Năm 2019, chị Huyền Trang (38 tuổi, ở Thái Nguyên) kết hôn với anh Giáp Hoàng Nhật. Điều chị lo lắng nhất là người chồng kém 11 tuổi sẽ đối xử với ba đứa con riêng của mình thế nào dù anh Nhật từng hứa "sẽ đối xử với các con như con đẻ".
Về chung nhà, chị Trang sớm nhận ra mình đã lo lắng thừa. Bé Suzy và chị gái tên Bông (13 tuổi) quấn quýt và thích ăn các món bố dượng nấu hơn cả mẹ. "Bố thương con, nhưng chỉ mua quà chứ không chơi với con, nấu cho con những bữa ăn ngon như ba Nhật", Suzy và Bông tâm sự với mẹ.
Anh Nhật khâu từng chiếc áo đứt cúc cho con gái, sẵn sàng ngồi hàng giờ làm ma nơ canh cho hai cô bé học cách buộc tóc, trang điểm.
Hai năm trước, chồng cũ của chị Trang đề nghị cho con trai lớn về sống chung với mẹ thay vì ở với bố như trước. Chị còn đang phân vân, anh Nhật đã quyết đón con về. Anh Nhật chủ động xin vào ban phụ huynh của con trai cả, dù bận rộn công việc. Vợ thắc mắc, anh bảo ''như vậy sát sao được việc học của con hơn''. Vợ cấm con trai chơi game, nhưng thi thoảng anh xin phép chị được chơi cùng con ít ván, để hai bố con gần gũi, trò chuyện được nhiều hơn.
''Anh như được ông trời phái đến để bù đắp cho tôi và các con sau những tổn thương tưởng không thể chữa lành'', Huyền Trang nói.
Tổ ấm mới của chị Trang và anh Nhật được các nhà nghiên cứu hôn nhân - gia đình gọi là "gia đình đa huyết thống" (mẹ kế, bố dượng, con anh, con em, con chúng ta). Mô hình này đang có chiều hướng gia tăng tại Việt Nam cùng số vụ ly hôn ngày càng nhiều.
Theo Tổng cục Thống kê, năm 2013 cả nước có hơn 18.000 vụ ly hôn, năm 2017 đã là gần 28.000 vụ. Tỷ lệ ly hôn so với kết hôn là 25%, có nghĩa rằng, cứ 4 cặp vợ chồng đi đăng ký kết hôn thì một đôi ra tòa. Theo một khảo sát của vụ Gia đình (Bộ Văn hóa Thể thao, Du lịch), khoảng 75% số người ly hôn sẽ tái hôn và đưa số gia đình đa huyết thống tăng lên.
Chuyên gia tâm lý hôn nhân, gia đình Trần Kim Thành (Hà Nội) cho rằng xã hội Việt Nam hiện đại đã có cái nhìn cởi mở hơn với những gia đình đa huyết thống bởi chính mô hình này đã thành công trong việc xây dựng cuộc sống tốt đẹp cho chính họ và những đứa con.
''Tôi từng chứng kiến, tiếp xúc với nhiều đứa trẻ nói rằng nhờ có cha dượng, mẹ kế mà cuộc sống tốt hơn, hạnh phúc hơn'', bà Thành nói.
Chuyên gia tâm lý trẻ em Hồng Hương (Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam) nói thêm rằng, với trẻ nhỏ, tình yêu chúng có được phụ thuộc vào cha dượng, mẹ kế còn với trẻ vị thành niên, có được bạn đời mới của cha mẹ yêu thương hay không 70% phụ thuộc vào chính thái độ của trẻ.
Chuyên gia nhận định nhiều người hiểu sai, cứ nghĩ cha mẹ đẻ ở với nhau thì con mới hạnh phúc. Vì vậy, họ chấp nhận cuộc hôn nhân ngày nào cũng có cãi vã, bạo lực, không biết rằng đang sản sinh môi trường độc hại cho con. ''Đừng lấy lý do sống vì con. Hãy sống vì mình. Bạn hạnh phúc con mới hạnh phúc'', bà Hương nói.
Chị Huyền Trang thừa nhận đó cũng là sai lầm của mình. Chị đã chịu đựng cuộc hôn nhân không hạnh phúc với chồng cũ 9 năm. Cả chục lần viết đơn ly hôn nhưng chị không dám dứt khoát. Trang chọn sống chung vì không muốn các con không có bố.
Năm 2014, sau mâu thuẫn đỉnh điểm, Trang mới quyết định ly hôn. Để hai con lớn cho chồng nuôi theo thỏa thuận, chị dắt con út về quê ngoại trong tình trạng cả mẹ và con đều tổn thương tâm lý.
Suzy nhiều lần chứng kiến bố mẹ xung đột đến mức hễ thấy bạn bè hay người nhà trêu đùa, có đụng tay chân là hoảng loạn, hét ầm lên, lao vào ôm lấy mẹ. Từ ngày sống cùng bố Nhật, chứng kiến bố yêu thương, chăm chiều cả gia đình, bé vui vẻ hay cười nói và không còn tâm lý phòng thủ như trước.
Hai năm sau, Bông, con gái thứ hai, cuối cùng là con trai cả cũng được đón về đoàn tụ với mẹ và bố mới. "Không còn cãi vã, không có bạo lực, từng ngày trôi qua chúng tôi đều có thể mỉm cười", người mẹ nói.
Chuyên gia Kim Thành cho biết, nếu được sống trong gia đình đa huyết thống hạnh phúc, trẻ sẽ có được sự bình yên, có niềm tin vào tình người, lòng nhân ái. Trẻ hiểu rằng không phải chỉ những người ruột thịt mà những người xa lạ vẫn có thể yêu thương, trân trọng nhau.
''Trẻ hiểu rằng dù không may hôn nhân phải lựa chọn lại thì vẫn có cơ hội hạnh phúc. Khi trưởng thành, các con không sợ kết hôn, không sợ cuộc sống gia đình'', bà Kim Thành nói.
Chị Hạnh Trân (34 tuổi, ở Đồng Nai) là một người như thế. Mẹ mất khi chị vừa chào đời, đến năm 7 tuổi, ba dẫn mẹ mới về. Cuộc sống dẫu khó khăn nhưng mẹ hai luôn thương yêu, đối xử công bằng với chị như con ruột, dù cho sau này bà và chồng có thêm những đứa con chung.
Ngày chị Hạnh Trân sinh con, chồng bỏ mặc. Chị về ngoại, được mẹ kế lấy tiền tiết kiệm mua cho từng tấm áo, manh quần để đi sinh. "Tôi mổ đẻ, một tuần đầu chẳng bế được con, một mình mẹ vừa chăm cháu, vừa phụ ba lo giặt giũ'', chị kể. Nhờ mẹ hai, chị được kiêng suốt ba tháng, không thấy mình thua thiệt khi vắng chồng và nhà nội. Đó cũng là động lực để Hạnh Trân bước vào cuộc hôn nhân mới - một gia đình có con chị, con riêng của chồng và sau đó là con chung của hai người.
Ngày chị với anh cưới nhau, con anh cũng bằng trạc tuổi con chị khi bố dẫn mẹ hai về. ''Bữa đó nó mếu máo, chạy về hỏi tôi 'bà ba hàng xóm nói má là mẹ ghẻ sẽ tét mông con. Chị cười, xoa đầu nó 'má không tét mông, má thương con'". Con bé nghe thế cười, chạy đi chơi tiếp'', chị kể.
Đồng cảm với đứa trẻ và học được cách ứng xử của mẹ hai mình, chị bao dung và yêu thương con chồng. Giờ nhìn gia đình chị, không ai nghĩ họ là gia đình đa huyết thống. ''Nhiều người còn bảo bé lớn giống tôi hơn anh nữa'', chị nói.
Theo chuyên gia tâm lý Hồng Hương, về mặt tâm lý, không thể xếp nhóm gia đình khuyết cha mẹ hay gia đình đa huyết thống là gia đình khiếm khuyết nếu gia đình đó đầm ấm, vui vẻ.
''Gia đình mà dù có cả cha mẹ đầy đủ nhưng không hạnh phúc mới nên gọi là khiếm khuyết'', bà nói.
Vợ chồng chị Huyền Trang và các con tin điều đó là đúng. Ở trong gia đình chắp nối này, các con chị thấy vui vẻ và bình an, lòng không còn tổn thương như khi ở cạnh người có chung dòng máu.