Từ đầu tháng 11/2021, chiến dịch tiêm chủng vaccine Covid-19 cho trẻ từ 12-17 tuổi chính thức triển khai trên toàn quốc, theo lộ trình từ lứa tuổi cao đến thấp, ưu tiên tiêm trước cho nhóm 16-17 tuổi và hạ dần độ tuổi theo tiến độ cung ứng vaccine Covid-19 và tình hình dịch tại địa phương. Trong đó, sẽ triển khai tại các tỉnh thành đang có dịch, đang thực hiện giãn cách xã hội hoặc địa phương có mật độ dân cư đông, nguy cơ lây nhiễm SARS-CoV-2 cao...
Bộ Y tế đề nghị các địa phương và điểm tiêm chủng ấn định thời gian tiêm mũi 2 vaccine Covid-19 cho trẻ em 12-17 sau 3-4 tuần.
Với trẻ trong độ tuổi 12-17 tuổi đang đi học sẽ được lập danh sách theo lớp và triển khai tiêm trước cho nhóm tuổi học sinh phổ thông trung học, lần lượt theo khối lớp từ khối 12 đến khối 11 và khối 10; tiếp đến là học sinh Trung học cơ sở từ lớp 9, 8, 7.
Với những trẻ không đi học sẽ được điều tra và lập danh sách tại cộng đồng để đảm bảo không bỏ lỡ cơ hội tiêm chủng cho các cháu.
Theo PGS -TS Dương Thị Hồng, để đảm bảo an toàn tiêm chủng, rất cần sự phối hợp của các thầy cô giáo, cha mẹ. Cha mẹ, người giám hộ cần ký Phiếu đồng ý tiêm chủng vaccine Covid-19 cho trẻ, đồng thời chuẩn bị tâm lý, sức khỏe tốt cho trẻ trước khi tiêm chủng và phối hợp theo dõi sức khỏe của trẻ sau tiêm chủng theo hướng dẫn của cán bộ tiêm chủng. "Yêu cầu hàng đầu trong tiêm chủng vaccine Covid-19 cho trẻ em là đảm bảo an toàn tiêm chủng"- PGS Hồng nhấn mạnh.
PGS-TS Dương Thị Hồng cho biết, từ nay đến cuối năm, ngành Y tế phấn đấu tiêm ít nhất 1 mũi cho tất cả trẻ em 12-17 tuổi. "Nếu được cung ứng đủ vaccine, trong tháng 12/2021 và những tháng đầu năm 2022, chúng tôi tin tưởng sẽ sớm bao phủ 2 mũi vaccine cho cả người lớn và trẻ em"- bà Hồng nói.
Theo PGS Dương Thị Hồng, vaccine hiện tại được sử dụng tiêm chủng cho trẻ em 12-17 tuổi là vaccine Comirnaty của Pfizer, tương tự người từ 18 tuổi trở lên.
Liều lượng 0,3 ml mỗi liều, đường dùng tiêm bắp; lịch tiêm gồm 2 mũi, khoảng cách giữa 2 mũi từ 3 đến 4 tuần (21-28 ngày).
Tổ chức tiêm chủng cho trẻ em theo hình thức chiến dịch, do đó ngành giáo dục cần phối hợp chặt chẽ với ngành y tế. Sự phối hợp của các nhà trường với y tế trong công tác tiêm chủng rất quan trọng để đảm bảo tiêm chủng an toàn, đồng thời đặc biệt chú ý giãn cách phòng chống dịch. Tất cả các bàn tiếp đón, khám sàng lọc, tư vấn, bàn tiêm, theo dõi sau tiêm… phải bố trí khoa học.
"Trẻ em trong lứa tuổi này thường có phản ứng dây chuyền, do đó khi 1 trẻ nào có biểu hiện lo sợ hay e ngại tiêm thì sẽ dễ gây ra phản ứng lan chuyền cho nhiều trẻ khác. Vì vậy, nên sắp xếp các phòng tiêm, theo dõi sau tiêm thật hợp lý, có những khoảng cách nhất định"- bà Hồng lưu ý.
PGS Dương Thị Hồng cũng khuyến cáo, trong ít nhất 3 ngày đầu sau tiêm cho trẻ, cha mẹ, người giám hộ, thầy cô giáo cần yêu cầu trẻ tránh vận động mạnh, hoạt động thể thao cường độ cao. Điều này sẽ gây tăng áp lực cho tim, biểu hiện viêm cơ tim sẽ trầm trọng hơn.
Lý giải về khuyến cáo trên, PGS Dương Thị Hồng cho biết có một phản ứng không mong muốn với trẻ em sau tiêm vaccine Covid-19 đã được ghi nhận tại một số quốc gia là viêm cơ tim. "Sau tiêm, các cháu hoạt động mạnh sẽ tăng thêm áp lực cho tim, biểu hiện viêm cơ tim có thể trở nên trầm trọng hơn nếu không may gặp phản ứng phụ này. Theo các số liệu thống kê tới nay, viêm cơ tim xảy ra nhiều hơn ở mũi thứ 2 và xảy ra ở trẻ trai nhiều hơn trẻ gái"- bà Hồng thông tin.
Tuy nhiên, PGS Dương Thị Hồng cũng nhấn mạnh đây là phản ứng rất hiếm gặp. Thống kê về những trường hợp gặp phản ứng phụ này cũng chỉ là số liệu ban đầu vì 36 quốc gia đã tiêm chủng vaccine cho trẻ em mới triển khai tiêm gần đây. Số liệu này cần được tiếp tục theo dõi.
Để đảm bảo an toàn tiêm chủng, Bộ Y tế đã đề nghị các chuyên gia về nhi khoa đưa ra hướng dẫn nhận biết triệu chứng ban đầu, phác đồ điều trị viêm cơ tim.
Thông tin thêm về phản ứng phụ sau tiêm vaccine Covid-19 ở trẻ nhỏ, PGS-TS Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết, hiện không có báo cáo liên quan đến tử vong với tất cả trường hợp viêm cơ tim sau tiêm vaccine Covid-19. Dù vậy, Bộ Y tế đã có kế hoạch và tập huấn cho các cơ sở y tế để chuẩn bị thật tốt cho tình huống có ca phản ứng viêm cơ tim, mặc dù tỉ lệ rất thấp.
Với các trường hợp có chỉ định tiêm chủng tại bệnh viện, PGS Điển cho biết nhóm này gồm có các trẻ mang bệnh bẩm sinh, bệnh mạn tính, có phản ứng phản vệ độ 3 ở bất kỳ dị nguyên nào hoặc nghe tim phổi thấy bất thường. Tổ chức Y tế thế giới cũng đã khuyến cáo, phải đặc biệt lưu ý đến nhóm trẻ có bệnh nền khi tiêm chủng.
"Trong lần tiêm chủng này, chúng ta sẽ tiêm ở nhóm trẻ từ 12 -17 tuổi. Thông thường, nhóm tuổi này nếu có bệnh bẩm sinh thì đều đã bộc lộ ra hết nên nếu con có bệnh nền cha mẹ có thể đưa các con đến tiêm ở bệnh viện" - PGS Điển cho hay.
Các chuyên gia cũng cho biết, phản ứng sau tiêm vaccine Covid-19 ở trẻ em cũng tương tự như ở người lớn, phổ biến là đau đầu, đau khớp, đau cơ, đau tại vị trí tiêm. Trẻ cũng có thể bị ớn lạnh, sốt, mệt mỏi. Tuy nhiên, chuyên gia lưu ý, đối với vaccine Pfizer, thường sau tiêm mũi vaccine thứ 2 sẽ xảy ra phản ứng nhiều hơn mũi 1.
Các phản ứng có thể xảy ra các phản ứng khác gặp trên tỷ lệ 1/10 trẻ hoặc 1/100 trẻ sau tiêm là buồn nôn, mẩn đỏ tại chỗ tiêm.
Các phản ứng không phổ biến khác dưới 1/1.000 trường hợp là nổi hạch, mất ngủ, đau tứ chi, khó chịu, ngứa tại chỗ tiêm.
Những phản ứng tiếp theo rất hiếm gặp là viêm cơ tim và viêm màng ngoài tim.
Do đó, sau khi tiêm trẻ cần được theo dõi tại điểm tiêm chủng 30 phút và tiếp tục theo dõi 28 ngày sau tiêm, đặc biệt là trong vòng 7 ngày đầu sau tiêm chủng. Việc theo dõi sau tiêm áp dụng như với người lớn.
Trước thông tin lan truyền trên mạng xã hội bày tỏ lo ngại về việc tiêm vaccine Covid-19 ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe của trẻ, trong đó có lo lắng về nguy cơ gây vô sinh, PGS-TS Dương Thị Hồng nhấn mạnh: “Hiện Bộ Y tế đã phê duyệt sử dụng 2 vaccine Covid-19 tiêm phòng cho trẻ là vaccine Pfizer và Moderna. Hai vaccine này có thành phần mRNA của vi rút nhưng khi vào cơ thể hoàn toàn không có tương tác với ADN của người, do đó không có nguy cơ gây ra rối loạn biến đổi gien, hay ảnh hưởng về lâu dài đến sức khoẻ sinh sản (rối loạn vô sinh) hoặc ung thư… như các phụ huynh đang lo lắng”.
“Hiện nay chúng tôi chưa thấy có mối liên quan giữa việc sử dụng vaccine của hai nhà sản xuất này với các tác động xấu đến sức khỏe”, PGS-TS Dương Thị Hồng khẳng định.
Giải thích thêm về cơ chế của vaccine mRNA, một chuyên gia về vaccine cho hay, vaccine mRNA sử dụng mRNA (vật liệu di truyền) được tạo ra trong phòng thí nghiệm. Khi vào cơ thể người, “vật liệu” này giúp các tế bào tạo ra protein kích hoạt phản ứng miễn dịch bên trong cơ thể. Phản ứng miễn dịch đó sẽ tạo ra các kháng nguyên để bảo vệ chúng ta không nhiễm bệnh khi có vi rút thực sự xâm nhập cơ thể. Vaccine mRNA không thay đổi ADN của cơ thể người.
“Vaccine tiêm cho trẻ em ở nước ta đã được Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo dùng, được sử dụng tiêm ở nhiều quốc gia khác nhau. Do đó các bậc phụ huynh yên tâm đưa con em mình đi tiêm chủng để phòng ngừa Covid-19”, TS Hồng chia sẻ.
Trên thế giới hiện đã có hơn 36 quốc gia tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ em, là loại vaccine tương tự loại Việt Nam cho phép sử dụng để tiêm cho trẻ em.
Tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em – bảo vệ sức khoẻ và quyền trẻ em
Mặc dù trẻ em mắc bệnh Covid-19 ít hơn so với người lớn, nhưng trẻ có thể bị nhiễm virus dẫn đến bệnh Covid-19 và có thể lây lan virus gây ra Covid- 19 cho người khác, kể cả khi trẻ không biểu hiện triệu chứng bệnh.
Hầu hết trẻ bị Covid-19 có các triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng. Tuy nhiên, một số trẻ có thể bị bệnh nặng do Covid-19 buộc trẻ phải nhập viện, chăm sóc đặc biệt hoặc thở máy, nguy hiểm hơn có thể dẫn đến tử vong trong một số trường hợp. Do đó tiêm chủng là một công cụ vô cùng quan trọng để giúp bảo vệ trẻ em an toàn hơn trong đại dịch. Những em được tiêm chủng đầy đủ có thể yên tâm tiếp tục các hoạt động học tập, vui chơi.