Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Những chuyện ấm lòng trong mùa lũ

 
Các cô giáo và học sinh ra ngoài an toàn sau 5 giờ dầm mình trong nước lũ. Ảnh: KT
 
Đặt mình vào hoàn cảnh để hiểu tâm trạng cô trò
 
Chuyện 15 cháu và 4 cô giáo Trường Mầm non xã An Hiệp, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên đã thu hút sự chú ý của đồng bào cả nước. Báo chí nói nhiều, nói chi tiết về sự kiện này. Trong câu chuyện này có nhiều điều cần phân tích, mổ xẻ, đánh giá đúng để chúng ta có thể làm những điều tốt đẹp cho cuộc sống.
 
Trước hết, chúng ta đặt mình vào tình cảnh của cô trò lúc đó: Trường đông học sinh nhưng vì mưa lũ nên ngày 13/12/2016 chỉ có 35 trò đến trường. Nhưng sau đó, 20 cháu được người nhà đón về. Khi chỉ còn 15 cháu và 4 cô giáo thì lũ tràn về dữ dội, nước cuồn cuộn và tiếp tục dâng lên. Trước tình thế hiểm nghèo, một mặt các cô gọi ứng cứu; mặt khác, 4 cô dầm mình trong nước, kê bàn, tủ chắc chắn để đưa các cháu lên.
 
Cần phải hiểu là ngôi trường này ở địa thế khá cao, chưa bao giờ bị ngập lụt, nghĩa là cô trò chưa bao giờ nghĩ mình có thể lâm vào hoàn cảnh ngặt nghèo này. Do vậy, chuyện có cháu sợ quá rơi xuống nước là điều dễ hiểu. Điều quan trọng nhất là trước tình cảnh ấy, các cô không hoảng sợ, không mất bình tĩnh mà lặn xuống, vớt cháu lên. Điều quan trọng nhất bấy giờ là không được để cho các cháu mất tinh thần, run lẩy bẩy và có thể còn rơi xuống nước nữa. Nước cứ lên mãi, tủ tài liệu cao 1,8 mét cũng có nguy cơ chìm nghỉm; các cô đu bám ở cửa sổ, có cô chỉ đứng được một chân, trên đầu, trên cổ các cô là các cháu bám… Nếu không được ứng cứu và giải thoát nhanh, cô trò sẽ gặp chuyện chẳng lành.
 
Có thể thấy, các cô không có kỹ năng cứu hộ lũ lụt tốt, nhưng các cô có tình thương yêu học trò và ý thức trách nhiệm. Ý nghĩ: “Thà cô chết chứ không để trò chết” đã minh chứng đầy đủ cho điều này. Chính vì thế, nhiều ngày đã trôi qua, cô Hiệu trưởng Võ Thị Thu Sương vẫn chưa hết bàng hoàng: “Đến giờ, tôi không nghĩ 4 cô giáo cùng 15 học trò lại thoát nạn. Lũ xuống rất nhanh, ngập vào phòng cao hơn 1,5m. Lúc đó, cả cô và trò đều khóc, nhưng các cô cố gắng giữ bình tĩnh tìm cách đưa các học trò thoát lũ”.
 
Cách trường hơn 100 mét, người nhà của các cháu đến đón nhưng cũng không thể nào tiếp cận trường được vì nước dâng cao và chảy xiết. Phải có lực lượng và phương tiện ứng cứu thì các cô trò mới thoát nạn.
 
 
 
Cô giáo Võ Thị Thu Sương, Hiệu trưởng trường Mầm non An Hiệp bên mô hình mái máng trượt hệt chiếc thúng cứu 15 học sinh cùng bốn cô giáo thoát nạn trong lũ quét. Ảnh: KT
 
Các cô trò được cứu cũng rất…dân dã
 
Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm đến việc phòng chống thiên tai. Lực lượng cứu nạn, cứu hộ được thành lập và xây dựng quy mô, hiện đại. Tuy nhiên, trong thực tế, để cứu người bị lũ thì những lực lượng này thường không có thời gian và điều kiện để ứng cứu. Do vậy, lực lượng tại chỗ và sự linh hoạt, sáng tạo, dũng cảm của con người là quyết định.
 
Các cô trò được cứu, trước hết là nhờ những thanh niên địa phương dũng cảm. Họ cũng chẳng có phương tiện gì, trừ sức khỏe, khả năng bơi lội và tinh thần cứu người. Một chi tiết thú vị là cây nấm mô hình mái nhà trong trường lại trở thành vật đắc dụng trong trường hợp này. Mái nhà hình nấm đó có đường kính khoảng 1 mét, được ghép kín bằng tôn; mọi người hạ xuống, lật ngửa lên và cho các cháu ngồi vào đấy để đưa đến nơi an toàn. Anh Bùi Xuân Đồng, một trong những người trực tiếp cứu các cô trò, kể: “Lúc đó, mưa lớn lắm, nước về nhanh, dâng lên rất cao bao lấy trường, trong khi các cô cháu mắc kẹt lại trong trường. Không chỉ riêng tôi, nhiều anh em khác cũng chẳng nghĩ ngợi gì, cứ bơi vào bên trong phòng học để đưa từng cháu ra ngoài. Cũng may, nhờ có cái mái nhà ở khu vui chơi trẻ em làm phao nên đưa các cháu ra ngoài rất an toàn. Nếu không có mái nhà mô hình, chắc chuyện cứu các cháu cũng khá căng. Lúc đó, cũng chẳng nghĩ gì, chỉ lo cứu các cô trò thôi”.
 
Vậy đó, nhóm thanh niên gồm có 7 người, đó là các anh: Bùi Xuân Đồng, Nguyễn Văn Luân, Trần Quốc Hận, Tô Giang Lam, Võ Văn Đức, Tô Hoài và Nguyễn Văn An. Trước hết, họ bơi đến trường hầu như bằng tay không. Sau đó quan sát thấy mái nhà mô hình và nhanh chóng sử dụng. Ngoài ra, họ cũng sử dụng bất cứ cái gì nổi như hộp xốp để nhanh chóng cứu cô trò.
 
Dù bị lũ tàn phá, sổ sách, máy móc, thiết bị bị hư hỏng, nhưng tất cả cô trò đều bình an vô sự. Trong chuyện này có một chút may mắn, nhưng phải thấy cái quyết định là lòng yêu thương và tinh thần trách nhiệm của các cô giáo và sự ứng cứu kịp thời của nhóm thanh niên. Cô Phó Hiệu trưởng Nguyễn Thị Hòa (người lặn xuống nước vớt học trò bị rơi lên nói: “Chỉ cần nước lũ dâng lên một chút nữa thì không còn chỗ đu bám cũng chết”.
 
Tuyên dương, khen thưởng rất kịp thời!
 
Ông Bùi Văn Thành, Chủ tịch UBND huyện Tuy An, là “người nhà” đã nhanh chóng đánh giá cao cách ứng xử của các cô: “Chúng tôi rất khâm phục, trong lúc nguy nan nhưng các cô rất bình tĩnh giải quyết kéo dài thời gian để chờ lực lượng tới ứng cứu 15 cháu học sinh mầm non thoát khỏi vùng lũ dữ”.
 
Điều làm người dân cả nước vui và hài lòng là dù bận rộn “trăm công, nghìn việc”, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đã gửi thư khen 4 giáo viên mầm non. Thủ tướng viết: “Tôi rất xúc động được biết tin, trong ngày 13 tháng 12 năm 2016, với lòng dũng cảm, trách nhiệm và tình người sâu sắc, các cô giáo Trường Mầm non xã An Hiệp và người dân địa phương đã cứu giúp và bảo vệ an toàn tuyệt đối cho các cháu học sinh trong khi lũ về nhanh, gây ngập lụt nghiêm trọng tại Trường. Thật cảm động trước suy nghĩ của các cô giáo: “Thà cô chết chứ không để trò chết”. Thay mặt Chính phủ, tôi gửi lời biểu dương, khen ngợi các cô giáo Trường Mầm non xã An Hiệp và người dân địa phương đã tham gia cứu giúp các cháu”.
 
Ngay buổi sáng 14/12/2016, anh Phan Xuân Hạnh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam tỉnh Phú Yên đã về tận nơi để tuyên dương và khen thưởng đột xuất cho 7 thanh niên trong thôn đã dũng cảm bơi trong lũ quét để cứu  cô trò Trường Mầm non xã An Hiệp bị lũ bao vây. Hành động dũng cảm, quên mình của các bạn trẻ vì cộng đồng đã cứu người kịp thời trong lũ sẽ có sức lan tỏa rộng khắp trong toàn Đoàn TNCSHCM và giới trẻ hiện nay.
 
Việc tuyên dương và khen thưởng (chủ yếu về mặt tinh thần) kịp thời có ý nghĩa động viên rất lớn với những người trong cuộc. Họ thấy hành động tốt của mình được đánh giá đúng. Còn đồng bào cả nước cũng cảm thấy phấn khởi và có thêm niềm tin, cũng như có ý “khen” những người có trách nhiệm sâu sát.
 
Lũ đã qua, cuộc sống đã trở lại bình thường. Nhờ sự trợ giúp của lượng lượng vũ trang tỉnh và đoàn viên thanh niên, Trường Mầm non xã An Hiệp đã trở lại hoạt động bình thường. Chỉ có điều, hạ tầng cơ sở bị thiệt hại khá nhiều, máy móc thiết bị cũng hư hỏng nặng. Việc khắc phục cần thời gian và tiền bạc.
             
                         
                                                      
4 cô giáo mầm non (Từ trái qua) Võ Thị Thu Sương, Thái Thị Tuyết Hồng, Lê Thị Kim Hằng và Nguyễn Thị Hòa quyết tâm cứu học sinh trong lũ dữ. Ảnh: KT
 
 
                                         Vài việc cần phải làm ngay!
 
Việc các cô trò Trường Mầm non xã An Hiệp thoát lũ là điều rất đáng vui mừng. Tuy nhiên, có những việc cần phải làm, phải nghĩ, phải ứng xử thích hợp để mọi thứ trở nên công bằng, hợp lý hơn.
 
Việc đầu tiên là cần phải theo dõi, chăm sóc y tế cho 15 cháu kẹt lại ở trường và được ứng cứu. Ở tuổi lên 4, lên 5, rơi vào hoàn cảnh đó, chắc chắn các cháu bị sốc. Cần có bác sĩ theo dõi sức khỏe tâm thần cho các cháu, trong trường hợp cần thiết phải có sự can thiệp của các chuyên gia.
 
Với 4 cô giáo, dù các cô không tỏ ra mất tinh thần nhưng cũng cần có sự nghỉ ngơi, tĩnh dưỡng để trở lại trạng thái hoàn toàn bình thường. Với phụ huynh, Nhà trường và địa phương cần có những biện pháp bổ sung để đề phòng thiên tai, hỏa hoạn. Điều này làm cho họ yên tâm gắn bó với trường hơn.
 
Điều cuối cùng tôi muốn nói: Sự kiện các cô giáo ở Trường Mầm non xã An Hiệp thể hiện tình thương và trách nhiệm với học sinh, khiến chúng ta suy nghĩ sâu hơn về nghề nuôi dạy trẻ. Trước đây, báo chí nói nhiều về một số cô giáo mầm non bạo hành trẻ, đối xử tồi tệ, dã man, thậm chí có cô đánh chết trẻ…, làm chúng ta có cái nhìn hơi thiếu thiện cảm với các cô giáo làm nghề này. Nay 4 cô giáo (gồm cả Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng) ở Trường Mầm non xã An Hiệp, bằng hành động dũng cảm, đầy tình thương và trách nhiệm khiến chúng ta yên lòng.
 
Tôi chỉ nói thêm một điều: Các cô ở đây được đào tạo bài bản, tuổi đời đã chín (từ 38 - 47 tuổi) nên hành động rất đẹp. Đây là cơ sở để chúng ta thấy rằng, các trường mầm non phải được tổ chức đúng tiêu chuẩn, được quản lý chặt chẽ và chỉ được sử dụng những người đã được đào tạo bài bản. Làm được những việc này, chúng ta mới tạm yên tâm về việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em ở nhà trường.
                                                             Trọng Đàm

Hồ Bất Khuất/Tạp chí Gia đình và Trẻ em