Đầu năm 2020, đại dịch COVID-19 bùng nổ được ví như là bóng đen bao phủ toàn cầu. Dịch bệnh nguy hiểm đã tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội ở nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Làm gì để tránh rủi ro
Bằng ngòi bút nhạy bén của mình, nhà báo y tế đã kịp thời thông tin mọi đường lối chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Bộ Y tế một cách nhanh chóng, chính xác đến với đông đảo người dân, giúp cho công tác phòng chống dịch được đồng bộ, hiệu quả. Không những vậy, Nhà báo còn lan tỏa những câu chuyện đầy tính nhân văn về tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, tương thân tương ái và cả sự quyết tâm chiến thắng dịch bệnh trong cộng đồng.
Đồng hành các cấp lãnh đạo và nhân dân cả nước trong cuộc chiến cam go này không thể không nhắc đến vai trò của các cơ quan báo chí cũng như các Nhà báo y tế. Thời gian qua, thế giới đã không ít lần ca ngợi và đánh giá cao công tác phòng chống dịch của nước ta, trong đó khẳng định sự đóng góp không nhỏ của các cơ quan báo chí trong việc định hướng dư luận xã hội, nâng cao nhận thức và hành động của cộng đồng.
Trong cuộc chiến chống đại dịch Covid- 19, nhiều phóng viên đã lao vào tâm dịch, nhất là phóng viên mảng Thời sự - Xã hội, Y tế. Ngoài việc chấp nhận đối mặt với nguy hiểm của loại dịch bệnh Covid-19, họ còn phải chịu những thách thức trên mặt trận thông tin, để có góc nhìn riêng, độc đáo, nhanh chóng và kịp thời để bạn đọc những thông tin cần thiết nhất.
Phóng viên ảnh Phú Thọ (Báo điện tử Dân trí) chia sẻ, khi TP.HCM bắt đầu có ca nhiễm Covid-19 đầu tiên là dịp gần Tết năm 2020, lúc đó tôi cũng còn mông lung chưa định hình rõ căn bệnh này như thế nào. Bất chấp hiểm nguy từ virus SARS-CoV-2 có thể tấn công cơ thể bất kỳ lúc nào, chúng tôi đã không ngại ngần tiếp xúc với các bệnh nhân dương tính tại bệnh viện Chỡ Rẫy. Những phóng viên y tế được trang bị bảo hộ rất kỹ càng rồi vào trong phòng cách ly đặc biệt, nơi chăm sóc những bệnh nhân Covid-19 để có được những bức ảnh chân thật về công tác chăm sóc người bệnh của các y, bác sĩ tại bệnh viện.
"Lúc ấy, chúng tôi vẫn còn mơ hồ về dịch bệnh lắm, cũng chỉ nghĩ mình cứ bảo hộ tốt, thì sẽ không bị lây", anh Thọ tâm sự.
Tuy nhiên, vài tháng sau đó, khi dịch bắt đầu bùng phát mạnh, TP.HCM bắt đầu trở thành tâm dịch lớn, anh và các đồng nghiệp bắt đầu cảm nhận được một nỗi sợ lan dịch nếu như trong quá trình tác nghiệp để xảy ra bất kỳ sơ suất nhỏ nào.
Trong suốt hơn một năm chống dịch vừa qua, phóng viên Phú Thọ đã có mặt tại nhiều điểm nóng của dịch tại TP.HCM. Anh đã đem đến cho bạn đọc những bộ ảnh từ các trung tâm cách ly tập trung, tới hình ảnh chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân ở tuyến đầu điều trị tại Bệnh viện Chợ Rậy, bệnh viện Nhiệt Đới đầy chân thực và xúc động.
"Nhiều người dân phản ứng không cho chụp ảnh, bản thân cũng biết nhưng dịch dã, mình cần tuyên truyền để người dân chủ động gian cách, phong tránh...". Nhà báo Hữu Thọ chia sẻ.
Cuộc chiến với đại dịch và thông tin giả mạo
Phóng viên Xuân Trường, báo Lao động và Xã hội chia sẻ, đợt dịch Covid-19 đầu tiên, khi mới tác nghiệp ở những điểm dịch và tại các khu cách ly tôi vẫn còn chủ quan, chưa biết được sự nguy hiểm của dịch bệnh Covid-19, tuy nhiên sau khi sự lây lan bùng phát và có những ca bênh tử vong tôi cảm thấy ớn lạnh người. Từ đợt dịch Covid-19 bùng phát trở lại Việt Nam lần thứ 2, mỗi lần theo đoàn công tác của Bộ Y tế, hoặc lãnh đạo UBND TP. Hồ Chí Minh đến các bệnh viện theo dõi tình hình bệnh nhân và vào các khu cách ly để kiểm tra công tác phòng, chống dịch tôi cũng hơi lo lắng vì đây là chủng virus mới, tốc độ lây lan nhanh hơn chủng cũ. Nhưng vì bản thân còn trẻ, khỏe, lại đi công tác cùng đoàn của ngành y tế nên em cũng dần dần vượt qua được những ngần ngại ban đầu.
"Qua những lần tiếp xúc với đội ngũ bác sĩ, y tá điều trị cho các bệnh nhân mắc Covid-19, tôi thấy việc an toàn tác nghiệp là điều quan trọng nhất, có đồ bảo hộ khi tác nghiệp sẽ giúp cho bản thân mình và người thân yên tâm. Trước đây khi dịch chưa bùng phát chúng tôi chỉ áp dụng một số biện pháp thông thường, nhưng qua đợt dịch này tôi thấy việc đảm bảo an toàn là quan trọng hơn cả. Qua mỗi lần tác nghiệp cùng đoàn của Bộ Y tế, Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP. Hồ Chí Minh… bản thân tôi cũng thấy mình được rèn luyện, nhanh nhạy và trưởng thành nhiều hơn", Xuân Trường chia sẻ.
Đặc biệt, mỗi lần vào các bệnh viện nơi có bệnh nhân mắc Covid-19 đang điều trị, tận mắt nhìn thấy sự tận tụy, hy sinh của các y, bác sỹ rất, họ mang bộ đồ bảo hộ kín mít cả ngày, không dám ăn và không dám uống nước mà lòng tôi quặn thắt. Hình ảnh một bác sỹ trưởng khoa lặng lẽ trở về phòng sau khi tiễn một bệnh nhân xuất viện, hình ảnh đôi mắt thâm quầng, rơm rớm của một bác sỹ khi chia sẻ về quá trình điều trị bệnh nhân, hình ảnh cô y tá mở chiếc điện thoại để xem ảnh các con đang ở nhà chờ mẹ về… những hình ảnh đó cứ ám ảnh mãi trong đầu tôi, nhiều đêm tôi thổn thức khó ngủ và mơ ước đại dịch qua thật nhanh để mọi thứ trở lại bình yên cho con người. Phóng viên Xuân Trường tâm sự.
“Công việc của một nhà báo tất nhiên là đưa tin gần như hàng ngày, tác nghiệp trong mùa dịch Covid-19 vài tháng, kể cả hàng năm trời… trong khi mặc đồ bảo hộ và mang khẩu trang. Theo hiểu biết của tôi, từ sau Chiến tranh Thế giới Thứ hai, Covid-19 là một trong những câu chuyện hay nhất và duy nhất trên thế giới, ảnh hưởng tuyệt đối đến tất cả mọi người, ở mọi quốc gia” Nhà báo Bùi Hương chia sẻ.
Đối với các nhà báo trên toàn thế giới, Việt Nam và với ThS, nhà báo Bùi Hương, Phó Trưởng Văn phòng đại diện Báo Trí thức và Cuộc sống tại TP.HCM, đại dịch Covid-19 là một câu chuyện thời sự chưa từng có. Chưa kể đến những thách thức cá nhân của một đại dịch ảnh hưởng đến mỗi người trong chúng ta, đã khiến đây trở thành một trong những câu chuyện độc đáo nhất mà các phóng viên có thể sẽ kể trong suốt quãng đời còn lại.
Tuy nhiên, ngoài cường độ đưa tin về sự hoành hành cũng như tàn phá của virus gây ra bệnh Covid-19, các nhà báo còn phải đối mặt với việc chiến đấu với thứ mà Tổ chức Y tế Thế giới mô tả là "Đại dịch thông tin". Thông tin sai lệch, thông tin giả mạo và tin đồn có thể lan truyền nhanh chóng và rộng rãi trong các trường hợp khẩn cấp về sức khỏe.
"Bạn có thể tìm thấy bất cứ thứ gì trên internet. Trên mạng xã hội, mọi người chia sẻ đủ thứ, thậm chí không có thật", nhà báo Bùi Hương chia sẻ. "Tìm một nguồn đáng tin cậy hoặc chính thống trong khi đại dịch Covid-19 diễn tiến phức tạp, kéo dài như hiện nay là điều quan trọng. Đại dịch thông tin đã dẫn đến sự gia tăng các hành vi bạo lực, quá khích".
Bên cạnh hình ảnh những chiến sĩ áo trắng chiến đấu ở tuyến đầu xét nghiệm sàng lọc, điều trị, bên cạnh hình ảnh những chiến sĩ áo xanh ngày đêm canh gác ở biên giới, ở những khu cách ly tập trung… thì những phóng viên tuyến đầu cũng đã có những ngày tháng cùng chống dịch căng thẳng trên tuyến đầu thông tin. Họ cũng sẵn sàng xa gia đình cả tháng, chấp nhận cách ly tập trung hoặc thuê phòng trọ ở riêng, phải thu xếp gửi con cái về nội, ngoại… và họ cũng chuẩn bị sẵn tinh thần đối mặt với nguy cơ bị lây nhiễm virus SARS-CoV-2, để có được những câu chuyện để lan tỏa cảm xúc tích cực đến với mọi người cùng đồng hành trong cuộc chống loại dịch bệnh nguy hiểm này.
Nhân dịp kỷ niệm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21/6, xin chúc đội ngũ nhà báo nói chung và nhà báo y tế nói riêng luôn nhiệt huyết, không ngừng phát huy tinh thần yêu nước, bản lĩnh chính trị để vượt qua mọi gian khó, tiếp tục cống hiến nhiều tác phẩm báo chí đặc sắc, xứng đáng với sự tin yêu của Đảng, Nhà nước và quần chúng nhân dân.