Còn nhớ năm 2011, khi tôi và nhà báo Đình Tiệp, báo Tài nguyên và Môi trường đi tác nghiệp ở huyện Quỳ Hợp. Khi đó chúng tôi chỉ xây dựng đề cương đi viết về các khu khai thác mỏ không hoàn thổ và gây ô nhiễm môi trường. Thế nhưng khi vào gặp một chủ doanh nghiệp, chúng tôi chưa đặt vấn đề phỏng vấn thì chủ doanh nghiệp đã hỏi: "Các anh đi trong mỏ ra ạ? Dạ bọn em vừa mới ra đến nơi. Các anh thông cảm cho doanh nghiệp, bọn em cũng làm cẩn thận lắm, giám sát cẩn thận nhưng chú công nhân đó nó say rượu nên đi lạc vào khu vực dễ sập mới bị tai nạn. Bọn em cũng đã hỗ trợ cho gia đình để đưa xác về mai táng rồi. Xin các anh đừng viết lên báo nữa, doanh nghiệp bọn em cũng vất vả lắm…". Thực tình khi đó, chúng tôi vẫn chưa biết tai nạn lao động xảy ra ở mỏ nào, vì doanh nghiệp này có nhiều mỏ. Nhưng sau khi ra khỏi doanh nghiệp chúng tôi đã có một quyết định mới. Đó là bổ sung thêm đề cương, điều tra về tai nạn lao động trong các hầm mỏ. Chính sự thay đổi này đã khiến cho chuyến tác nghiệp trở thành một chuyến đi nhớ đời.
Mỏ Phá Líu (thuộc xã Châu Hồng, huyện Quỳ Hợp) của công ty CP D.C. Rất may mắn cho chúng tôi, nhà báo Đình Tiệp, có một người bạn cùng quê lại là người quản lí mỏ ở đó. Chúng tôi đặt vấn đề xin giả làm lao động tự do xin vào làm, để vào xem cho biết. Ngay lập tức được quản lí mỏ là bạn nhà báo Đình Tiệp đồng ý. Chúng tôi trở thành công nhân đẩy xe rùa trong hầm mỏ khai thác quặng thiếc. Điều quan trọng nhất chúng tôi được dặn dò là phải đi theo người dẫn đường, vì mỏ được đào từ chân núi vào sâu trong lòng núi. Sau đó sẽ được đào theo các hướng khác nhau kiểu chân chim. Đi loằng ngoằng tùy theo thợ khoan âm. Người này biết được hướng nào có nhiều quặng. Vì thế để tránh lạc đường thì phải nhất nhất đi theo người dẫn đường. Người này mới biết được cách đánh dấu đường. Người dẫn đường nói đã có không ít người lạc đường và chết trong mỏ vì không có ô xi, hết ngày làm việc điểm danh không thấy mới tìm ra xác. Cũng có người đi sai đường bị mỏ sập đè chết. Những người khai thác mỏ chỉ chống cọc, kè chắc chắn những vị trí đang khai thác. Còn các vị trí đã khai thác rồi họ không quan tâm. Chính vì thế các khu vực khác có thể bị sập bất cứ lúc nào. Lời nói đó khiến tôi càng rrun sợ hơn.
Chúng tôi bắt đầu cuộc "thám hiểm" trong run sợ. Chúng tôi đeo mỗi người một đèn pin lên đầu và bắt đầu vào hầm. Càng vào sâu, tôi càng cảm thấy sợ vô cùng, người lạnh ngắt. Những đường hầm ngang dọc, chằng chịt được chằng chống một cách rất sơ sài bằng các khúc gỗ, cây tre cũ kỹ, mục ruỗng. Hình ảnh chứng tỏ những hang sâu này đã được đào từ nhiều năm trước. Những hầm lò này dường như không dành cho người yếu tim, bởi chỉ nhìn thấy thôi cũng có thể ngạt thở, thậm chí ngất xỉu vì sợ. Nó có thể sập bất cứ lúc nào.
Quanh co, lòng vòng khoảng vài trăm mét, ánh đèn điện sáng trưng như "mê cung" trong phim. Hàng chục công nhân đang hì hục đào bới từng tảng đá, lớp đất. Từng đống đất chứa quặng thiếc đổ ra rồi từng người cứ thế hì hục xúc lên xe đẩy rồi lần lượt đi ra theo "đường ray" gắn lòng vòng trong hầm để đưa ra sàng tuyển quặng ngoài mặt đất. Công việc cứ thế, một buối sáng mỗi người trong nhóm chúng tôi xúc và đẩy được khoảng 20 chuyến như thế. Người nào cũng mô hôi nhễ nhại, người mệt nhoài, chân tay đau ê ẩm, nhức buốt… Có một chuyến vì quá mệt không theo kịp đoàn dẫn đường, tôi chỉ định ngồi nghỉ một tí rồi đi. Thế nhưng khi đi tiếp, đoạn đầu tôi đã hình dung được để đi theo. Nhưng không may chỉ được một đoạn thì có một ngã tư, tôi vô cùng hoảng sợ, không biết đi theo lối nào. Tôi đứng đó và chờ đợi. Chỉ hy vọng khi họ đi quay vào vẫn đi đường này và đi ra cũng chỉ đi đường này. Và rất may cho tôi, khi đồng nghiệp không nhìn thấy tôi, đã báo lại và người dẫn đường đã quay lại đưa tôi ra. Đó cũng là chuyến xe cuối cùng của buổi sáng. Nghỉ ăn trưa, chúng tôi chào người quản lí và một mạch trở ra thị trấn. Quay lại nhìn ngọn núi xanh xám, nhưng trong lòng bị đục khoét nát tươm mà thở dài nhẹ nhõm vậy là mình vẫn sống tuy không tìm được manh mối gì về tai nạn lao động.
Cũng tại khu vực mỏ này năm 2012, tôi cùng nhà báo Đình Tiệp và nhà báo Trần Hoài, báo Quân đội nhân dân, quay lại viết bài về lao động nước ngoài tại Nghệ An, ở mỏ đá bên cạnh của công ty CP SJ. Sau khi tìm hiểu xong, chúng tôi vừa xuống núi thì một tiếng nổ lớn phát ra từ trên đỉnh núi và đá bắt đầu rơi xuống. Chúng tôi tăng hết ga xe máy chạy thục mạng mới ra khỏi vùng nguy hiểm. Cú nổ mìn dường như để cảnh báo chúng tôi "Không phải nơi nào cũng là nơi tác nghiệp của các chú đâu nhé".
Ngoài kỷ niệm với nhà báo Đình Tiệp và nhà báo Trần Hoài, tôi còn có nhiều kỷ niệm với nhà báo Nguyễn Duy, báo Dân Trí. Năm 2103, tôi và nhà báo Nguyễn Duy, đi điều tra về trồng cây thuốc phiện tại huyện miềm núi Quế Phong. Khi được cán cán bộ chỉ đường vào bản Huồi Mới và Huồi Xái, xã Tri Lễ, huyện Quế Phong (Giáp Lào) chúng tôi mừng lắm. Tuy nhiên vào trong rừng núi hiểm trở. Chúng tôi càng đi càng không tìm được đường. Vài lần bị lạc mãi mới tìm được một ít. Đồng bào Mông thường trồng những khoảnh nhỏ trên nương rẫy để ăn rau sống. Con khu vực trồng nhiều để lấy nhựa thì không tìm được. Đến khi gặp đồng bào Mông, ngồi nói chuyện, đồng bào biết được ý đồ của nhà báo, chúng tôi được một bữa rượu sắn nhớ đời và ra về vui vẻ. Sau này khi Công an và bộ đội biên phòng vào cuộc chúng tôi đi cùng mới có được bài viết.
Đi điều tra gỗ lậu và tái trồng cây thuốc phiện, tôi và nhà báo Đình Tiệp cũng có một kỷ niệm rất vui. Lúc đó anh Lữ Đình Thi đang là chủ tịch huyện. Khi chúng tôi đặt vấn đề đi vào xã biên giới thăm để viết bài, gặp gì viết nấy, thì anh Thi cử ngay một phó chánh văn phòng dẫn chúng tôi đi. Sáng sớm vừa ăn sáng xong. Phó chánh văn phòng huyện đưa điện thoại lên gọi cho chủ tịch xã Nậm Giải, nói bằng tiếng Thái: "Cẩn thận mọi thứ nhé, nhà báo đang trên đường vô". Không may cho anh Phó chánh văn phòng là nhà báo Đình Tiệp lại là người Thái. Tất cả bị bại lộ, thế nhưng trong chuyến đi đó chúng tôi cũng chỉ tìm được một ít gỗ và cây thuốc phiện vì địa bàn quá hiểm trở.
Với nhà báo Nguyễn Duy, tôi cũng có một câu chuyện tác nghiệp không bao giờ quyên. Năm 2013, tôi và nhà báo nguyễn Duy đi điều tra vụ : "Nhiều thủ đoạn khai thác gỗ trái phép". Câu chuyện kể về việc Lâm trường Cô Ba, thuộc huyện Quỳ Châu (Nghệ An), lợi dụng, kế hoạch khai thác được tỉnh phê duyệt để khai thác gỗ trái phêp bán lấy tiền chia nhau. Khi tôi và nhà báo Nguyễn Duy vào tiếp cận hiện trường thì không phát hiện ra. Tuy nhiên, sau đó, chúng tôi đi vào trong rừng sâu tìm kiếm. Khi tìm kiếm, chúng tôi phát hiện ra có nhiều gỗ được xẻ ra và giấu trong bụi rậm. Chúng tôi âm thầm theo dõi. Khoảng một tiếng sau, có một xe reuo từ ngoài tiến vào. Sau đó xe này, cẩu và chở 3 cây gỗ lớn đi ra. Chúng tôi đi theo xe. Đến một bãi tập kết trong rừng, chiếc xe reuo dừng lại.Sau đó, chiếc xe thả hai khúc gỗ xuống. Còn khúc gỗ lớn nhất, xe chuyển đến một xưởng cưa trong rừng. Lúc chúng tôi có mặt, cũng là lúc khúc gỗ lớn, bắt đầu được đưa vào cưa để xẻ gỗ. Lúc này nhà báo Nguyễn Duy, đứng sau lưng tôi, dùng máy quay, kê lên vai tôi để quay. Bât ngờ, một công nhân từ trong xưởng cưa, cầm một thanh sắt rộng khoảng 60cm, dài khoảng 1,2m lao ra. Vừa chạy người kia vừa hô "Mẹ chúng mày, quay cái gì mà quay". Nhanh như chớp, tôi và nhà báo Nguyễn Duy lên xe bỏ chạy. Mấy tên kia cũng lấy một xe đuổi theo nhưng chúng tôi nhanh chóng đến được trạm quản lí bảo về rừng gần đó thoát thân.
Cuộc đời tác nghiệp của những phóng viên "chiến trường" như chúng tôi, có bao câu chuyện cười ra nước mắt. Cũng có nhiều câu chuyện nguy hiểm khôn lường. Nhân dịp ngày truyền thống ngành báo chí cách mạng Việt Nam, chúng tôi, những người làm báo, có vài câu chuyện vui, kể cùng bạn đọc, như là những lời tâm sự cùng ban đọc qua các câu chuyện mà chúng tôi từng kể trên mặt báo.