Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

“Những chuyện tình thế kỷ mới”: Bức tranh siêu thực của trí tưởng tượng

“Những chuyện tình thế kỷ mới” là tiểu thuyết dài hơi nhất của nhà văn Trung Quốc Tàn Tuyết viết về một chủ đề có thể coi là truyền thống và phổ thông nhất mà ngòi bút bà từng phóng tới - tình yêu, hứa hẹn sẽ là một lối dẫn gợi mở cho độc giả Việt Nam vào thế giới văn chương Tàn Tuyết huyền bí.

Tàn Tuyết tên thật là Đặng Tiểu Hoa (sinh năm 1953), quê gốc Trường Sa, tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc. Năm 1985, Đặng Tiểu Hoa bắt đầu sáng tác với bút danh Tàn Tuyết. Là một người say mê triết học, Tàn Tuyết đã thực hành đọc sâu triết học phương Tây trong nhiều năm, bà tự nhận trong tư duy nghệ thuật của mình có cả sự giao thoa giữa tư duy triết học cổ điển, chủ nghĩa kinh nghiệm và chủ nghĩa duy lý phương Tây trên nền tảng của thực tiễn và truyền thống văn hóa Trung Quốc.

Sự nghiệp của bà có thể nói là đồ sộ (tính đến năm 2019 gồm gần mười tiểu thuyết, hơn một trăm truyện ngắn và trên dưới chục tập tiểu luận, phê bình), lượng tác phẩm được dịch có lẽ chưa bao phủ được thế giới văn chương ngày càng vươn sải của Tàn Tuyết, nhưng ngay chỉ với những “dữ kiện” còn khuyết thiếu trong tay, độc giả một khi đã quyết tâm và thực sự dấn chân vào thì quả khó lòng cưỡng lại lực hút lạ kỳ từ địa hạt của những câu chữ giản đơn bề mặt đa nghĩa bề sâu mà bà cày xới – nơi hiện thực liên tục xô xệch, phân tán, cô đặc, rồi đâm chỉa như cơn ác mộng khi còn thức.

Mặc dù mang những đặc điểm của văn học phái tiên phong những năm 80, nhưng phong cách nghệ thuật của Tàn Tuyết lại rất khác biệt so với những tác giả văn học tiên phong Trung Quốc cùng thời như Mã Nguyên, Dư Hoa, Cách Phi, Tô Đồng, Diệp Triệu Ngôn, Tôn Cam Lộ, Bắc Thôn... Tác phẩm của Tàn Tuyết thường được so sánh với tiểu thuyết của Kafka, Schulz, Calvino hay Borges – những nhà văn mà bà yêu thích và thừa nhận có chịu ảnh hưởng.

Avatar sach

“Những chuyện tình thế kỷ mới” là cuốn cuối cùng trong “sê-ri” (như tác giả gọi) ba tác phẩm ngầm kết nối với nhau, khởi đầu bằng “Phố Ngũ Hương” và kế tiếp là “Người tình cuối cùng” (tạm dịch), nhưng lại được chuyển ngữ sang tiếng Việt trước nhất. Điều này vừa đem tới lợi thế đồng thời cũng vừa thách thức độc giả. Bởi trong một phỏng vấn, Tàn Tuyết có nói, “Những chuyện tình thế kỷ mới” sẽ đưa ra câu trả lời cho những băn khoăn của độc giả ở hai tác phẩm trước. Vậy là với người chân ướt chân ráo đọc ngay “Những chuyên tình thế kỷ mới”, họ vô tình có chìa khóa cho những khúc mắc mình chưa từng biết tới và cứ thế dấn bước trong vị thế của người mò mẫm tìm câu trả lời mình đã sẵn trong tay. 

“Những chuyện tình thế kỷ mới” dẫn dụ người đọc vào miền thăm thẳm của tình yêu – vùng đất tưởng chừng đã bị cày ải, xói mòn đến bạc màu, cằn cỗi – qua vô vàn lối đi lắt léo và diệu ảo.

Văn chương Tàn Tuyết có thể khó đọc nhưng không thách thức như nhiều người lầm tưởng. Trước hết là bởi lớp văn chương bề mặt của bà không hề khó tiếp cận. Nó không trùng điệp những tường thành chữ nghĩa, những câu phức xoắn bện. Câu chữ Tàn Tuyết đơn giản, ngắn gọn và bất chấp việc thiếu vắng một cốt truyện kịch tính truyền thống, vẫn lôi cuốn một cách kỳ lạ với khả năng vẽ nên những cảnh trí nên thơ dị thường. Sau nữa, Tàn Tuyết viết từ một lòng yêu cuộc sống sâu sắc. “Chính cuộc sống trần tục đã nuôi sống các buổi biểu diễn của tôi, và đồng thời, chính việc biểu diễn đã mang lại ý nghĩa cho cuộc sống thế tục của tôi.” 

Văn chương Tàn Tuyết, một mặt chưa bao giờ rời xa gốc rễ của sự sống, mặt khác liên tục mở ra vô tận những khả năng, hình thái, bản thể không ngờ tới của cuộc sống, mời gọi người đọc tiến vào. Được “tiếp sức” từ cuộc sống, nên không khó nhận ra tinh thần hiện đại và cấp tiến ở văn chương Tàn Tuyết. Ở “Những chuyện tình thế kỷ mới” đó là tính nữ (quyền) đậm nét với các nhân vật nữ chiếm vị trí trung tâm. Họ từ chối giam hãm dục vọng, trung thành với ham muốn, dám khao khát và sẵn sàng theo đuổi mục tiêu (kể cả khi hình thức họ theo đuổi bị định kiến là “sa ngã”), và họ tin tưởng “Thế giới nhỏ bé này vẫn còn chỗ cho niềm vui [của cô], nên nó vẫn là một nơi tốt.”

Bên cạnh tinh thần nữ quyền, Tàn Tuyết cũng không che giấu thái độ vạch trần bản chất xã hội Trung Quốc hiện đại và phản kháng lại chủ nghĩa vật chất, bạo quyền và bạo lực.