Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Những cảnh đời nơi nhà xác bệnh viện

Cầm bộ quần áo đã nhạt màu, người mẹ khóc nức nở, mong nhân viên nhà tang lễ mặc hộ cho con trai, trước khi đưa vào quan tài đem về quê an táng.

 

Hơn một tháng trời đôn đáo tìm tung tích đứa con trai 36 tuổi, người mẹ tại Củ Chi, TP Hồ Chí Minh, ngất xỉu khi nghe tin thi hài của con đang được bảo quản tại nhà vĩnh biệt Bệnh viện Chợ Rẫy. Cậu con này mải mê rượu chè, thường bỏ đi lang thang ít khi về nhà, không rõ sống chết nên việc tìm kiếm của gia đình và công an gặp nhiều khó khăn. Tại hành lang nhà chờ, mấy mẹ con thất thần đứng đợi làm xong thủ tục cần thiết để đưa về lo hậu sự. Nén chịu tang thương khắc khổ, họ cùng an ủi nhau vì dẫu gì cũng thỏa nguyện tìm được thi thể người đã khuất.

“Những trường hợp người mất vô danh, không có thân nhân bên cạnh nhiều lắm. Hiện có 3 thi hài bảo quản đã cả tháng rồi, báo lên công an truy tìm tung tích nhưng vẫn chưa có ai đến nhận”, ông Nguyễn Văn Tám hướng ánh mắt về nơi chứa tử thi vắng lặng thoảng mùi nhang khói. Nơi đây có 2 tủ bảo quản tử thi gồm 6 hộc lạnh. Những tử thi vô danh được trình báo cơ quan chức năng, báo chí... truy tìm tung tích và sẽ được hỏa táng trong vòng 3 tháng.

 

Thi hài người mất được đưa từ lầu bệnh xuống xe cứu thương rồi chuyển về nhà vĩnh biệt. Ảnh: Lê Phương.

Không như những nơi khác, nhà vĩnh biệt Bệnh viện Chợ Rẫy nằm biệt lập ngoài khuôn viên bệnh viện, cách cổng chính khoảng vài trăm mét trên đường Thuận Kiều, quận 5. Từ vài năm nay, nhà vĩnh biệt được xây thêm các hồ cá, chăm chút trồng hoa, cây xanh để làm dịu bớt không gian vốn luôn tạo cảm giác thê lương ảm đạm. Tại đây có 6 nhân viên làm công việc tiếp nhận, bảo quản, phụ mổ... tử thi, chia làm 3 ca trực 24/24. 

Bác sĩ chuyên khoa 2 Hoàng Văn Thịnh, Trưởng Khoa Giải phẫu bệnh Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, khi nhận được thông tin có người tử vong tại các lầu bệnh, dù nắng hay mưa, ngày hay đêm thì hai nhân viên trong kíp trực cũng phải nhanh chóng có mặt để tiến hành các công việc theo đúng quy trình. Họ được trang bị quần áo, dụng cụ bảo hộ. Thi thể sau khi vệ sinh, quấn liệm sẽ được đẩy băng ca phủ kín vải trắng từ lầu bệnh xuống dưới, đưa ra xe đợi sẵn ở cổng sau để chuyển về nhà vĩnh biệt. Thi hài được đưa vào hộc lạnh để bảo quản trong điều kiện nhiệt độ âm. Sau đó tùy từng trường hợp sẽ bàn giao cho người nhà mang về an táng hoặc chờ cơ quan chức năng đến giải quyết, giám định pháp y theo yêu cầu của công an. 

Gắn bó với công việc “làm yên lòng người chết” gần 20 năm nay, ông Nguyễn Văn Tám cảm thấy cách suy nghĩ, quan niệm về cuộc sống của mình thay đổi rất nhiều. Vượt qua những nỗi sợ ban đầu, tiếp xúc với cái chết hàng ngày, ông nhận ra sinh tử đường đời cũng chỉ mong manh trong nháy mắt. Nhiều người vì chút giận hờn gây gổ đã không kiềm chế được để rồi phải dẫn đến mất mát đau lòng.

"Khi sống bất chấp tranh đấu hơn thua cách mấy, giàu nghèo bao nhiêu thì lúc chết cũng xuôi tay không mang theo được gì. Làm nghề này riết rồi thấy cái tính mình đằm lại, luôn tự nhủ phải cố gắng sống nhẹ nhàng, đừng làm gì để thẹn với lương tâm", người đàn ông 57 tuổi trải lòng. Nhiều lúc gia đình người ta vì không hiểu chuyện, bức xúc to tiếng ông vẫn ôn tồn giải thích. Không ít lúc bị nói những lời nặng nề khó nghe, ông tự đặt mình trong hoàn cảnh đau lòng của người mất người thân để bình tĩnh chia sẻ.

Những hồ cá được đặt trong khuôn viên nhà vĩnh biệt để làm dịu bớt không gian vốn luôn tạo cảm giác thê lương ảm đạm. Ảnh: Lê Phương.

Đến với công việc như một lẽ mưu sinh, những nhân viên như ông Tám cứ thế gắn bó rồi nhận ra mình yêu mến nghề này tự bao giờ. Dù đặc thù vất vả nhưng hầu hết mọi người làm việc đến lúc lớn tuổi về hưu chứ ít ai thay đổi, bỏ dở giữa chừng. "Mỗi lần nhìn người đã khuất được tự tay mình vệ sinh sạch sẽ, trang điểm chỉn chu nằm đó mình cảm giác nhẹ nhàng, thanh thản vô cùng", ông Tám chia sẻ.

Mỗi cái chết là một câu chuyện, số phận thương tâm, éo le. Dẫu quen với sinh tử biệt ly nhưng có những cảnh đời mãi ám ảnh các nhân viên nhà đại thể. Đó là những người tai nạn giao thông, bị đâm chém không qua khỏi với thân thể không còn nguyên vẹn. Đó là những bệnh nhân phỏng không thể chiến thắng tử thần với nhiều phần cơ thể cháy đen, rất khó để có thể trang điểm. Có những người nổi tiếng, những vụ án với cái chết gây rúng động cộng đồng. Và có cả trường hợp người nhà từ xa xôi tới thấy xác con chết vì AIDS do nghiện ngập nhìn khô đen nên sợ hãi trốn luôn không dám nhận...

Trời Sài Gòn oi ả trong những ngày gắt nắng. Cuốn sổ ghi chép tử thi ngày càng nối dài. Xen quãng giữa câu chuyện nghề nghiệp đặc thù của những nhân viên nhà đại thể vẫn là tiếng nấc ai oán của người mẹ già mới tìm được thi thể con. Ở một góc khác trong khuôn viên nhà tang lễ, cạnh khu cây trái xanh mướt, nhóm thân nhân từ quê nghèo miền Tây đang hoàn tất các thủ tục để đưa thi thể người nhà qua đời vì tai nạn về quê với một phần hỗ trợ chi phí quan tài, vận chuyển từ bệnh viện do hoàn cảnh khó khăn.