chính trị… Vậy theo ông, làm thế nào để thực hiện hiệu quả yêu cầu của Tổng Bí thư?
Ông Phạm Thế Duyệt: Theo tôi, về phương pháp, phải làm thế nào tạo được sự dân chủ, đồng thuận, ý thức trách nhiệm cao trong phê bình và tự phê bình trước khi lựa chọn những đồng chí cũ ở lại, đồng thời với việc xem xét, cân nhắc những đồng chí chuẩn bị để đưa vào Trung ương.
So sánh thì hơi khập khiễng, trước đây chúng tôi có lúc cũng rất gay gắt, đấu tranh đâu ra đấy, làm việc rõ ràng, tạo sự đồng bộ thống nhất cao. Hiếm khi nào trục trặc, ít khi có phê bình, tự phê bình không thẳng thắn, rõ ràng. Vì thế, chỉ có dân chủ mới tạo được đồng thuận, chỉ có đồng thuận mới tạo được sự đoàn kết để lựa chọn, xem xét.
Đối với vấn đề nhân sự đúng là khó, nhưng với hơn 160 đồng chí chính thức và các đồng chí dự khuyết cùng với 4-5 lớp nguồn, tôi thấy đó là sự chuẩn bị dày công và là cơ sở để lựa chọn được một Ban Chấp hành Trung ương xứng đáng. Tôi nghĩ chỉ khó là cách làm, cách lựa chọn, chứ đội ngũ cán bộ đó có rất nhiều người có bản lĩnh, dám nghĩ, dám làm, có kiến thức và dám chịu trách nhiệm. Những người có ý thức đúng đắn thì ít khi chạy vạy, xun xoe. Họ vì công việc, lăn lộn với công việc, thẳng thắn trước tập thể. Lúc này chọn người làm, chọn người hành động là quan trọng.
Con người thì không thể toàn vẹn được, nhưng bao giờ cũng phải biết lựa chọn những người toàn tâm toàn ý, kiên quyết hành động, hành động có ý thức trách nhiệm, có tính Đảng, có trách nhiệm với dân, biết phát huy dân chủ trong nội bộ cơ quan, nội bộ tổ chức của Ban Chấp hành Trung ương, của Bộ Chính trị, trong nội bộ các đồng chí lãnh đạo các thế hệ, trong hệ thống tổ chức cấp trên và cấp dưới. Làm thế nào để những ý kiến đúng đắn đều được lắng nghe, chứ không chỉ những ý kiến xuôi chiều.
Về trách nhiệm lựa chọn Trung ương, giới thiệu vào Bộ Chính trị, tôi muốn đề xuất đối với cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã, ngoài người đứng đầu tổ chức chịu trách nhiệm, còn có tổ chức, cá nhân cấp trên chịu trách nhiệm. Chẳng hạn, người theo dõi nhân sự của tỉnh nào, họ phải có trách nhiệm về việc theo dõi nhân sự được giới thiệu và Trung ương và Bộ Chính trị trước toàn Đảng. Nếu chọn sai, thì tổ chức, cá nhân theo dõi, kể cả khi đã nghỉ hưu vẫn phải chịu trách nhiệm về nhân sự ấy. Như thế công tác nhân sự mới nghiêm, không đi vào con đường chạy chọt, đổ trách nhiệm cho dưới.
Tôi cũng mong cố gắng chăm lo đào tạo cho lớp trẻ. Phải làm sao có ít nhất 25% ở độ tuổi dưới 50 vào Bộ Chính trị, chứ đừng tất cả xấp xỉ 60 tuổi thì khóa sau công tác nhân sự lại khó khăn. Làm để lo cho cả Đại hội XIII, XIV vững như bàn thạch. Khi đã có những đồng chí trẻ, đủ tiêu chuẩn thì các đồng chí lớn tuổi nên nhường, vun thu cho anh em. Tôi tin làm được việc này, chắc chắn sẽ có hữu ích cho việc chuẩn bị nhân sự.
Trước khi chọn ai vào Trung ương, phải nghĩ phân công họ làm gì
PV: Thưa ông, trước kia vẫn có việc phân công lãnh đạo ở trong cấp ủy thì có thể phụ trách bất cứ mảng công việc nào, có thể không phải là thế mạnh của họ. Trong tình hình hiện nay, ông có ủng hộ quan điểm này?
Ông Phạm Thế Duyệt: Tôi thấy phải loại bỏ quan điểm cứ vào cấp ủy thì làm việc gì cũng được, phân công gì cũng được. Nếu không bỏ nhận thức này thì rất tai hại, hết sức phải tránh, không thể như trước được.
Trước kia, kháng chiến chống Mỹ, chống Pháp khác và trong giai đoạn đầu đổi mới khác. Còn đến giờ phải khác, nếu không chọn được những con người hành động, cứ nghĩ trong cấp Ủy thì phân công làm Bộ trưởng nào cũng được, phân công gì cũng được thì rất nguy hại. Mà nhất thiết những người khi được chọn vào Trung ương, cần phải nghĩ đến phân công họ làm gì, có xứng đáng, có đủ tầm không. Họ có gánh vác được công việc không?.
Đối với cơ quan lãnh đạo của Bộ Chính trị, bây giờ các đồng chí kinh qua công việc khá dày dạn, nhưng chính là phải chọn được người đứng đầu có khả năng tập hợp được, đoàn kết được Trung ương, nêu gương sáng cho được các cấp ủy, cho toàn Đảng, để ai cũng tin cậy. Đó mới là điều khó.
PV: Trong Hội nghị Trung ương lần này, Tổng Bí thư cũng nhấn mạnh đến nguyên tắc tự phê bình và phê bình, nguyên tắc dân chủ trong đánh giá, sử dụng cán bộ. Theo ông, các vấn đề này quan trọng như thế nào trong việc lựa chọn nhân sự trong bối cảnh hiện nay?
Ông Phạm Thế Duyệt: Phê bình và tự phê bình là vấn đề rất quan trọng. Có phê bình và tự phê bình mới thấy được ai có lợi ích nhóm hay không? Ai có tham nhũng hay không? Ai có giành quyền hành cho cá nhân, gia đình, vợ con hay không? Ai có mối quan hệ gần gũi dân hay không, hay chỉ theo kiểu hình thức hành chính? Ai được anh em ở cơ quan yêu mến, tin cậy, đánh giá đúng? Và cố gắng lắng nghe các đồng chí đã về hưu hiểu biết, để xem tiếng nói của họ như thế nào?
Rút kinh nghiệm từ tôi trước đây làm Bí thư Hà Nội 2 khóa và có thời gian ở Trung ương, phải kiên định, thẳng thắn thì mới làm rõ được những đúng sai. Có cán bộ vẫn được bố trí, vẫn vào cấp ủy nhưng phải biết những khuyết điểm của mình, như thế mới có thể khắc phục được bản thân, đúng với những điều dân mong.
Phương pháp làm đừng gò bó, đưa vào khuôn mà phải tạo được sự phấn chấn, dân chủ, cởi mở. Thậm chí bỏ phiếu tín nhiệm không cần ký tên, phải giao cho những người có trách nhiệm làm việc này, còn lãnh đạo không nên can thiệp vào. Như thế sẽ tạo ra được sự phấn chấn, tin cậy. Nhưng cũng không có nghĩa là dân chủ một cách bừa bãi, mà dân chủ có lãnh đạo, xem góp ý có đúng không, chứ không phải là chỗ của những kẻ chống đối hạ uy tín của Đảng.
Tôi cho rằng vấn đề nhân sự rất đáng quan tâm. Tôi nói với trách nhiệm của mình, của người đã từng trong cuộc, là người hiện nay vẫn phải có trách nhiệm cao trước Đảng, trước dân.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông./.