Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

  2. Kinh tế

Những “cánh đồng vàng” tiền tỷ

Đất đai chật hẹp, nhưng nhờ biết liên kết mở rộng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP mà nhiều nông dân chân lấm tay bùn đã làm nên những “cánh đồng vàng” có quy mô lớn, thu về tiền tỷ- điển hình cho mô hình sản xuất kinh doanh giỏi của các tỉnh Hưng Yên, Thái Bình…

 

Đưa nhãn Miền Thiết, chuối 3T đi tây…

Đến xã Hàm Tử, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên hỏi thăm về trang trại nhãn mang tên “Miền Thiết” (nhãn chín muộn Miền Thiết) của anh Nguyễn  Văn Thế, người dân ở đây hầu như ai cũng biết. Dẫn chúng tôi vào khu trang trại rộng 4ha chỉ chuyên trồng nhãn Miền Thiết, anh Thế cho biết, ngoài cây nhãn Tổ vẫn được gia đình trồng và chăm sóc chu đáo đặc biệt, toàn bộ nhãn trong vườn đều được sản xuất sạch theo tiêu chuẩn VietGAP từ năm 2014. Năm ngoái, 1,5 tấn nhãn Miền Thiết theo tiêu chuẩn VietGAP đầu tiên của anh và của 142 hộ liên kết trồng giống nhãn của gia đình anh đã được đưa sang Mỹ để giới thiệu và được bán với giá 16 USD/kg.

Mô hình trồng chuối của anh Phạm Năng Thành ở Khoái Châu, Hưng Yên mang lại hiệu quả kinh tế cao.


“Năm nay, chúng tôi đã vận động bà con sản xuất theo chuỗi với sản lượng 100 tấn dự định sẽ xuất khẩu sang Mỹ. Chúng tôi đã vận động bà con thành lập tổ hợp tác gồm 200 thành viên (chiếm 2/3 diện tích nhãn của xã) để cùng sản xuất theo tiêu chuẩn, giúp tiêu thụ sản phẩm tới đây một cách thuận lợi” - anh Thế nói.

Ngoài 2 mô hình trang trại nhãn Miền Thiết liên kết tại tỉnh Hưng Yên năm nay, anh Thế đã mở rộng liên kết thêm 2 mô hình với nông dân tỉnh Sơn La (tại Mộc Châu) trồng giống nhãn này. “Tôi đã phải vận động bà con rất nhiều để họ nhận thấy lợi ích của việc liên kết và phải sản xuất theo tiêu chuẩn mới có thể xuất khẩu sản phẩm và bán được với giá cao. Mình phải làm tiên phong làm tốt hơn họ thì họ mới nghe, có như vậy sức lan tỏa mới có”-anh Thế tâm sự.

Hiện toàn xã Khoái Châu có gần 100% số hộ dân (1.700 hộ) đã đưa giống nhãn Miền Thiết vào trồng, với  diện tích 400ha cho thu nhập cao, nhiều hộ thu nhập 100 triệu đồng/năm như hộ ông Đinh văn Mau ở thôn An Cảnh, hộ ông Nguyễn Văn Hà thu gần 100 triệu đồng/năm.

Riêng gia đình anh Thế thu từ nhãn lên tới 2 tỷ đồng/năm; còn tổng thu nhập từ cây ăn quả, cây giống khác lên tới 4,5 tỷ đồng/năm. Anh đang ấp ủ dự án thành lập khu sơ chế đóng gói sản phẩm rộng 2ha có kho lạnh với vốn đầu tư 25 tỷ đồng để đưa nhãn cũng như các sản phẩm trồng trọt của gia đình và bà con ra thị trường tốt  hơn.

Cũng với nghị lực và dám mở rộng liên kết làm ăn, mô hình trồng chuối tiêu hồng của anh Phạm Năng Thành tại xã Đại Tập, Khoái Châu, Hưng Yên đang trở thành “trang trại điểm” của tỉnh. Trang trại chuối 3T-“Thuận-Tâm-Thành” của anh Thành đang cho thu lãi tới 7-8 tỷ đồng/năm nhờ xuất khẩu chuối sang Nga, Trung Quốc, Hàn Quốc, Ảrập Xêút và một số nước châu Âu khác.

Khởi đầu năm 2004 với 3ha đất bãi ven sông hồng rất phù hợp để trồng chuối, đến nay trang trại của anh Thành đã có quy mô 70ha cho sản lượng chuối khoảng 3.000 tấn/năm. Ngoài ra, trang trại của anh còn liên kết với bà con nông dân bằng cung cấp giống, phân bón và bao tiêu sản phẩm với quy mô 100ha hàng năm cung cấp ra thị trường trong nước và xuất khẩu 7.000-8.000 tấn chuối/năm.

Chúng tôi đến trại chuối của anh đúng lúc công nhân đang đóng gói sản phẩm để xuất đi Nga. Ông chủ trang trại sinh năm 1979 này thổ lộ đang mong muốn có quy mô sản xuất tới 200ha chuối bởi nhu cầu thị trường vô cùng lớn và lượng chuối sản xuất bao tiêu của anh mới đang chỉ đáp ứng phần nhỏ. “Hiện chúng tôi đang xuất chuối thông qua doanh nghiệp liên kết, nhưng tương lai tôi sẽ mở xưởng sơ chế, đóng gói, dần tiến tới thành lập doanh nghiệp trực tiếp đưa sản phẩm xuất đi nhằm giảm bớt trung gian, tăng lợi nhuận nhiều hơn”- anh Thành nói.

Vẫn còn nhiều trăn trở…

Ông Nguyễn Như Hải- Trưởng phòng Cây lương thực (Cục Trồng trọt, Bộ NNPTNT) cho biết, đất đai ở miền Bắc phần lớn nhỏ lẻ, manh mún. Việc dồn diền đổi thửa không phải ở đâu cũng diễn ra thuận lợi.

Do vậy, các mô hình liên kết mở rộng sản xuất của bà con rất đáng để các cấp ngành địa phương chú ý tạo điều kiện cho phát triển. Đơn cử, HTX Dịch vụ nông nghiệp Bình Định (tỉnh Thái Bình) mãi đến năm nay mới tổ chức được 6 cánh đồng mẫu (50ha/cánh đồng) chuyên sản xuất lúa giống. Còn năm 2008 chỉ có 15ha với 80 hộ tham gia.

Ông Lê Văn Triều- Phó Chủ nhiệm HTX Dịch vụ nông nghiệp Bình Định (Thái Bình) cho biết, để có 6 cánh đồng mẫu này chúng tôi phải “gom” 1.985 hộ vào mới thành lập được. Phải có vai trò vận động lớn của địa phương về dồn điền đổi thửa thì bà con mới nghe. Thu nhập của bà con sau dồn điển đổi thửa được nâng lên 22 triệu đồng/người/năm, tăng gần gấp đôi so với sản xuất manh mún cũ, lúc đó bà con mới sẵn sàng mở rộng liên kết với HTX. Mỗi năm HTX Bình Định mua gom cả 1.000 tấn giống lúa sản xuất theo mô hình liên kết này để cung cấp trở lại cho Công ty Giống Thái Bình. 

"Vấn đề lớn nhất cần tháo gỡ để nông dân vươn lên làm ăn lớn là Nhà nước cần có các chính sách mới thích ứng ngay với hướng chuyển đổi cơ cấu sản xuất, như tạo điều kiện về vốn, cơ sở hạ tầng, tích tụ ruộng đất cho nông dân liên kết làm ăn”. -Ông Nguyễn Như Hải nói.