Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Những chiến sĩ cảnh sát trên đường Hồ Chí Minh

Thiếu tướng Trịnh Xuyên, Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa, rất am hiểu và tâm lý đối với cánh làm báo chúng tôi. Ông luôn trăn trở với công tác bảo đảm an ninh trật tự xã hội trên địa bàn, mặt khác, với công tác an toàn giao thông trên mọi nẻo đường cũng được ông đặc biệt quan tâm.

 

Có lần ông Xuyên tâm sự: “Mỗi chiến công, mỗi việc làm tốt “vì nước quên thân, vì dân phục vụ” của lực lược công an nhân dân đều có phần đóng góp tích cực, khích lệ của đội ngũ báo chí truyền thông, mà nhà báo họ cũng là chiến sĩ kiên cường trên mặt trận tư tưởng văn hóa của Đảng”.

Theo gợi ý của thiếu tướng Trịnh Xuyên, chúng tôi thực hiện một chuyến “vi hành” ngược miền tây Thanh Hóa. Tiếp chúng tôi, trung tá Nguyễn Đức Toàn, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông đường  Hồ Chí Minh, người vừa được Phòng Cảnh sát giao thông điều động về phụ trách đơn vị 2 tháng.

Khi  đặt vấn đề tìm hiểu thành tích của Đội Cảnh sát giao thông đường Hồ Chí Minh, trung tá Toàn tỏ ý e ngại, vì theo anh đơn vị chưa có gì nổi bật để các nhà báo viết bài khen ngợi, trong  khi nhiệm vụ còn hết sức nặng nề. Là đơn vị được thành lập năm 2008, có 19 cán bộ chiến sĩ, phần lớn anh em đều xa nhà, mọi sinh hoạt thường nhật tập trung ở hai dãy nhà cấp 4, thuê của Công ty Bảo vệ thực vật huyện Ngọc Lặc. Nơi ăn ở, ngủ nghỉ tuềnh toàng khiến chúng tôi liên tưởng về một thời chiến tranh gian khổ.

Để được gặp đầy đủ anh em cán bộ chiến sĩ trong toàn đội không dễ chút nào, bởi lực lượng phân tán lưu động trên các nẻo đường. Nếu gặp được cũng phải chọn thời điểm giao ban tháng 1 lần, mọi quan hệ giao dịch trong công việc đều liên lạc qua bộ đàm và máy di động của cá nhân. Những ngày làm việc không kể ngày nghỉ  thứ 7, chủ nhật hay lễ, tết các chiến sĩ đơn vị 100% quân số phải bám tuyến bám đường.

Với chiều dài 139km đường Hồ Chí Minh giáp ranh từ Nghệ An ra đến đầu rừng Cúc Phương chưa kể tuyến đường 15A, đường 217 các anh đều phải thường xuyên tuần tra, kiểm soát cả ngày lẫn đêm. Như vậy với chiều dài cung đường và số cán bộ chiến sĩ phân nhau tuần tra kiểm soát là quá mỏng. Anh em luân phiên thường trực làm nhiệm vụ trong tuần chỉ được thay nhau nghỉ một ngày về với gia đình âu cũng là sự thiệt thòi của những người Vợ, người con, có chồng và cha làm cảnh sát giao thông đường Hồ Chí Minh. Theo đánh giá của ban chỉ huy đội cảnh sát đường Hồ Chí Minh sau khi đường quốc lộ 1A hoàn thành việc mở rộng nâng cấp đưa vào sử dụng thì lưu lượng xe ô tô, các loại phương tiện tham gia giao thông trên đường mòn Hồ Chí Minh giảm đáng kể. Tuy nhiên tính phức tạp nguy hiểm trên tuyến đường này vẫn luôn rình rập khiến anh em cán bộ chiến sĩ trong toàn đội không một phút giây buông lỏng, lơ là.

Theo đề nghị của chúng tôi, trung tá Nguyễn Đức Toàn trực tiếp lái xe đưa các nhà báo đi thị sát theo dọc đường Hồ Chí Minh. Đi trên con đường nhựa phẳng lì uốn lượn quanh co bên triền núi xanh điệp trùng, khiến chúng tôi bồi hồi nghĩ về một tiềm năng kinh tế, quốc phòng đang được Đảng và Nhà nước chăm lo, phát triển. Cũng trên vùng đất Lam Kinh - Lê Lợi địa linh nhân kiệt này đã sản sinh ra các vị anh hùng, tướng lĩnh làm rạng rỡ non sông đất Việt, mà hôm nay các thế hệ con cháu phải có trách nhiệm nâng niu gìn giữ và phát huy truyền thống cách mạng kiên cường của dân tộc.

Ảnh trong bài: Các cán bộ chiến sĩ Đội cảnh sát giao thông đường Hồ Chí Minh làm nhiệm vụ. 

Anh Toàn nói với chúng tôi: “Công việc của người cảnh sát giao thông không đơn thuần kiểm tra xử lý các phương tiện vi phạm, bảo đảm an toàn tính mạng cho nhân dân, mà nhiệm vụ của họ còn phải gần dân, bám dân tuyên truyền vận động nhân dân chấp hành tốt mọi chủ trương chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước. Công an cũng phải có kĩ năng, nghiệp vụ tham gia giúp đồng bào các dân tộc xóa đói giảm nghèo”. Những điều tế nhị không nói hết nhưng chúng tôi hiểu những chiến sĩ cảnh sát giao thông trên đường Hồ Chí Minh nơi miền tây xứ Thanh này họ đang thầm lặng với những công việc tuy không ác liệt, hiểm nguy như những chiến sĩ cảnh sát trên mặt trận đấu tranh chống tội phạm kinh tế, ma túy, vv.... nhưng lại rất dung dị, nhân văn và nghĩa tình.

Những tháng cuối năm, chuẩn bị phục vụ Tết Nguyên đán, số lượng hàng hóa lưu thông tăng vọt. Để tránh sự kiểm soát của lực lượng cảnh sát giao thông và đội liên ngành các chủ đầu nậu thường tổ chức xe hàng chạy ban đêm kể cả thời tiết mưa bão miễn sao hàng lậu hàng giả đến các địa điểm buôn bán một cách chót lọt.

Trong những năm vừa qua do có sự nhạy bén, cương quyết và khôn khéo của tập thể cán bộ chiến sĩ đội cảnh sát giao thông đường Hồ Chí Minh, tình trạng vận chuyển buôn bán hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng lưu thông trên tuyến đường Hồ Chí Minh đi qua địa phận Thanh Hóa đều bị phát hiện, kiểm tra, xử lý đúng người đúng tội.

Bình quân mỗi năm đội cảnh sát đường Hồ Chí Minh phối hợp cùng lực lượng quản lý thị trường tỉnh và các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương có đường Hồ Chí Minh đi qua, đường 217 và đường 15A đã thu giữ, xử lý, phạt từ 4 đến 5 tỷ đồng. Riêng phát hiện kiểm tra bắt giữ vụ buôn lậu ngà voi từ cửa khẩu Cầu Treo (Hà Tĩnh) ra Hà Nội tháng 8/2009, với số lượng có giá trị hơn 10 tỷ đồng.

Công tác đấu tranh chống buôn lậu hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng trên địa bàn phần lớn trách nhiệm thuộc về cơ quan quản lý thị trường, chính quyền địa phương và các cơ quan thực thi pháp luật, nhưng sự đấu tranh kiên quyết thành hay bại đều phải có sự quan tâm lãnh đạo của chính quyền địa phương, trong đó lực lượng cảnh sát giao thông nói riêng và công an nhân dân là lực lượng đi đầu nòng cốt.

Làm việc với ông Lại Thế Nguyên, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thanh Hóa, nguyên Bí thư Huyện ủy huyện Ngọc Lặc, ông Nguyên cho rằng, để phát triển kinh tế xã hội ở một huyện miền núi xứ Thanh có nhiều đồng bào dân tộc sinh sống, công tác chỉ đạo lãnh đạo đối với cấp ủy chính quyền địa phương trước hết phải hiểu tập quán, tín ngưỡng, nguyện vọng và đời sống của nhân dân.

Công tác vận động tuyên truyền giáo dục, phát huy quyền làm chủ của quần chúng nhân dân là tiên quyết. Muốn xóa đói giảm nghèo cho đồng bào các dân tộc có hiệu quả phải thực sự quan tâm, đầu tư khoa học công nghệ, phải xây dựng nông thôn mới trở thành thị trường hàng hóa có sức cạnh tranh, bên cạnh đó phát huy thế mạnh tiềm năng kinh tế hộ, kinh tế trang trại vườn đồi.

Tuy nhiên để phát triển bền vững trên mọi lĩnh vực đời sống kinh tế văn hóa xã hội phải hết sức coi trọng bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội, xây dựng phong trào “an ninh bảo vệ Tổ quốc”, trong đó lực lượng cảnh sát giao thông nói riêng và lực lượng công an nhân dân nói chung đã có những đóng góp hết sức quan trọng, họ đang nỗ lực phấn đấu vươn lên hoàn thành nhiệm vụ được quần chúng nhân dân yêu mến tin cậy.

Trở lại thị trấn Ngọc Lặc dưới ánh nắng vàng nhạt của chiều thu tháng 8, tôi bỗng thấy lòng mình dâng trào niềm vui khôn xiết. Những công trình thi nhau mọc lên giữa núi rừng miền tây Thanh Hóa, đang báo hiệu sự phát triển kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở đây. Chia tay những chiến sĩ giao thông đường Hồ Chí Minh, với những câu chuyện, những việc làm của họ, đã in đậm trong tâm khảm người cầm bút chúng tôi.