Hồi sinh dòng kênh "chết" thành địa điểm du lịch
Sau chiến thắng 30/4/1975, thống nhất đất nước, chính quyền và nhân dân cả nước cùng chung sức chung lòng xây dựng để vực lại kinh tế… Trong đó, TP Hồ Chí Minh là một trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục, có một bề dày lịch sử về phát triển các công trình kiến trúc sớm nhất cả nước.
Sau 46 năm vượt qua nhiều giai đoạn thăng trầm, kinh tế TP Hồ Chí Minh đã không ngừng thay đổi. Ngày nay, TP Hồ Chí Minh là TP hiện đại, năng động, sáng tạo, là đô thị đặc biệt, một trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục - đào tạo là đầu tàu kinh tế của cả nước với những công trình mới mang tầm vóc như: 2 tuyến đường Hoàng Sa và Trường Sa dọc kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Đại lộ Phạm Văn Đồng, Tuyến Metro số 1, Đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu dây.
Trong số các công trình mới, có thể nói công trình mang dấu ấn lịch sử và làm thay đổi đời sống người dân, thay đổi diện mạo của TP ấn tượng nhất chính là kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Trước đây khi nhắc đến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè người ta nghĩ ngay đến dòng kênh đen, hôi thối với những khu nhà ổ chuột san sát nhau, nhưng những năm gần đây dòng kênh này đã dần chuyển mình "lột xác" thành một dòng kênh trong xanh, trên bến dưới thuyền.
Đang tập thể dục ở trên công viên bên dòng kênh, trò chuyện với chúng tôi, ông Lê Văn Hải (66 tuổi - người dân sống gần Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè) cho hay, Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè chảy qua các quận Tân Bình, Phú Nhuận, 10, 3, 1 và đổ ra sông Sài Gòn ở Bình Thạnh, đoạn giao với sông Sài Gòn ở Ba Son. "Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp - Mỹ, con kênh này cũng là nơi diễn ra nhiều trận đánh tạo nên chiến công vang dội. Cũng trong thời chiến, người dân các vùng khác đã chạy đến vùng kênh này, dựng nên các khu nhà ổ chuột, sinh hoạt tạm bợ nên dòng kênh ngày càng bị ô nhiễm nặng nề. Đến khoảng năm 1970, nơi đây đã trở thành một dòng kênh 'chết' và ngày càng ô nhiễm, nước đen kịt, mùi thối bốc lên nồng nặc", ông Hải nhớ lại.
Từ tháng 3/1993 TP bắt đầu di dời những hộ dân sống trên và ven dòng kênh. Đến năm 2000, TP đã di dời và tái định cư cho khoảng 9.300 hộ dân, từ đó thành phố đã hoàn toàn xóa được tình trạng nhà tạm trên và ven kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Sau khi giải tỏa được hàng ngàn căn nhà tạm, TP tiếp tục đầu tư xây dựng hai tuyến đường Hoàng Sa - Trường Sa dọc hai bên bờ kênh. Làm đường, lát vỉa hè, trồng cây xanh, xây dựng công viên dọc theo hai tuyến đường này.
Đến nay, hai con đường đã rợp bóng cây xanh với vỉa hè thoáng đãng, trở thành nơi vui chơi, nghỉ ngơi hóng mát và tập luyện thể dục, thể thao cho người dân. Từ dòng kênh "chết" dòng nước đen, bốc mùi hôi thối, không có cá, tôm nào sống nổi. Hiện nay, TP đã hồi sinh được dòng nước trong xanh, bằng mắt thường chúng ta có thể thấy từng đàn cá đang bơi tung tăng dưới nước. Chính từ sự thành công cải tạo dòng kênh, thành phố đã triển khai tuyến du lịch đường thủy nội thị đầu tiên trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Biến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè trở thành một điểm sáng trong hoạt động cải thiện môi trường và điều kiện sống cho người dân, đồng thời với công tác chỉnh trang đô thị và phát triển kinh tế.
Dấu ấn từ những công trình giao thông
Với tốc độ tăng trưởng kinh tế và mật độ dân số tăng cao, TP Hồ Chí Minh đã thu hút vốn đầu tư xây dựng những công trình giao thông tiêu biểu nhằm "giải nhiệt" áp lực phương tiện giao thông và khắc phục tình trạng kẹt xe vào giờ cao điểm, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế đô thị TP. Trong số các công trình giao thông ấn tượng nhất là Đại lộ Phạm Văn Đồng, Tuyến Metro số 1, Đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu dây…
Đại lộ Phạm Văn Đồng được đánh giá là một trong những tuyến đường đẹp nhất của TP. Hồ Chí Minh. Đại lộ có chiều dài khoảng 13,6 km và rộng từ 30 - 65m, thuộc tuyến đường Vành đai số 1 kéo dài từ sân bay Tân Sơn Nhất đến ngã tư Linh Xuân, Thủ Đức. Được thông xe vào năm 2015, đại lộ Phạm Văn Đồng mang lại những giá trị lớn như, giảm ùn tắc giao thông quanh khu vực các quận như: Tân Bình, Gò Vấp, Bình Thạnh, TP Thủ Đức,... mở rộng cửa ngõ tới khu Đông từ khu vực nội thành, góp phần thúc đẩy giao lưu phát triển giữa các khu vực, kéo dần khoảng cách giữa các quận nội thành và ngoại thành không chỉ trên lĩnh vực địa lý mà còn trên phương diện kinh tế, xã hội; tạo tiềm năng cho những dự án bất động sản ra đời trong tương lai phát triển nhiều công trình kiến trúc, thúc đẩy kinh tế phát triển.
Tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên là một trong những dự án hạ tầng nổi bật nhất khu vực này với mức đầu tư khoảng 44.000 tỉ đồng. Theo đó, tuyến metro số 1 đi từ Bến Thành đến Suối Tiên được xem như "huyết mạch" của TP. Đây là công trình có vốn đầu tư lớn và là tuyến đường giao thông tàu điện lần đầu có mặt tại Việt Nam. Dự án sau khi hoàn thành sẽ đem lại diện mạo mới cho giao thông TP, thay đổi thói quen sử dụng dịch vụ công cộng của người dân và thúc đẩy kinh tế xã hội cho khu vực. Hiện nay dự án giao thông này đã hoàn thành 81% và đang tiếp tục gấp rút thi công. Dự kiến công trình đưa vào khai thác đầu năm 2022.
Đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu dây là tuyến đường cao tốc nối TP Hồ Chí Minh với tỉnh Đồng Nai với điểm đầu tuyến là nút giao thông An Phú (quận 2) điểm cuối là nút giao thông Dầu Giây (huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai). Hiện đoạn đường này đã đưa vào sử dụng với quy mô 4 làn xe trên tổng chiều dài 55,7 km. Bộ GTVT đã giao Tổng công ty Cửu Long lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi để mở rộng tuyến đường này thành 8-10 làn xe để đưa vào kế hoạch xây dựng giai đoạn 2021-2025.
Việc mở rộng tuyến cao tốc giải quyết tình trạng quá tải xe cộ hiện nay trên tuyến, giúp liên kết vận tải TP Hồ Chí Minh đi các tỉnh dễ dàng, nhanh chóng, tiện lợi hơn. Hiệu quả nhất là kết nối khu vực phía đông TP Hồ Chí Minh với Đồng Nai và các tỉnh khác. Đây cũng là tiền đề quan trọng để phát triển các đô thị và khu dân cư ở những điểm kết nối của tuyến cao tốc này. Theo ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP Hồ Chí Minh, thời gian qua, TP được đầu tư hạ tầng mạnh nhất so với các khu vực khác. Hàng loạt dự án hạ tầng lớn đã và đang được hình thành tại đây.
Các công trình hạ tầng giao thông đã đưa TP lên tầm cao mới, có vai trò đặc biệt quan trọng và mang tầm chiến lược. Có thể nói, với định hướng quy hoạch và sự hoàn thiện về hạ tầng, giao thông đô thị sẽ tạo một lực đẩy mạnh mẽ làm thay đổi bộ mặt TP mang tên Bác, trở thành đô thị hiện đại, xứng tầm khu vực, kéo theo sự phát triển của thị trường bất động sản nơi đây, mang đến tiềm năng tăng giá vô cùng to lớn.