Đi nghe nhạc giao hưởng ở nhà hát nhiều, nhưng có lẽ đây là lần đầu thấy khán giả giữ được yên lặng tuyệt đối khi các nghệ sĩ trình diễn. Yên lặng đến mức người ngồi cạnh tôi đã áy náy khi vô ý làm tờ chương trình trên tay sột soạt. Sự yên lặng của một khán phòng đông tới mấy trăm người dĩ nhiên là rất khó. Nhưng với nhạc cổ điển, không yên lặng nghe không chỉ là bất nhã mà sẽ là chẳng cảm thụ được gì. Khán giả hôm nay phần vì là tín đồ thực sự của nghệ thuật giao hưởng và mặt khác đó là vì ba tên tuổi nghệ sỹ biểu diễn hôm nay, dù tuổi đời còn rất trẻ nhưng đã vang danh thế giới và một nhạc mục đầy hấp dẫn. Sự im lặng ấy chỉ bị phá vỡ bởi những tràng pháo tay vang dội khi những hợp âm cuối của mỗi tác phẩm ngừng lại.
Gương mặt thiên thần Đỗ Phương Nhi bước ra sân khấu. Bản Introduction and Rondo Capriccioso op 28 của Saint- Saens vang lên da diết, sâu lắng dưới cây vĩ của em. Tôi liếc nhìn Nhạc trưởng danh tiếng Tetsuiji Honna, nét mặt ông bừng sáng vẻ thán phục rõ rệt. Tôi nhớ cách đây 6 năm ông đã nói, đây là một tài năng violin xuất sắc Việt Nam. Sau Đỗ Phương Nhi là Trần Hồng Nhung với bản Hungarian Rhapsody,op 68 của David Popper. Nhung là cellist vừa nhận giải mang tên nhà soạn nhạc thiên tài S. Prokofiev tại Nga;
Sự hưng phấn của khán giả với hai cây vĩ còn chưa lặng xuống thì Nguyễn Việt Trung bước ra. Khán phòng chào đón Trung bằng một tràng pháo tay dài, còn Trung, vẫn như năm ngoái ở khán phòng này, gương mặt trong veo, ngơ ngác, hơi bẽn lẽn trước sự nồng nhiệt của khán giả. Bên cây đàn SteinWay, càng thấy vóc dáng Trung nhỏ. Nhưng, những giai âm của bản Variations in C-minor của L.V Beethoven vang lên thì người ta bỗng thấy Trung là một người khổng lồ. Những ngón tay gieo mưa trên phím. Nghe Trung đàn, bỗng như hiểu ra, kỹ năng điêu luyện ấy, khối cảm xúc lớn lao ấy, chiếm trọn tâm hồn cậu lúc này, nên vẻ mặt cậu vốn đã thánh thiện nay càng trong vắt. Khán giả ngạt thở, chờ đợi bản độc tấu thứ hai của Trung: Scherzo B-minor op 20 của F.Chopin. Trung khéo chọn hai tác phẩm của hai nhà soạn nhạc thiên tài, khá quen thuộc với người Việt, đồng thời có thể biểu đạt kỹ thuật ngón đầy đẳng cấp của mình. Khi những lẵng hoa tươi thắm nhất được mang lên sân khấu, tràng vỗ tay không ngừng dành cho Trung là lúc tôi nhớ đến câu nói của các giáo sư Ba Lan, rằng: “Lịch sử nhân loại không phải lúc nào cũng dễ dàng sản sinh ra những thiên tài… Nhận biết thiên tài là một hạnh phúc lớn của đời người”. Thời gian trôi quá nhanh trong khán phòng Nhạc viện Hà Nội. Đã đến tiết mục cuối: Trung, Nhi và Nhung tam tấu bản Trio elegiaque No.1 của S. Rachmaninoff. Người nọ dẫn dắt người kia, tiếng cao của violin réo rắt gọi tiếng trầm của cello và hòa quyện với nhau trong tiếng mưa rơi lúc khoan lúc nhặt lúc như bão cuốn của dương cầm. “Bọn này tài quá”, tôi nghĩ. Chúng học ở ba nơi khác nhau, đứa Ba Lan, đứa Nga, đứa Nauy, chỉ biết nhau qua tin tức thế giới, qua bố mẹ ở nhà, rồi gặp nhau trên Facebook, rủ nhau kỳ này nghỉ hè, về “đàn một chầu cho đã đời du học xa Tổ quốc”. Đứa nào đứa nấy đều “nắm trong tay” hàng trăm tác phẩm kinh điển rồi, nhưng chung một sàn diễn và tam tấu giờ mới là lần đầu. Vậy mà chỉ 3 ngày “khớp nối” chúng đã chinh phục bản thân chúng và chinh phục khán giả.
Khán giả cũng không phải vừa. Có không ít là những tên tuổi lớn của âm nhạc Việt Nam, của quốc tế, và đặc biệt, có cả những đại biểu Quốc hội. Nghe hay quá, không chịu về, cứ đứng dậy mà vỗ tay đòi nghe nữa. Thế là chúng tiếp tục ngoài nhạc mục có sẵn. Đứa này tạo ra những hợp âm đầu tiên, những đứa kia tiếp “lời”, đối thoại với nhau, gọi nhau, những hợp âm cứ thế nối nhau vang lên, trầm xuống, chạy vòng sân khấu và thấm vào tâm trí khán giả. Đúng là trẻ. Chỉ có trẻ mới giàu nhiệt huyết và hưng phấn. Đúng là tài. Chỉ người tài mới làm được như vậy. Đứa nhiều tuổi nhất mới 25, Trung 20 và ít nhất 17.
*
Nguyễn Việt Trung bộc lộ năng khiếu âm nhạc từ rất sớm, ngay từ khi 4 tuổi, chỉ nghe chị gái học đàn, rồi vào giờ chị nghỉ giải lao, ngồi vào đàn, chân còn phải với, nhưng tiếng đàn của Trung đã khiến bà giáo người Ba Lan quá đỗi ngạc nhiên. Rất xúc động, bà khuyên bố mẹ nên cho Trung vào trường nhạc. Các giáo sư dạy Trung những năm sau này đều nói với cha mẹ Trung rằng, Trung là một “của hiếm”, “của hiếm” không dễ có, nên gia đình cần suy nghĩ thật thấu đáo… Thế là cha của Trung, một tiến sĩ vật lý, một doanh nhân đầy năng lực đã đưa ra lựa chọn, dành toàn bộ khả năng để Trung phát triển tài năng cho nghệ thuật dương cầm.
Càng học lên, thì lời nhận xét của các bậc thầy về Trung càng đúng. Cứ hai năm một lần, Ba Lan tổ chức thi toàn quốc về đàn dương cầm cho học sinh hệ trung cấp. Cuộc thi diễn ra theo ba vòng, thu hút hàng nghìn người ứng thí. Nguyễn Việt Trung liên tục đoạt các giải cao quý: Giải Nhất tại Lodz năm 2004, Giải Nhì (không có Giải Nhất) cuộc thi piano tại Zyrardow và Giải Nhất biểu diễn các tác phẩm Chopin và Giải Nốt nhạc vàng cho tay đàn trẻ thể hiện Mozart xuất sắc nhất tại Ba Lan ( 2006); Giải nhất Cuộc thi piano lần thứ ba toàn Ba Lan mang tên Emmy Alberg (2005); Giải đặc biệt cuộc thi Chopin vùng Mazowiecki, Ba Lan (2006). Năm 2007, Nguyễn Việt Trung đoạt Giải Ba Festival piano quốc tế tại Glubczyce, Ba Lan và đặc biệt là Giải dành cho tay đàn thể hiện bản nhạc thế kỷ 20 hay nhất. Năm 12 tuổi (2008), em đoạt Giải Tư cuộc thi quốc tế mang tên Frederik Chopin tại Antoni - Ba Lan và Giải Nhì cuộc thi quốc tế mang tên Ludwik SteFanski - Hanlina Czerny SteFanska tại Ba Lan, nơi em thi với những thí sinh hơn mình 3-4 tuổi. 2010, tên em vang lên với Giải Nhì cuộc thi quốc tế “Chopin cho người trẻ tuổi”. Năm 2011, tại Tây Ban Nha, Nguyễn Việt Trung lại tiếp tục giành Giải Nhì (không có giải nhất) và đoạt giải dành cho cây đàn trẻ thể hiện tác phẩm Chopin hay nhất trong cuộc thi Rotaract - Rotary Int’l Piano Competition. Em là một trong 8 tài năng trẻ piano trên toàn thế giới tham gia biểu diễn. Năm 2011, tại Tây Ban Nha, Nguyễn Việt Trung lại tiếp tục giành Giải Nhì (không có giải nhất) và đoạt giải dành cho cây đàn trẻ thể hiện tác phẩm Chopin hay nhất trong cuộc thi Rotaract - Rotary Int’l Piano Competition. Em là một trong 8 tài năng trẻ piano trên toàn thế giới tham gia biểu diễn trong chương trình Junior Academy Eppan cùng giáo sư nổi tiếng Andrea Bonatta vào tháng 3/2013. Tại vòng thi chung kết diễn ra trong ba ngày từ 16 đến 18/1/2014, Nguyễn Việt Trung đã thể hiện xuất sắc ba tác phẩm (cực khó với piano) của J.S.Bach, F.Liszt và của L. Beethoven, Trung đã vượt qua 54 thí sinh khác để giành giải Nhất và Giải Grand Prix - Giải thưởng cao quý nhất của một cuộc thi âm nhạc… Trung cũng đã từng biểu diễn trước 4000 khán giả tại Festival tại Pháp nhân kỷ niệm 40 năm ngoại giao Việt - Pháp… Năm 2014 Trung giành Học bổng toàn phần do Bộ Văn hóa- Giáo dục Ba Lan trao tặng. Khó có thể kể hết những thành tựu mà Trung đã đạt được trong thời gian vừa qua khi tuổi đời còn quá trẻ. Trung còn là một pianist được ngưỡng mộ ở những sân khấu: Ukraine, Hungary, Pháp, Mỹ, Brusel, Thái Lan, Việt Nam.
Đỗ Phương Nhi cũng học đàn khi mới 4 tuổi, dưới sự hướng dẫn của GS- NSND danh tiếng Ngô Văn Thành. Với khả năng xuất sắc, năm 2010 Nhi được học bổng MIC- Transposition để theo học tại trường Batt - Due Institute of Music (Oslo). Năm 11 tuổi, Phương Nhi đã trình diễn bản Concerto giọng Mi thứ của F. Mendelssohn tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Nhạc trưởng người Nhật Tessuji Honna và giới chuyên môn coi Đỗ Phương Nhi là một nghệ sĩ violin tài năng và trẻ nhất Việt Nam vào thời điểm đó. Nhi đã biểu diễn độc tấu ở nhiều nơi, trên các chương trình VTV. Hằng năm Đỗ Phương Nhi được mời tham dự biểu diễn cùng các tài năng trẻ châu Âu tại Valdres Summer Festival và Hardanger Festival (Na Uy).
Sinh ra trong một gia đình âm nhạc, bố là giảng viên violin Ths. Đỗ Xuân Thắng tại Học viện Âm nhạc Quốc gia, mẹ là nghệ sĩ violin Lê Hoàng Lan - Trưởng dàn nhạc của DNGHVN, cậu ruột là nhạc sĩ Lê Minh Sơn, sống trong cái nôi âm nhạc cộng với khả năng thiên bẩm đặc biệt nên Đỗ Phương Nhi gây xửng sốt với thế giới âm nhạc là điều không khó hiểu. Năm ngoái, khi 17 tuổi Nhi đoạt giải nhất dành cho tài năng Trẻ tại Nauy. Hiện là một violinist, solo với nhiều dàn nhạc trong và ngoài nước (Dàn nhạc GHQG Việt Nam, Dàn nhạc Forsvarets- Muskk, rồi Romerike Symphony Orchestra, TrondheimSoloist của Nauy và Fort Collins Symphony Ỏchestra của Hoa Kỳ)
Trần Hồng Nhung từng được giáo sư, nghệ sĩ hàng đầu về cello của Việt Nam - Ngô Hoàng Dương hướng dẫn trong 11 năm. 2013 -2014 đỗ liên tiếp 2 lần trong cuộc thi tuyển thành viên của Dàn nhạc Trẻ châu Á, tại đây Nhung là violincelle duy nhất người Việt ngồi ghế Concert master. Sau những thành công tại Dàn nhạc Trẻ, với kết quả học tập xuất sắc, Nhung được tuyển thẳng vào đại học (ĐH) và được học bổng tại Nhạc viện quốc gia Nga - Tchaikovsky và học viện AN QG Nga mang tên Gnessin. Tháng 6 vừa qua Nhung đoạt Giải 3 Cuộc thi quốc tế dành cho nghệ sĩ biểu diễn trẻ, mang tên thiên tài S. S Prokofiev tại Nga.
Tương lai của Việt Nam không chỉ là những người thiết kế phần mềm công nghệ thông tin, nông nghiệp hiện đại, lao động chất lượng cao, kinh tế tri thức ngang tầm thế giới mà còn là tầm vượt ngưỡng của ba gương mặt trẻ âm nhạc này.