Việt Nam
Lễ khai giảng năm học mới đầu tiên ở Việt Nam được ấn định vào ngày 5/9/1945. Sự kiện này có ý nghĩa rất thiêng liêng, không chỉ với học sinh mà với cả phụ huynh và cả cộng đồng bởi đây là ngày khai giảng đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và cũng là ngày Bác Hồ đã gửi lá thư đầu tiên chúc mừng các em học sinh. Từ đó đến nay, dù đã đổi tên thành nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, chúng ta vẫn duy trì ngày khai giảng năm học mới là ngày 5/9. Xu hướng tổ chức lễ khai giảng ngày càng gọn nhẹ, trang trọng, vui tươi, lấy học sinh làm trung tâm, đã được thực hiện tại các cơ sở giáo dục trên cả nước. Sự thay đổi này đã mang lại không khí hào hứng cho học sinh, phụ huynh và các thầy cô giáo cùng sự kỳ vọng về một tương lai phát triển nền giáo dục Việt Nam.
Nga
Ở Nga, ngày tựu trường được tổ chức vào ngày 1/9 hằng năm và còn được gọi là “Ngày tri thức”. Ngày đầu tiên đến trường ở Nga là một công việc của cả cộng đồng với những hình ảnh nổi bật như các nữ sinh lớp 1 với dải ruy băng trắng để trang trí cho mái tóc, còn học sinh nam sẽ tặng hoa cho giáo viên. Theo truyền thống, một nam sinh lớp trên sẽ bế một bé gái lớp 1 với chiếc chuông nhỏ trên tay đi quanh các học sinh và rung những tiếng chuông đầu tiên để đánh dấu ngày khai giảng của năm học mới.
Mỹ
Tại Mỹ và một số quốc gia châu Âu khác như Anh, Pháp… các trường học không tổ chức khai giảng mà chỉ dành ngày đầu tiên đến trường để học sinh tham gia vào các hoạt động ngoại khóa và làm quen với giáo viên, bạn bè mới. Thời gian tựu trường vào tháng 8 hoặc tháng 9, tùy thuộc quy định tại mỗi bang.
Hà Lan
Ở Hà Lan, những chiếc xebakfietsen thường được phụ huynh sử dụng để đưa trẻ tới trường trong ngày khai giảng. Những chiếc xebakfietsen rất được yêu thích vì thân thiện với môi trường và không chiếm chỗ khi đỗ xe. Đặc biệt, vào ngày khai giảng, tùy theo khả năng và sở thích bản thân, tất cả học sinh Hà Lan phải lựa chọn ghi danh sáng chế trong thời gian học ở trường.
Đức
Ở Đức, năm học mới bắt đầu vào tháng 5 hoặc tháng 8 (tùy thuộc điều kiện từng bang) và người Đức chỉ quan tâm tới lễ khai giảng cho học sinh lớp 1. Họ quan niệm, đó là một ngày quan trọng nhất trong đời một con người đi học. Từ lớp 2 trở lên, ngày khai trường cũng giống những ngày học khác.Tại lễ khai giảng, các học sinh lớp 1 được bố mẹ hoặc ông bà đưa cho một chiếc nón lớn to gần bằng người trẻ, được trang trí nhiều màu sắc, bên trong chất đầy kẹo, sô cô la, đồ chơi và dụng cụ học tập.
Bulgaria
Ở Bulgaria ngày đầu năm học mới, trẻ em sẽ mang hoa tặng giáo viên. Những hoạt động thú vị như hát, nhảy nhót, phát biểu, đọc thơ...diễn ra ở khắp các trường học. Các trò chơi được tổ chức với mục đích giúp học sinh gần gũi với nhau, làm quen với tập thể một cách sôi nổi, gắn bó.
Israel
Ở Israel, đi học được coi là một điều “ngọt ngào”, đặc biệt với học sinh vào lớp 1. Trong ngày đầu tiên đến trường, học sinh mới sẽ đi dưới một mái vòm do các học sinh lớp lớn tạo nên và liếm các chữ cái bằng mật ong được viết trên một tấm đá. Hành động này có ý nghĩa nhắc nhở học sinh rằng “học hành luôn là một điều ngọt ngào”. Trong buổi lễ, học sinh lớp lớn cũng thả bóng bay nhiều màu để chào đón học sinh mới.
Ả Rập Saudi
Ả Rập Saudi là một trong những quốc gia có lễ khai giảng kéo dài nhất thế giới và tuân thủ chặt chẽ mọi luật lệ nghiêm khắc nhất của Hồi giáo. Bắt đầu vào cuối tháng 8 hằng năm, lễ tựu trường của trẻ em Ả Rập được kéo dài tới 3 ngày liên tiếp với các hoạt động làm quen vớitrường lớp, thầy cô, bạn bè mới và tham gia các hoạt động ngoại khóa, đón nhận những thông tin bổ ích về trường học cũng như nhận những chia sẻ từ khóa trên. Giáo viên sẽ mang bánh và hoa cho học sinh của mình.
Hàn Quốc
Ở Hàn Quốc, lễ khai giảng thường được tổ chức vào tuần đầu tiên của tháng 3, với mong muốn mùa xuân sẽ mang đến nhiều khởi đầu tốt đẹp. Vào ngày này, học sinh lớp 1 được các thầy cô giáo tặng hoa và nói những lời chúc mừng. Một số nơi còn cho học sinh chuẩn bị những quả bóng bay có gắn điều ước. Kết thúc buổi lễ học sinh sẽ thả bóng lên trời với nguyện vọng ước mơ của mình sẽ bay cao. Nhiều nơi tại Hàn Quốc còn giữ phong tục cho trẻ em lớp 1 cưỡi trên lưng ngựa tiến vào trường trong tiếng vỗ tay hoan hô của phụ huynh và các anh chị lớp trên.
Nhật Bản
Lễ khai giảng năm học mới tại Nhật Bản được tổ chức vào đầu tháng 4 và do từng trường tự quyết định rồi thông báo với phụ huynh và học sinh. Vào ngày này, học sinh sẽ nhận được một chiếc ba lô như một món quà trong ngày đầu tiên đi học. Thầy hiệu trưởng sẽ có bài phát biểu giản dị gồm 3 điều nhắc nhở dành cho các học sinh, đó là tôn trọng luật lệ giao thông, lễ phép và biết đặt mục tiêu trong học tập.
Trung Quốc
Học sinh Trung Quốc cũng khai giảng vào ngày đầu tiên của tháng 9. Vào ngày này, các em thường tập trung ở sân trường, được các thầy cô giáo tặng một cuốn từ điển, lấy sách giáo khoa rồi trở về lớp học.
Indonesia
Kết bạn được xem là một yếu tố vô cùng quan trọng trong ngày đầu tiên đi học tại Indonesia. Ở một số vùng của quốc gia này, ngày đầu tiên được coi là định hướng để học sinh làm quen với nhau. Trẻ em sẽ được chia thành các nhóm trong ngày đầu tiên đi học và được tạo cơ hội để hiểu rõ hơn về bạn học của mình.
Có thể thấy, ngày khai trường trên thế giới không diễn ra cùng thời điểm và có những truyền thống khác nhau. Nhưng dù ở đâu, trẻ em luôn là đối tượng được gia đình, xã hội quan tâm đặc biệt và tạo điều kiện để phát triển.