Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Những “chiến sĩ áo trắng” hy sinh thầm lặng trong cuộc chiến đầy lùi dịch bệnh Covid-19

(Dân sinh) - Với tinh thần trách nhiệm và sự tận tụy với nghề, tận tâm với người dân, những “chiến sĩ áo trắng” ở vùng dịch TP.HCM đang ngày đêm hy sinh thầm lặng chiến đấu trên lằn ranh sinh tử để giành giật sự sống cho các bệnh nhân Covid-19.

Trước tình hình diễn biến phức tạp của virus SARS-CoV-2 (Corona) tại TP.HCM, những ngày này các bác sĩ, nhân viên y tế quên cả thân mình dốc sức làm việc không ngừng nghỉ để "chiến đấu" giành giật sự sống cho các bệnh nhân Covid-19.

Những người hùng nơi tuyến đầu chống dịch

Từ khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại lần thứ 4, chị Đinh Hoài Thu, nhân viên y tế thuộc Bệnh viện Truyền máu - Huyết học TP.HCM luôn khoác lên mình bộ đồ bảo hộ và liên tục lấy mẫu xét nghiệm cho người dân.

Trong bộ đồ bảo hộ, mồ hôi nhễ nhãi, chị Thu chia sẻ: "Mệt thì có mệt nhưng mình vẫn phải tiếp tục chiến đấu, vẫn phải hoàn thành nhiệm vụ, giúp người dân phát hiện và ngăn chặn dịch bệnh kịp thời. Mình cùng góp một chút sức, giúp thành phố sớm đẩy lùi dịch bệnh và trở lại trạng thái bình thường mới".

Những “chiến sĩ áo trắng” hy sinh thầm lặng trong cuộc chiến đầy lùi dịch bệnh Covid-19 - Ảnh 1.

Trong bộ đồ bảo hộ đầy mồ hôi nhễ nhãi, các “chiến sĩ áo trắng” luôn tất bật với công việc lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho người dân không kể ngày đêm.

Từ ngày khoác lên mình bộ đồ bảo hộ, chị Thu đã quen với những bữa cơm xa nhà, những buổi trực thâu đêm hay những lúc nhớ nhà, nhớ gia đình nhưng không được về. Hàng ngày, chị Thu cùng những nhân viên y tế khác mang trong mình trọng trách khi phải đến từng điểm nóng của dịch bệnh làm công tác truy vết, điều tra dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm. Với họ, thời điểm này, những cảm xúc cá nhân không quan trọng bằng sự an toàn của cộng đồng.

Với công việc bận rộn của các bác sĩ thì hạnh phúc thường ngày của họ quá đỗi giản dị, đó là những giây phút quây quần hàng ngày bên các con nhỏ, bên người thân, bên mâm cơm gia đình. Thế nhưng, hạnh phúc ấy giờ đây trở thành điều vô cùng khó khăn với đội ngũ nhân viên y tế, đặc biệt là với các y bác sĩ tuyến đầu chống dịch.

Những “chiến sĩ áo trắng” hy sinh thầm lặng trong cuộc chiến đầy lùi dịch bệnh Covid-19 - Ảnh 2.

 

Những “chiến sĩ áo trắng” hy sinh thầm lặng trong cuộc chiến đầy lùi dịch bệnh Covid-19 - Ảnh 3.

Những “chiến sĩ áo trắng” hàng ngày chiến đấu trên lằn ranh sinh tử để giành giật sự sống cho các bệnh nhân Covid-19.

Hàng ngày, Bác sĩ Trần Thanh Linh, Phó Khoa Hồi sức Cấp cứu (ICU), Bệnh viện Chợ Rẫy, kiêm Phó Giám đốc Bệnh viện Hồi sức Covid-19 phải liên tục di chuyển giữa các phòng bệnh, kiểm tra tình trạng bệnh nhân, yêu cầu y bác sĩ bổ sung, thay đổi phương thức điều trị linh hoạt.

"Từ khi được điều động từ Bệnh viện Chợ Rẫy sang, tôi chưa nhìn thấy bên ngoài ra sao vì phần lớn thời gian tôi và đồng nghiệp ở trong phòng cấp cứu. Có nhiều đêm thức trắng, dù thức trắng đêm, mệt mỏi nhưng chỉ cần giành giật được mạng sống cho người bệnh là lại có động lực tiếp tục chiến đấu.

Tuy nhiên, nhiều khi cũng cảm thấy bất lực, vì nhiều trường hợp bệnh nền quá nặng, tuổi già sức yếu cùng với việc mắc Covid-19, chúng tôi không thể đưa họ vượt qua cửa tử được. Có những đêm mà anh em đi cấp cứu làm ECMO thì mình thấy Sài Gòn vắng lặng, mình thấy cảnh đó mình đau lắm… nhưng mà tất cả mọi người, thật sự mọi người rất mệt mỏi, có những lúc mọi người rất đuối nhưng mà không cho phép mình được dừng lại, không cho phép chúng ta phải bỏ cuộc, không cho phép mình buông xuôi. Các anh em cứ động viên nhau, còn bệnh nhân đó, còn những người nặng đó thì mọi người không phải là bệnh viện này hay bệnh viện kia mà cùng nắm tay lại với nhau, cùng với nhau vì người bệnh, phải ráng làm sao tiếp nhận được nhiều bệnh nhân nhất, phải ráng làm sao có thể cứu được nhiều bệnh nhân nhất.", bác sĩ Linh trải lòng.

Những “chiến sĩ áo trắng” hy sinh thầm lặng trong cuộc chiến đầy lùi dịch bệnh Covid-19 - Ảnh 4.

Bác sĩ Trần Thanh Linh, Phó Khoa Hồi sức Cấp cứu (ICU), Bệnh viện Chợ Rẫy, kiêm Phó Giám đốc Bệnh viện Hồi sức Covid-19 phải liên tục di chuyển giữa các phòng bệnh, kiểm tra tình trạng bệnh nhân.

Theo chứng kiến của PV, hàng ngày các bác sĩ, nhân viên y tế phải làm việc liên tục nhiều giờ đồng hồ trong bộ đồ bảo hộ kín. Không chỉ vậy, mà mỗi lần tháo chiếc găng tay cao su đã đeo cả ngày, nhiều bác sĩ thoáng giật mình bởi đôi bàn tay có phần khác lạ. Độ ẩm của mồ hôi, dung dịch sát khuẩn cùng việc đeo găng thời gian dài khiến bàn tay nhăn lại, những mảng da đã đổi màu trắng toát. Phía sau những chiếc khẩu trang và lớp áo bảo hộ, mồ hôi tiếp tục chảy. Trên chiếc bàn nhỏ cạnh lối ra vào, những suất cơm tối cho lực lượng y tế đã nguội lạnh…

Bệnh nhân mắc Covid-19 Lữ Đắc Long (TP.HCM) chia sẻ: "Từ ngày vào điều trị tại bệnh viện không lúc nào thấy bác sĩ ngồi nghỉ ngơi, họ làm việc quần quật 24/24h. Mỗi đêm các bác sĩ phải vừa là việc vừa chạy: chạy đi lấy từng hộp cơm, viên thuốc để đưa tới bệnh nhân, chạy đi chuẩn bị cho các bệnh nhân chuyển nặng đi chuyển viện… Thậm chí có bác sĩ nhiều ngày liên không được chợp mắt nên đôi mắt thâm quầng, ăn uống không đúng giờ dẫn đến kiệt sức ngất xỉu khi đang sửa máy thở cho bệnh nhân."

Qua đó có thể thấy, tham gia vào vùng dịch, nơi có bệnh nhân nhiễm Covid-19 là đồng nghĩa các y, bác sĩ phải đối mặt với nhiều nguy hiểm, rủi ro. Chống dịch không chỉ là cuộc chiến với virus, các cán bộ y tế còn phải đối mặt với muôn vàn những khó khăn, vất vả, áp lực đè nặng lên vai nhưng vượt lên trên tất cả vẫn là trách nhiệm của người thầy thuốc với Nhân dân, với người bệnh.

Trân trọng những hy sinh thầm lặng của đội ngũ y, bác sĩ

Mỗi lần vào các bệnh viện nơi có bệnh nhân mắc Covid-19 đang điều trị, chúng tôi lại thấy những hình ảnh về sự tận tụy, hy sinh của các y, bác sĩ rất đáng trân trọng. Đó là hình ảnh một bác sĩ trưởng khoa lặng lẽ trở về phòng sau khi tiễn một bệnh nhân xuất viện, hình ảnh đôi mắt thâm quầng, rơm rớm của một bác sĩ khi chia sẻ về quá trình điều trị bệnh nhân, hình ảnh cô y tá mở chiếc điện thoại để xem ảnh các con đang ở nhà chờ mẹ về… Chúng tôi khi chứng kiến những hình ảnh đó đều rất khâm phục đội ngũ y, bác sĩ.

Những “chiến sĩ áo trắng” hy sinh thầm lặng trong cuộc chiến đầy lùi dịch bệnh Covid-19 - Ảnh 5.

Bác sĩ luôn ân cần thăm hỏi và theo dõi sức khỏe của bệnh nhân Covid-19 24/24h.

Ông Huỳnh Văn Ngộ (66 tuổi, Phường 10, quận Tân Bình TP.HCM) - bệnh nhân Covid-19 được xuất viện bày tỏ: "Tôi vô cùng cám ơn đội ngũ y, bác sĩ đã tận tình chăm sóc giúp tôi giành lại được sự sống từ tay tử thần. Tôi xin chân thành cảm ơn toàn thể đội ngũ y bác sĩ và các lực lượng tuyến đầu, cảm ơn những nỗ lực hy sinh của các anh các chị mà bao người như tôi còn giành được sự sống, sức khỏe, chúng tôi luôn biết ơn mọi sự nỗ lực, hy sinh và cống hiến của các anh chị cho cuộc sống của chúng tôi".

Vừa qua, lãnh đạo TP.HCM đã gửi thư cảm ơn đến những chiến sĩ thầm lặng với hành động vô cùng cao cả. Nội dung bức thư viết: "Cảm ơn đội ngũ bác sĩ, y tá, điều dưỡng đã tranh thủ từng giây, từng phút, giành lại sự sống cho bệnh nhân, việc làm của các bạn thể hiển trách nhiệm với cả tấm lòng, mang tính nhân văn sâu sắc, những nghĩa cử cao đẹp ấy là những bông hoa đẹp trong vườn hoa tình nghĩa của TP.HCM chúng ta"…

Những “chiến sĩ áo trắng” hy sinh thầm lặng trong cuộc chiến đầy lùi dịch bệnh Covid-19 - Ảnh 6.

Những “chiến sĩ áo trắng” ở vùng dịch TP.HCM đang ngày đêm hy sinh thầm lặng chiến đấu trên lằn ranh sinh tử để giành giật sự sống cho các bệnh nhân Covid-19.

Lãnh đạo TP.HCM cũng trân trọng biểu dương các bác sĩ, y tá, điều dưỡng, các lực lượng đang ngày đêm trên tuyến đầu chống dịch. Nhân đây, Chủ tịch UBND TP.HCM kêu gọi "Mỗi tổ chức một hành động tốt, mỗi người dân một nghĩa cử đẹp", chung tay đẩy lùi dịch bệnh Covid-19, sớm đưa cuộc sống của người dân trở lại trạng thái bình thường mới, kinh tế TP.HCM ổn định và tiếp tục phát triển; đó là lương tâm và trách nhiệm của mỗi chúng ta, công dân TP.HCM tự hào được mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, Thành phố anh hùng.

XUÂN TRƯỜNG
Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ