Người chết sống dậy ký giấy bán đất
“Chồng tôi mất từ năm 2004, làm sao có thể ký giấy bán đất vào năm 2009. Với lại, ngày hôm qua có anh phóng viên đến gặp rồi đưa cho tôi xem cái giấy bán đất có chữ ký của vợ chồng tôi, tôi mới biết là có thửa đất ở dưới Phú Thượng, chứ từ trước đến nay tôi có biết gì đâu.” Đó là lời của chị Trần Thị Hoa (hiện tạm trú tại Bao Vinh, xã Hương Vinh, thị xã Hương Trà, Thừa Thiên- Huế), nói về việc vợ chồng chị bị những người làm giả giấy tờ chuyển nhượng đất trái phép xảy ra tại xã Phú Thượng.
Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất số 37/HĐCN lập ngày 16/10/2009 giữa bên A là ông Đặng Lâm (chồng chị Hoa) và bà Trần Thị Hoa với bên B là bà Trần Thị Hồng Tâm. Theo nội dung được nêu trong hợp đồng thì ông Lâm và bà Hoa đồng ý chuyển nhượng quyền sử dụng thửa đất 192m2 có sổ đỏ số AM 186050, tọa lạc tại thôn Lại Thế (xã Phú Thượng) cho bà Tâm với số tiền 120 triệu đồng.
Theo đó, ông Nguyễn Tấn Lý, Chủ tịch UBND xã Phú Thượng xác nhận: “Các điều khoản trong hợp đồng ghi rõ: Việc giao kết hợp đồng này hoàn toàn tự nguyện, không bị lừa dối, không bị ép buộc; các bên giao kết hợp đồng đã tự nguyện thỏa thuận và cam đoan chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung đã ghi trong hợp đồng; tại thời điểm chứng thực, các bên giao kết hợp đồng có năng lực hành vi dân sự phù hợp với quy định của pháp luật; nội dung thỏa thuận của các bên trong hợp đồng không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội; các bên giao kết đã đọc hợp đồng này, đã đồng ý toàn bộ nội dung ghi trong hợp đồng và đã ký vào hợp đồng này trước sự có mặt của tôi”.
Chị Trần Thị Hoa trong buổi làm việc với phóng viên
Hợp đồng này sẽ không có vấn đề gì và phù hợp với quy định của pháp luật nếu như thửa đất được hai bên trao đổi mua bán là tài sản có thật của vợ chồng Lâm, Hoa và thời điểm hợp đồng được ký ông Đặng Lâm vẫn còn sống. Điều trớ trêu là hợp đồng chuyển nhượng được lập tháng 10/2009 nhưng ông Lâm đã qua đời từ năm 2004 và đã được UBND phường Tây Lộc ký giấy chứng tử, còn bà Hoa hoàn toàn không biết có thửa đất nêu trên và không được ký vào bất kỳ giấy tờ chuyển nhượng nào.
Vậy, ai đã ký thay cho một người đã chết, còn một người hoàn toàn không biết gì về sự việc? Tại sao ông Nguyễn Tân Lý với cương vị là Chủ tịch một xã lại có thể chứng thực cho một hợp đồng sai trái như vậy.
Lần theo vấn đề, chúng tôi tìm được giấy nhận tiền đặt cọc tiền bán lô đất, có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AM 186050, thửa đất 571,9, tờ bản đồ số 3, tọa lạc tại thôn Lại Thế, xã Phú Thượng do bà Nguyễn Thị Ngọc, trú tại tổ 2, thôn Tây Thượng (xã Phú Thượng) ký nhận. Giấy biên nhận này được lập ngày 30/11/2007 giữa bà Nguyễn Thị Ngọc và bà Lê Thị Hoa, tại UBND xã Phú Thượng, có ông Lưu Châu Phúc, nay là Phó Chủ tịch HĐND xã Phú Thượng ký làm chứng.
Trong giấy nhận tiền đặt cọc, bà Ngọc viết: “Tôi đồng ý với thỏa thuận bán cho chị Hoa thửa đất số 571,9, tờ bản đồ số 3, diện tích 192m2, tọa lạc tại thôn Lại Thế, xã Phú Thượng, huyện Phú Vang. Chủ thửa đất đứng tên là ông: Đặng Lâm và bà Trần Thị Hoa.” Bà này cũng cam đoan “….từ ngày 12/1/2008 đến 22/1/2008 tôi sẽ giao giấy thẻ đỏ tên Đặng Lâm + Trần Thị Hoa cho chị Lê Thị Hoa.
Chữ ký trong hợp đồng chuyển nhượng đất chị Hoa xác nhận không phải của mình và của chồng
Tôi sẽ chuyển nhượng từ thẻ Đặng Lâm + Trần Thị Hoa sang chị Lê Thị Hoa ngay Ủy ban nhân dân xã Phú Thượng. Nếu có gì sai tôi xin chịu hoàn toàn trước pháp luật và sẽ trả tiền lui vào ngày 22/1/2008 gấp đôi tiền cọc.” Sau này, không hiểu vì lý do gì mà vụ mua bán này bất thành và dẫn đến hợp đồng chuyển nhượng số 37/HĐCN ngày 16/10/2009.
Như vậy từ đây đã rõ người đứng ra trực tiếp giao dịch mua bán thửa đất 571,9 là bà Ngọc chứ không phải vợ chồng Đặng Lâm, Trần Thị Hoa. Liệu có uẩn khúc nào xoay quanh thửa đất này?
Hơn nữa, khi làm việc với UBND phường Tây Lộc, nơi đăng ký hộ khẩu thường trú của ông Đặng Lâm, UBND phường này xác nhận ông Lâm đã mất từ năm 2004. Do đó, ông Lâm không thể có đủ năng lực hành vi, không tự nguyện ký tá giấy tờ, cũng như không được đọc hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất số 37/HĐCN.
Khi tiến hành so sánh nét chữ của bà Trần Thị Hoa trong giấy đăng ký kết hôn với nét chữ trong hợp đồng chuyển nhượng, bằng mắt thường cũng nhận ra hai nét chữ hoàn toàn khác nhau.
Sự thật chỉ hé lộ khi chúng tôi nhắc tới cái tên Nguyễn Thị Ngọc. Chị Hoa cho hay: “Chị Ngọc là con bà o (cô) ruột của chồng tôi. Khi chúng tôi mới kết hôn, hoàn cảnh khó khăn, anh Lâm phải đạp chiếc xe đạp cọc cạch đi dạy phụ đạo, còn tôi thì buôn bán thịt bò trong chợ.
Thấy hoàn cảnh khó khăn của vợ chồng tôi, chị Ngọc bảo đưa giấy chứng minh thư nhân dân để chị ấy làm thủ tục vay ngân hàng cho để mua cái xe máy cũ mà đi, vì chị ấy làm bên ngân hàng. Khi đó vay được 6 triệu đồng và vợ chồng tôi mua cái xe máy Dream. Đến khi chồng tôi mất, cũng mới trả được 3 triệu đồng, còn 3 triệu hôm Tết vừa rồi chị Ngọc nói là chị cho em đó”.
Như vậy phải chăng có kẻ đã lợi dụng giấy tờ của vợ chồng ông bà Đặng Lâm, Trần Thị Hoa để đăng ký hộ khẩu ảo về thôn Lại Thế, xã Phú Thượng, huyện Phú Vang để được giao đất khống.
Công an xã ký cấp hộ khẩu ảo
Tổng cộng có tới 130 sổ hộ khẩu (SHK) không có trong sổ theo dõi hộ khẩu của công an xã Phú Thượng được các ông Lê Văn Hòa, nguyên Trưởng Công an giai đoạn 2000 - 2007, Nguyễn Văn Nhàn, nguyên Phó rồi Trưởng Công an giai đoạn 1993 - 2012 và ông Tôn Quốc Phương, nguyên Phó Công an xã giai đoạn 2000 – 4/2012 ký cấp cho những người không thực sự sinh sống tại địa phương.
Chị Nguyễn Thị Xinh rất bất ngờ khi được biết gia đình mình có thêm SHK ở địa phương khác
Theo biên bản làm việc do Thanh tra tỉnh Thừa Thiên- Huế lập với ông Nguyễn Văn Nhàn ngày 19/6/2012 về nội dung: Một số vấn đề liên quan đến việc đăng ký và quản lý hộ khẩu của một số hộ dân trên địa bàn xã Phú Thượng, ghi nhận có 130 trường hợp không chuyển hộ khẩu về xã Phú Thượng.
Ông Nhàn thừa nhận: “Bản thân đã không thực hiện đúng theo quy định tại Điều 10, Nghị định số 51/CP của Chính phủ và Thông tư số 06 của Bộ Công an. Cụ thể đã thực hiện số lượng 130 trường hợp không chuyển hộ khẩu về xã Phú Thượng và 20 trường hợp nhập hộ khẩu đến nay đã chuyển về nơi cư trú cũ….(số lượng nói trên có cả các ông: Tôn Quốc Phương và Lê Văn Hòa nguyên Phó, Trưởng Công an ký).”
Lý do mà các vị Phó, Trưởng công an xã Phú Thượng đưa ra khi ký hộ khẩu ảo chủ yếu là do tình cảm cá nhân. Ông Hòa nói, bản thân có ký nhập hộ khẩu cho các hộ nhưng do thời gian đã lâu nên không nhớ rõ vì sao. Còn ông Tôn Quốc Phương tiết lộ lý do “rất tình cảm”: “Bản thân có ký nhập hộ khẩu cho các hộ nói trên với lý do tình cảm cá nhân….
Mục đích nhập hộ khẩu là để cho con, em thuận tiện trong việc đi học ở Trường Phan Đăng Lưu thuộc huyện Phú Vang. Riêng trường hợp ông Lương Công Tấn (một trong những trường hợp do ông Phương ký SHK, pv) cũng nói như trên,….và bản thân có đi nhậu với họ một bữa chứ không có nhận tiền.”
Để làm rõ sự việc, chúng tôi đã tìm đến những hộ có tên trong danh sách được Đoàn Thanh tra lập và đa số họ tỏ ra vô cùng ngạc nhiên khi biết thông tin này.
“Gia đình tôi cư trú ở phường này (phường Phú Hội, pv) từ lâu nay. Trong khoảng 10 năm trở lại đây, gia đình tôi cũng không chuyển khẩu đi đâu hết,” chị Trương Thị Lan Hương, trú tại 3/41 Lê Quý Đôn cho biết. Khi chúng tôi hỏi có cho ai mượn giấy tờ tùy thân không, chị này cho hay: “Chồng tôi hay về làm dưới xã Phú Thượng (chồng chị Hương làm nghề gò hàn tự do), không biết anh ấy có cho ai mượn không nữa.” Trong danh sách do Đoàn Thanh tra lập, gia đình Nguyễn Văn Trai (1970), Trương Thị Lan Hương (1977) có hộ khẩu tại thôn Ngọc Anh, xã Phú Thượng, số hộ khẩu 2800, ngày chuyển đến 20/7/2000 do ông Nguyễn Văn Nhàn ký.
Đất được UBND xã Phú Thượng giao cho người dân xây nhà ở hay xây chỗ nhốt trâu bò?
Nơi chuyển đến từ 3/4 (nay là số nhà 3, kiệt 41) đường Lê Quý Đôn, phường Phú Hội, Tp Huế. Tuy nhiên Đoàn Thanh Tra xác định không có số hộ khẩu 2800 mang tên Nguyễn Văn Trai, Trương Thị Lan Hương trong Danh sách sổ đăng ký hộ khẩu của Công an Phú Thượng.
Vô cùng kinh ngạc và lo lắng khi biết gia đình mình có SHK ở một địa phương khác nhưng trước đó không hề làm thủ tục chuyển khẩu là trường hợp của vợ chồng Nguyễn Văn Nam, Nguyễn Thị Xinh. Danh sách của Đoàn Thanh tra 262 lập ghi nhận, Nguyễn Văn Nam (1968), Nguyễn Thị Xinh (1969), Ngọc Anh, Phú Thượng, (HK số: 2784); chuyển đến từ thôn 7, xã Thủy Phương, Hương Thủy, ngày 8/7/2002.
Tuy nhiên không có tên Nguyễn Văn Nam (1968), Nguyễn Thị Xinh (1969) trong Danh sách sổ đăng ký hộ khẩu ở công an xã Phú Thượng (Nguyễn Văn Nhàn ký). “Cha trời ơi! Sao lạ vậy nhỉ? Vợ chồng tôi ở đây cả mấy chục năm nay, có SHK, CMND đầy đủ mà sao lại có thêm cái hộ khẩu ở Phú Thượng nữa. Cả tên chồng, tên vợ rồi năm sinh, địa chỉ trước khi chuyển đến đều trùng khớp, chắc chắn là vợ chồng tôi bị làm giả giấy tờ rồi?”, chị Xinh tỏ rõ sự lo sợ của mình.
Hàng trăm lô đất đã được giao giờ bị bỏ không, nhưng tiêu chí giao đất của xã lại ghi là cấp cho những người có nhu cầu cấp thiết về đất ở.
Tuy nhiên theo ghi nhận của chúng tôi, vẫn có người biết rằng mình có hộ khẩu ở xã Phú Thượng, dù gia đình đã có SHK thường trú cố định ở địa phương khác. Họ xác nhận rằng giai đoạn đó có về Phú Thượng mua, bán đất, vì thấy rẻ? Phải chăng những SHK ảo này còn có mục đích khác so với mục đích mà 3 vị Phó, Trưởng Công an xã Phú Thượng trình bày? Đó là nhập hộ khẩu… vì đất ?